Thứ 5, 25/04/2024, 08:46[GMT+7]

Tiền Hải: Phát triển chăn nuôi bền vững

Thứ 3, 29/11/2022 | 20:36:26
14,160 lượt xem
Những năm gần đây, huyện Tiền Hải tích cực khuyến khích các hộ nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung quy mô trang trại. Qua đó không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững.

Trang trại nuôi gà đẻ của hộ dân xã Đông Cơ (Tiền Hải).

Trang trại của chị Đặng Thùy Chinh, xã Vũ Lăng là một trong những trang trại có quy mô lớn tại địa phương, được đầu tư xây dựng với 5 dãy chuồng lạnh có hệ thống khép kín, xử lý môi trường chăn nuôi bằng máy tách lọc phân, đóng bao xuất bán cho nhà vườn các địa phương lân cận. Nước thải được đưa vào 3 ao sinh học để lắng đọng, bảo đảm không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Mỗi năm trang trại xuất chuồng trên 1.000 tấn lợn thịt, tạo việc làm cho 10 lao động. Chị Chinh chia sẻ: Chăn nuôi theo hướng tập trung là quá trình liên kết khép kín giữa các khâu từ hệ thống chuồng trại đến quá trình chăn nuôi và lựa chọn thức ăn, xử lý môi trường đều phải đúng kỹ thuật để lợn phát triển khỏe mạnh. Trang trại luôn chú trọng đến khâu lựa chọn giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y để phòng dịch bệnh.

Cũng đầu tư chăn nuôi theo mô hình trang trại nhưng ông Vũ Ngọc Huyến, xã Đông Cơ lại lựa chọn chăn nuôi gà. Gia đình ông Huyến đã đầu tư hơn 500 triệu đồng xây dựng trang trại chăn nuôi 5.000 gà đẻ, 3.000 gà hậu bị. Bao quanh chuồng trại là hệ thống quạt làm mát, trần nhà được lắp hệ thống đèn chiếu sáng; cài đặt tự động theo giờ để kích thích gà đẻ trứng. Chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ đàn gà và kích gà đẻ trứng, ông Huyến cho rằng phải tuân thủ tuyệt đối quy trình kỹ thuật, đặc biệt là công tác tiêm phòng, vệ sinh môi trường. Với việc nuôi khép kín theo quy trình chuẩn, trang trại đã và đang phát huy hiệu quả cả về mặt kinh tế và xã hội, góp phần tái cơ cấu ngành chăn nuôi gà của địa phương.

Bà Lê Thị Phương Lan, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tiền Hải cho biết: Ngoài 2 trang trại này, huyện Tiền Hải có 57 trang trại, trong đó có 12 trang trại với quy mô lớn nuôi từ 1.000 - 4.000 đầu lợn. Duy trì tổng đàn gia súc hàng năm khoảng 120.000 con; gia cầm 1,2 triệu con. Giá trị sản xuất chăn nuôi tăng bình quân 0,2%/năm. Những năm gần đây, trong sự phát triển của ngành chăn nuôi đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng về chất lượng thông qua việc thúc đẩy hình thành các vùng chăn nuôi quy mô lớn theo hình thức trang trại, gia trại, giảm về hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại các khu dân cư. Thực tế này phù hợp với định hướng chung của huyện trong kế hoạch tái cơ cấu ngành chăn nuôi, từng bước chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung trang trại, gia trại để mang lại chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất cho ngành chăn nuôi. Ngoài khuyến khích người dân xây dựng trang trại tập trung quy mô, xa khu dân cư, huyện cũng chú trọng đến công tác phòng bệnh cho đàn vật nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm của ngành chăn nuôi. Quản lý chặt chẽ công tác tái đàn bảo đảm điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học. Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, các biện pháp vệ sinh phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Khuyến cáo các chủ cơ sở chăn nuôi nâng cấp, sửa chữa hệ thống chuồng trại, hạ tầng chăn nuôi và có biện pháp xử lý chất thải hữu hiệu. Thực hiện tốt phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, tăng cường dịch vụ thú y, quy định chặt chẽ quản lý và sử dụng thuốc thú y, áp dụng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị, áp dụng hệ thống quản lý kiểm soát nguy cơ ô nhiễm, quản lý vùng nuôi an toàn về môi trường; hướng dẫn tổ chức chăn nuôi theo VietGAP để sản phẩm sản xuất ra đáp ứng các tiêu chí của thị trường.

Có thể thấy, phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại ở huyện Tiền Hải những năm gần đây đã giúp nông dân thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, chuyển từ hình thức sản xuất nhỏ lẻ sang hướng hàng hóa, tăng giá trị và sức cạnh tranh cho sản phẩm, thúc đẩy lĩnh vực chăn nuôi phát triển bền vững.

Trang trại chăn nuôi lợn khép kín tại xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải.


Mạnh Thắng