Thứ 3, 21/01/2025, 08:24[GMT+7]

Để vụ lúa xuân 2011 giành thắng lợi toàn diện

Thứ 4, 04/05/2011 | 10:15:21
1,940 lượt xem
Hiện nay, toàn bộ diện tích lúa xuân trong tỉnh đã vượt qua những khó khăn bước đầu về sinh trưởng và phát triển; tình hình sâu bệnh cũng chưa đáng lo ngại nhiều. Tuy nhiên, đây mới là thời điểm lúa bước vào giai đoạn phân hoá đòng, nên những khó khăn thách thức vẫn có thể xảy ra nếu sâu bệnh không được phát hiện kịp thời và không phòng chống tốt.

Đến thời điểm này, các cấp, ngành và bà con nông dân mới tạm hết lo lắng cho vụ lúa xuân năm 2011. Bởi từ đầu tháng 4 đến nay, thời tiết khá thuận lợi cho lúa sinh trưởng, phát triển; hầu hết đã kết thúc ở giai đoạn đẻ nhánh , số dảnh đạt cao; một số giống lúa ngắn ngày gieo cấy trà sớm đang trong giai đoạn phân hoá đòng. Trên đồng ruộng chỉ có một số ít diện tích  xuất hiện bệnh đạo ôn; huyện Tiền Hải có sâu cuốn lá nhỏ nở rộ, còn lại các huyện, thành phố vẫn ở mức an toàn.

         

Trước đó, nguy cơ mất mùa vụ lúa xuân là nỗi lo ngày đêm của các cấp, ngành và bà con nông dân. Nguyên nhân do khi bước vào sản xuất gặp thời tiết bất thuận, rét đậm, rét hại kéo dài làm mạ chết trên diện rộng; sau cấy lúa chậm phát triển, có nơi lúa ngừng phát triển trong thời gian dài.

 

Tuy nhiên, ngay khi thời tiết thuận lợi, ngành nông nghiệp và các huyện, thành phố đã chỉ đạo sâu sát, quyết liệt triển khai nhiều biện pháp khắc phục kịp thời nên lúa phục hồi rất nhanh, sinh trưỏng, phát triển tốt. Hiện nông dân đang tập trung chăm sóc và bảo vệ lúa xuân. Nếu như mọi năm ở thời điểm này, sâu bệnh đang phát triển nhanh, mạnh, thì năm nay lúa vẫn cơ bản được an toàn.

 

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho biết, mặc dù 14 tỉnh miền Bắc đã có 1466,7 ha có triệu chứng nhiễm bệnh lùn sọc đen (LSĐ), trong đó đã tiêu huỷ 0,1 ha, song, đối với Thái Bình, bệnh LSĐ trên lúa, cây màu khác chưa có biểu hiện nhiều. Những diện tích có triệu chứng đã lấy mẫu đi xét nghiệm, kết quả vẫn ở mức an toàn cho phép.

 

Cụ thể, ngày 23/3 phát hiện trên giống ngô MX4 tại xã Song An (Vũ Thư) có các triệu chứng cây bệnh, Chi cục đã hướng dẫn nông dân nhổ bỏ và lấy mẫu đi giám định, kết quả âm tính với bệnh LSĐ. Ngày 28/3 lúa xuân ở các xã Tây Lương, Đông Long (Tiền Hải), Lê Lợi, Bình Nguyên (Kiến Xương) có triệu chứng lá xoăn, rách mép, qua giám định âm tính LSĐ, lùn xoắn lá (LXL)...

 

Đặc biệt, ngày 11/4 phát hiện trên giống lúa Hương thơm của xã Đông Giang (Đông Hưng) có các biểu hiện bệnh LSĐ, LXL, đưa mẫu đi giám định, kết quả dương tính; Chi cục BVTV đã theo dõi ngoài đồng ruộng, đến nay lúa ở Đông Giang vẫn phát triển bình thường, các lá mới ra không có biểu hiện của cây bệnh, cây vươn dài, bộ rễ phát triển tốt. Đối với các loại sâu bệnh khác, các huyện hiện vẫn chưa có biểu hiện nhiều, ngoại trừ Tiền Hải có sâu cuốn lá nhỏ.

