Thứ 2, 23/12/2024, 01:49[GMT+7]

Liên kết phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững Kỳ III: Tạo động lực bằng cơ chế, chính sách (tiếp theo và hết)

Thứ 4, 29/11/2023 | 08:50:32
12,437 lượt xem
Từ hiện trạng phát triển chuỗi giá trị nông sản của tỉnh hiện nay cho thấy hoạt động này vẫn còn thiếu và yếu, chưa tương xứng với thực tế sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên vẫn có dư địa để phát triển. Đây là tín hiệu vui, cho phép đặt kỳ vọng vào sự hình thành và phát triển chuỗi giá trị nông sản trong thời gian tới.

Chính sách hỗ trợ của tỉnh đã góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo thuận lợi cho liên kết sản xuất phát triển.

Trong điều kiện thời tiết, khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao..., việc tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng mà ngành nông nghiệp, các địa phương và người dân đang hướng tới để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững. Để bảo đảm thực hiện hiệu quả và phát huy tối đa nguồn lực từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thời gian qua tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp, HTX, nông dân tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, trong đó trực tiếp và toàn diện là Nghị quyết số 40/2020/NQ-HĐND, ngày 9/12/2020 của HĐND tỉnh phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, nông dân, cá nhân, HTX, doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện theo quy định sẽ được hưởng hỗ trợ từ chi phí tư vấn xây dựng liên kết, hạ tầng phục vụ liên kết đến công tác đào tạo, tập huấn, giống, vật tư, nhãn mác sản phẩm; chi phí để được cấp các chứng nhận VietGAP, VietGAHP, cấp mã số vùng trồng, mã số vùng nuôi...

Một trong những khó khăn trong việc xây dựng và phát triển số lượng các chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh là tình trạng sản xuất nông nghiệp phần nhiều còn mang tính nhỏ lẻ, có sự tham gia của nhiều hộ. Để khắc phục tình trạng này, các cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai cũng được chú trọng: Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND, ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh ban hành quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai; mua ­­máy cấy, hệ thống thiết bị sấy phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND, ngày 12/7/2023 của HĐND tỉnh ban hành quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2028. Cùng với đó, xuyên suốt quá trình thực hiện, UBND tỉnh lồng ghép các nội dung hoạt động liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trong các kế hoạch, đề án, chương trình... nhằm tăng cường, phát triển các chuỗi liên kết, mở rộng thị trường không chỉ trong khu vực mà hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng thực hiện lồng ghép các chính sách hỗ trợ từ chương trình OCOP, hỗ trợ kinh tế tập thể, HTX để thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị gắn với sản phẩm nông nghiệp chủ lực địa phương.

Ông Nguyễn Văn Phát, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ cho biết: Thời gian qua, thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của tỉnh, toàn huyện đã có trên 300 hộ dân tích tụ, tập trung ruộng đất với quy mô từ 2ha trở lên, diện tích đạt gần 1.400ha đồng thời mua bổ sung 67 máy cấy các loại. Việc tích tụ, tập trung đất đai quy mô lớn đã góp phần từng bước xóa bỏ các bờ ngăn, tạo các khung thửa lớn, thuận lợi cho việc cải tạo đồng ruộng và đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giảm sự phát triển của dịch hại, tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả sử dụng đất, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh tế từ 20 - 30%. Trên địa bàn huyện đã xuất hiện một số mô hình liên kết sản xuất mang lại hiệu quả cao, bền vững, tạo vùng nguyên liệu lớn, ổn định như mô hình nâng cao giá trị sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm ở xã An Mỹ; mô hình cánh đồng không bờ cấy lúa TBR225 ở xã An Tràng; mô hình sản xuất lúa nếp Tam Xuân ở xã An Thanh; mô hình cánh đồng liên kết sản xuất lúa Nhật ở xã Quỳnh Thọ; mô hình liên kết áp dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở xã An Ninh...

Để các chuỗi liên kết sản xuất không bị đứt gãy, phát huy được hiệu quả rất cần sự chủ động, tích cực của cả người dân và doanh nghiệp. Các địa phương tích cực tuyên truyền để người dân thấy được tầm quan trọng của việc tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng liên kết; thường xuyên đánh giá, dự báo cung cầu hàng hóa nông sản của thị trường để giúp các chuỗi điều chỉnh hướng sản xuất, kinh doanh hợp lý. Doanh nghiệp, HTX và người sản xuất tham gia chuỗi cần phải tuân thủ nguyên tắc bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các bên, tuân thủ nghiêm túc các điều khoản trong hợp đồng; cùng chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro, khó khăn trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các địa phương chú trọng thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất để đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực quản trị, xây dựng phương án sản xuất, kết nối thị trường cho các HTX để làm trung gian liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp..., góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển bền vững.

Chế biến hành tại Công ty Cổ phần Nông sản - Thương mại dịch vụ Thanh Nhàn (Quỳnh Phụ).

Ngân Huyền