Chủ nhật, 24/11/2024, 09:35[GMT+7]

Vũ Thư đổi mới phương thức gieo cấy lúa xuân

Thứ 3, 28/11/2017 | 08:47:25
728 lượt xem
Khác với những năm trước, vụ xuân năm 2018, UBND huyện Vũ Thư chỉ đạo các HTX DVNN giảm diện tích gieo thẳng để chuyển sang phương thức cấy lúa bằng máy.

Vụ xuân năm 2018, Vũ Thư đẩy mạnh áp dụng phương thức cấy lúa bằng máy.

Vụ xuân năm 2017, huyện Vũ Thư gieo cấy 7.998ha lúa, trong đó diện tích lúa gieo thẳng (bao gồm cả gieo vãi và sạ hàng) là 6.958,3ha - cao nhất từ trước tới nay và là huyện có diện tích lúa gieo thẳng cao nhất tỉnh. Qua thực tế sản xuất nhiều năm, lúa gieo thẳng có thời gian sinh trưởng ngắn hơn lúa cấy truyền thống, giúp nông dân chủ động giải phóng đất để sản xuất 3 vụ/năm. Đồng thời, gieo thẳng chính là giải pháp tốt nhất để giải bài toán thiếu lao động trong nông nghiệp cũng như giúp nông dân tiết kiệm lượng thóc giống từ 30 - 40% so với lúa cấy.

Tuy nhiên, điểm mới trong đề án sản xuất vụ xuân năm 2018, UBND huyện Vũ Thư đã quyết định giảm diện tích gieo thẳng xuống còn 80%, thấp hơn 7% so với vụ xuân năm 2017. Lý giải về vấn đề này, ông Trần Văn Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Khi nông dân tiến hành gieo sạ, gieo vãi phải tốn khá nhiều thuốc diệt cỏ, khoảng 1 - 1,2 lít/ha (đối với thuốc trừ cỏ dạng nước) và 250 - 300g/ha (đối với thuốc trừ cỏ dạng bột). Trong khi đó, nhiều năm nay, nông dân rất ít sử dụng phân hữu cơ mà chủ yếu dùng phân vô cơ để bón cho lúa. Bên cạnh đó, bà con chưa coi trọng việc cày lật đất làm ải ở vụ xuân. Đây là những nguyên nhân khiến đất bị nhiễm độc, dẫn đến hủy hoại hệ sinh thái đồng ruộng. Mặt khác, sử dụng nhiều phân vô cơ dẫn đến đất bị chai, người nông dân phải đầu tư lớn vào sản xuất nông nghiệp. Hệ lụy lớn hơn của việc sử dụng thuốc diệt cỏ và phân vô cơ là sẽ gây nhiễm độc các sản phẩm nông nghiệp, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Ngoài ra, khi áp dụng phương thức gieo thẳng, đặc biệt là gieo vãi, nếu nông dân gieo không đều tay, sẽ mất nhiều công tỉa dặm và cây lúa sẽ phát triển không đều, gây bông to, bông bé, hạt to, hạt bé làm ảnh hưởng đến chất lượng hạt gạo, khó khăn cho xuất khẩu.

Cũng theo ông Trần Văn Hưng, huyện Vũ Thư đang tích cực thực hiện tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp sạch, nhằm thu hút đầu tư của các doanh nghiệp. Đây đang là chủ trương “nóng”, là hướng đi mới mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vũ Thư hướng đến. Nếu tình trạng bà con nông dân sử dụng thuốc diệt cỏ, phân vô cơ khá lớn như hiện nay sẽ rất khó thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư do không có “đất sạch”. 

Ông Đinh Vĩnh Thụy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để bà con nông dân thay đổi phương thức gieo cấy lúa như hiện tại là một việc làm không dễ. Chính vì vậy, huyện tập trung cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động. Với phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, và “mưa dầm thấm lâu”, gia đình cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên sẽ đi đầu thực hiện và là nòng cốt tuyên truyền bà con đầu tư thuê máy cấy, dùng phân vi sinh, phân hữu cơ để bón ruộng. Các thành viên tổ công tác của huyện thường xuyên bám sát địa bàn, cùng với cán bộ địa phương chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc. Mục tiêu của huyện mỗi năm giảm từ 7 - 10% diện tích gieo thẳng trong vụ xuân, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững.

Vụ xuân năm 2018, huyện Vũ Thư phấn đấu gieo cấy 7.900ha, năng suất 71 tạ/ha trở lên, sản lượng đạt 56.090 tấn trở lên. Cơ cấu giống lúa có tiềm năng năng suất cao khoảng 45% diện tích như Thái Xuyên 111, CNR36, TBR-1, TBR225, TBJ3… Nhóm các giống lúa chất lượng cao 55% diện tích như BT7, T10…

Thu Trang

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày