Thứ 2, 20/05/2024, 22:49[GMT+7]

Công ty Cổ phần Sợi Trà Lý Vững vàng trước khó khăn

Chủ nhật, 28/09/2014 | 18:20:57
981 lượt xem
Trải qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển Công ty Cổ phần Sợi Trà Lý phải đối mặt với biết bao khó khăn, thử thách nhưng vẫn bám trụ, đứng vững trên thị trường và trở thành một trong những công ty lớn mạnh có thương hiệu hàng đầu của tỉnh. Ðể có được điều đó, Công ty đã đề ra chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp, đầu tư công nghệ hiện đại, động viên người lao động hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Năm 2013, Công ty Cổ phần Sợi Trà Lý đầu tư 140 tỷ đồng xây dựng nhà máy sợi 2 công suất 1,5 vạn cọc.

Ông Hoàng Tích Phụng, Bí thư Ðảng ủy Công ty cho biết: Công ty Cổ phần Sợi Trà Lý được thành lập năm 1980 với nhiệm vụ chính là kéo sợi đay, làm thảm đay xuất khẩu. Hoạt động tới đầu những năm 1990 do ảnh hưởng trực tiếp từ thị trường Ðông Âu và Liên Xô, Công ty đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và gần như không còn hướng đi khác. Từ 1.400 công nhân Công ty đã phải tinh giản còn 700 công nhân, thị trường tiêu thụ mặt hàng thảm đay bế tắc, sản xuất, kinh doanh đình trệ. Trước tình hình đó đòi hỏi Công ty phải có sự thay đổi về cơ cấu mặt hàng trong sản xuất, kinh doanh, phải có sản phẩm mới đáp ứng được yêu cầu thị trường. Do đó, tới năm 2002 Công ty đã tranh thủ sự giúp đỡ của Tập đoàn Dệt may Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy kéo sợi công suất 2 vạn cọc với nguồn vốn 200 tỷ đồng. Sau khi nhà máy hoàn thành, tới năm 2004 Công ty đổi tên thành Công ty Sợi Trà Lý và tới năm 2007 Công ty thực hiện cổ phần hóa và đổi tên thành Công ty Cổ phần Sợi Trà Lý như hiện nay. 

Thực hiện chiến lược sản xuất, kinh doanh, năm 2007 Công ty đã mở rộng dây chuyền sản xuất, đầu tư và lắp đặt thêm 1 vạn cọc sợi tại nhà máy nâng tổng công suất lên 3 vạn cọc sợi với các loại sản phẩm chính là sợi cotton, PE, sợi pha và các loại sợi khác. Tưởng chừng sẽ “xuôi chèo mát mái” song từ năm 2007 - 2010 Công ty lại tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế toàn cầu. Thời điểm này, Công ty đối mặt với rất nhiều khó khăn: hàng tồn kho kéo dài, thị trường tiêu thụ hẹp, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, lãi suất ngân hàng cao… Tuy nhiên, càng khó khăn Công ty lại càng vươn lên khẳng định vị thế của mình. Hội đồng quản trị đã thực hiện phương châm “Quyết tâm duy trì sản xuất, không đóng cửa nhà máy, không nghỉ dãn ca, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động’’. Chủ trương đó đã được 100% cổ đông tán thành và đã được các tổ chức đoàn thể, người lao động đồng tình ủng hộ. Do đó, Công ty tiếp tục bố trí, cân đối lại dây chuyền sản xuất, cơ cấu lại mặt hàng, tăng cường công tác kiểm tra chất lượng, khai thác hết khả năng công suất của máy móc thiết bị để tăng năng suất, sản lượng, tăng thu nhập cho người lao động, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm. Công ty phát động phong trào thi đua lao động sản xuất, tăng năng suất, giữ vững chất lượng, an toàn và hiệu quả. Với khí thế đó, ngay từ cuối năm 2010 tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty đã ổn định, có dấu hiệu phục hồi, tới năm 2011 bắt đầu có lãi và từ năm 2012 bắt đầu có tốc độ tăng trưởng cao. Kết quả năm 2012, Công ty không chỉ đạt doanh thu gần 390 tỷ đồng mà còn đóng góp vào ngân sách nhà nước 18 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 548 lao động với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Phụng cho biết thêm: Từ năm 2003 - 2013, Công ty luôn có 2 nhà máy hoạt động là đay và sợi, tuy nhiên từ 2010 - 2013 ngành đay vô cùng khó khăn do thị trường các sản phẩm đay bị đóng băng, lượng hàng tồn kho nhiều, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, trong khi đó vẫn phải bảo đảm cho người lao động có việc làm, thu nhập ổn định. Nắm bắt và dự báo trước được thị trường của dòng sản phẩm sợi sẽ là ngành hàng tiêu thụ tốt trên thị trường trong và ngoài nước, cuối năm 2013, Công ty đã dừng hoạt động nhà máy đay, chuyển sang đầu tư 140 tỷ đồng mở rộng xây dựng thêm nhà máy sợi 2 với công suất 1,5 vạn cọc. Ðồng thời đã linh hoạt chuyển đổi tính năng hoạt động của thiết bị như chuyển một số máy chải cotton sang chạy PE và ngược lại để bảo đảm nhu cầu khách hàng. Theo đó, Công ty chuyển phần lớn số công nhân của nhà máy đay sang làm ở nhà máy sợi 2 để bảo đảm cho người lao động có việc làm ổn định. Ðây thực sự là quyết định táo bạo, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Hội đồng quản trị giữa lúc nhiều doanh nghiệp đang phải thu hẹp sản xuất, đóng cửa thì Công ty lại tiến hành đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng thêm nhà máy. Kết quả trên đã đưa doanh thu năm 2013 của Công ty tiếp tục tăng trưởng khá với 443 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 35 tỷ đồng, tạo việc làm cho 526 lao động với thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng.

Tính bình quân 3 năm gần đây, mỗi năm Công ty nhập khoảng 6.700 tấn bông, sản xuất ra 6.500 tấn sản phẩm, trong đó thị phần xuất khẩu chiếm khoảng 40%. Năm 2014, Công ty phấn đấu đạt doanh thu 600 tỷ đồng, tiếp tục đầu tư và mở rộng chuyên sâu về mặt hàng sợi để phục vụ cho ngành dệt may. Dự tính năm 2015, Công ty sẽ xây dựng thêm nhà máy sợi công suất 2 vạn cọc.

Thu Thủy

  • Từ khóa