 

Theo kết quả kiểm tra đồng ruộng của Chi cục BVTV, sâu cuốn lá nhỏ trưởng thành từ ngày 16/4 – 22/4 ở lúa của Tiền Hải, mật độ 0,1 – 0,3 con/m2, nơi cao 5 – 7 con/ m2, cá biệt có nơi 30 – 40 con/2. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra gần đây nhất, mật độ sâu và trứng cuốn lá đã tăng lên 40 con/m2, nơi cao 60- 70 con/m2.

 

Hiện Chi cục BVTV và huyện Tiền Hải đã hướng dẫn, phát động nông dân tập trung phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ từ ngày 28/4 – 30/4, với diện tích khoảng 5 nghìn ha, tập trung chủ yếu ở những diện tích lúa còn xanh non, lá mới phát triển nhiều. Bà Nguyễn Thị Nga khẳng định, đối với bệnh đạo ôn năm nay chưa có biểu hiện nhiều như mọi năm; song hiện tượng thừa đạm đã và đang xảy ra trên nhiều diện tích, cùng với thời tiết trung tuần tháng 4 có mưa ẩm, đây là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn hại lá phát sinh, gây hại. Ông Nguyễn Viết Đạo, Chủ nhiệm HTXDVNN xã Chí Hoà (Hưng Hà) cho biết, toàn bộ diện tích lúa của xã đã đẻ nhánh hữu hiệu xong, đang bước sang giai đoạn đứng cái làm đòng.

 

Để lúa tiếp tục phát triển, bảo đảm độ an toàn cao trước những biến động bất thường của thời tiết và sâu bệnh,...HTX đã chỉ đạo nông dân tập trung chăm sóc đến ngày 2/5, ngoài thời gian này tạm ngừng không bón bất cứ loại phân nào khác. Hiện trên lúa của Chí Hoà, một số diện tích Nếp thơm, BC15 bệnh đạo ôn đã chớm xuất hiện, nếu thời tiết vẫn âm u, mưa nhỏ sẽ phát triển diện rộng với mật độ cao.

         

Để giúp nông dân chủ động trong việc phòng trừ bệnh đạo ôn hại lá, Chi cục BVTV đã khuyến cáo bà con cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, nhất là các giống BC15, Q5, Nếp 97, T10 và những diện tích cấy trên đất trũng hẩu, thừa đạm. Trên đồng ruộng có từ 3-5% số lá có vết bệnh hình thoi, màu tro xám cần phun phòng trừ ngay; sử dụng các loại thuốc đặc hiệu, như FUJION40WP, KANSUI21...Các loại thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn chỉ có hiệu lực cao khi bệnh mới phát sinh, nếu ruộng nào bị bệnh nặng cần áp dụng biện pháp vơ bỏ các lá bị bệnh, sau đó phun kép lần 2 liên tiếp, mỗi lần cách nhau từ 3 -5 ngày. Ngoài ra, điều tiết nước trong ruộng hợp lý, không để khô hạn, không bón đạm đơn và dùng các loại phân qua lá, tập trung bón hết phân kali trước khi lúa phân hoá đòng...

 

Như vậy, hiện nay, toàn bộ diện tích lúa xuân trong tỉnh đã vượt qua những khó khăn bước đầu về sinh trưởng và phát triển; tình hình sâu bệnh cũng chưa đáng lo ngại nhiều. Tuy nhiên, đây mới là thời điểm lúa bước vào giai đoạn phân hoá đòng, nên những khó khăn thách thức vẫn có thể xảy ra nếu sâu bệnh không được phát hiện kịp thời và không phòng chống tốt. Do đó, đòi hỏi ngành nông nghiệp, các huyện, thành phố và bà con nông dân cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, tránh tư tưởng chủ quan để vụ lúa xuân giành thắng lợi toàn diện.

                                                                             

Nguyên Bình

         

 

 

  • Từ khóa