Thứ 3, 30/07/2024, 11:31[GMT+7]

Hành trình “điện đi trước một bước” (Kỳ cuối)

Thứ 2, 13/05/2019 | 09:10:10
964 lượt xem
Sau hơn 8 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn của tỉnh ta có nhiều khởi sắc với 237 xã hoàn thành và 1 huyện đạt chuẩn NTM. Góp phần vào thành tích chung đó, Công ty Điện lực Thái Bình có nhiều nỗ lực cải tạo hệ thống lưới điện để các địa phương hoàn thành tiêu chí số 4. Đồng thời, là động lực quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đưa Thái Bình trở thành điển hình được các địa phương trong cả nước học tập, làm theo.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chú trọng đầu tư máy móc hiện đại sản xuất sứ dân dụng.

Kỳ 4: Thúc đẩy phát triển nông thôn

(tiếp theo và hết)

Sau hơn 8 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn của tỉnh ta có nhiều khởi sắc với 237 xã hoàn thành và 1 huyện đạt chuẩn NTM. Góp phần vào thành tích chung đó, Công ty Điện lực Thái Bình có nhiều nỗ lực cải tạo hệ thống lưới điện để các địa phương hoàn thành tiêu chí số 4. Đồng thời, là động lực quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đưa Thái Bình trở thành điển hình được các địa phương trong cả nước học tập, làm theo.

Xây dựng NTM nhằm tạo chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp phát triển bền vững, góp phần ổn định chính trị, kinh tế - xã hội. Quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, ngành điện giữ vai trò quan trọng và là nhân tố quyết định thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. 

Thanh Tân (Kiến Xương) là 1 trong 8 xã được tỉnh lựa chọn xã điểm xây dựng NTM. Sau nhiều năm, bằng nỗ lực, sự chung sức đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Thanh Tân đã về đích NTM vào tháng 7/2013, trước 2 năm so với dự định. 

Ông Bùi Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã cho biết: Với xuất phát điểm là một xã thuần nông, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ kém phát triển, kết cấu hạ tầng như điện, đường, trường, trạm ở điểm xuất phát thấp so với mặt bằng chung của huyện Kiến Xương, ngay từ giai đoạn đầu xây dựng NTM, Thanh Tân đã xác định hệ thống lưới điện phải ổn định, an toàn mới tạo tiền đề thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm ổn định đồng thời các hộ dân mới đầu tư máy móc vào sản xuất. Từ những chủ trương đúng và trúng, đến nay trên địa bàn xã đã có 7 doanh nghiệp, gần 50 tổ hợp nghề, 1 cụm công nghiệp thu hút hàng nghìn công nhân vào làm việc. Mục tiêu tiếp theo Thanh Tân đang dồn sức để phấn đấu năm 2019 hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu, năm 2020 sẽ đạt tiêu chí đô thị loại V.

Công nhân Điện lực Quỳnh Phụ kiểm tra hệ thống trạm điện bảo đảm cung ứng điện ổn định, an toàn.

Hưng Hà là huyện NTM đầu tiên của tỉnh. Hệ thống đường giao thông trên địa bàn thuận tiện, các đường dây tải điện được nâng cấp để mang nguồn năng lượng điện đi khắp các xã của huyện. Hiện nay, Điện lực Hưng Hà đang quản lý trạm biến áp trung gian 35/10,5kV, tổng dung lượng 29.400kVA; trạm biến áp tiêu thụ 427MBA, tổng dung lượng 85.981kVA; 74,27km đường dây 35kV; 232,32km đường dây 10kV và hơn 1.000km đường dây hạ áp; quản lý trên 90.000 khách hàng. Tại các địa phương, ngành điện luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện ở khu vực nông thôn, góp phần thay đổi tập quán và quy mô canh tác, thâm canh, tăng năng suất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí. Hệ thống điện của huyện đã bảo đảm yêu cầu kỹ thuật của ngành điện cả về lưới điện phân phối, trạm biến áp, đường dây trung hạ áp; khoảng cách an toàn và hành lang bảo vệ, chất lượng điện... Tổng kinh phí đầu tư cho lưới điện hạ áp nông thôn từ năm 2008 - 2018 trên 69,4 tỷ đồng. Giai đoạn tiếp theo, các công trình đã và đang cải tạo nâng cấp với nguồn kinh phí khoảng 25 tỷ đồng. Những nỗ lực của ngành điện đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện: năm 2018, tổng giá trị sản xuất ước đạt trên 15.255 tỷ đồng, tăng 10,42% so với năm 2017. Từ nay đến năm 2020, Hưng Hà tập trung phấn đấu thực hiện một số mục tiêu, tổng giá trị sản xuất gấp 1,55 lần so với năm 2015. Duy trì 100% số xã đạt chuẩn NTM đồng thời tiến tới xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Theo ông Nguyễn Văn Tuynh, Giám đốc Công ty Điện lực Thái Bình, thời gian qua đơn vị đã phối hợp với 263 xã xây dựng NTM, trong đó hỗ trợ các xã về nhân công để thực hiện công tác khảo sát, lập phương án kỹ thuật dịch chuyển đường dây, dự toán, giám sát việc thi công dịch chuyển đường dây, tháo lắp lại dây dẫn hộp công tơ... bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, đúng tiêu chí NTM, với tổng số công lao động lên đến hơn 50.000 công, ước tính trên 20 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị còn kết hợp các dự án đầu tư xây dựng và sửa chữa lớn lưới điện phục vụ chương trình xây dựng NTM với tổng mức đầu tư trên 500 tỷ đồng. 

Ông Vũ Ngọc Khiếu, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Ngày 23/5/2017, tổ máy đầu tiên của Nhà máy nhiệt điện Thái Bình đã hòa lưới điện thành công vào hệ thống điện quốc gia. Sau khi đưa vào vận hành thương mại, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình cung cấp cho hệ thống điện quốc gia sản lượng điện hàng năm từ 3,6 - 3,9 tỷ kWh, dự kiến cho doanh thu 6.000 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách nhà nước khoảng 600 tỷ đồng/năm. Dự án giữ vai trò bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa không riêng Thái Bình mà cho một số tỉnh lân cận trong vùng đồng bằng Bắc Bộ và bổ sung nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia.

Năm 2019, Thái Bình phấn đấu có 264/264 xã về đích NTM và có ít nhất 2 huyện đạt chuẩn huyện NTM. Mục tiêu đến năm 2020 có 6/6 huyện đạt chuẩn huyện NTM, phấn đấu đến tháng 6/2020 có 18 xã đạt chuẩn NTM nâng cao trong đó có ít nhất 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu... Để tiếp tục đóng góp vào chương trình xây dựng NTM, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với Công ty Điện lực Thái Bình triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ để xây dựng các công trình hạ tầng, phân bổ hợp lý các nguồn vốn, chương trình, dự án để đầu tư cho xây dựng NTM. Bảo đảm tất cả các xã trên địa bàn được bố trí nguồn lực thực hiện, trong đó ưu tiên cho các xã điểm, xã yếu và xã phấn đấu về đích sớm. Đồng thời, các địa phương cần xây dựng tổng thể về quy hoạch hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ... theo các tiêu chí Chính phủ quy định để có kế hoạch hành động đồng bộ xây dựng hệ thống lưới điện phù hợp, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu về điện với chất lượng ổn định, an toàn, tránh lãng phí nguồn điện.

Mạnh Thắng