Chủ nhật, 24/11/2024, 10:05[GMT+7]

Cây màu phủ xanh đồng ruộng

Thứ 2, 11/12/2017 | 15:01:36
783 lượt xem
Vụ đông năm nay, huyện Thái Thụy trồng được 5.000ha cây màu vụ đông gồm: ngô 800ha; dưa, bí các loại 800ha; khoai tây 650ha; 500ha hành, tỏi, còn lại là rau màu các loại. Hiện nay, nông dân địa phương đang tập trung chăm bón, phòng, trừ sâu bệnh nhằm nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng.

Về Thụy Trường những ngày này, khắp các cánh đồng đã được phủ kín một màu xanh của các loại cây màu vụ đông. Do được chăm sóc và bảo vệ tốt nên hiện nay 250ha cây màu vụ đông của xã sinh trưởng, phát triển nhanh. 

Đang chăm sóc cây màu trên cánh đồng thôn Tam Tri, bà Phạm Thị Đào cho biết: Vụ đông này nhà tôi trồng được 5 sào hành, tỏi. Hiện nay, hành, tỏi phát triển tốt, cao khoảng từ 10 - 15cm so với mặt rạ. Theo kinh nghiệm nhiều năm, giai đoạn này hành, tỏi hay bị chết héo do vi khuẩn nấm phát sinh gây hại. Vì vậy, để bảo đảm cho cây phát triển tốt, tôi đã sử dụng các loại chế phẩm đối kháng nấm ngay từ lúc bón lót phân cho cây và hòa nước tưới cho cây định kỳ 10 ngày/lần. Ngoài ra tôi cũng thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết nếu có mưa phùn kéo dài, sương ban đêm sẽ tiến hành phun thuốc phòng bệnh định kỳ cho cây.

Theo ông Đổng Minh Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Trường: Vụ đông này xã trồng 250ha cây màu nhưng đợt mưa lũ kéo dài trong tháng 10 đã làm chết gần 30ha, trong đó chủ yếu là dưa hấu. Để bảo đảm diện tích cây màu vụ đông, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân trồng mở rộng một số diện tích cây màu truyền thống để bù lại diện tích cây màu đã bị thiệt hại. Hiện nay, xã đang tích cực đôn đốc, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chăm sóc, bảo vệ để cây màu sinh trưởng, phát triển tốt.

Nông dân xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ) chăm sóc cây màu vụ đông.

 Theo ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thái Thụy: Đợt mưa lũ kéo dài trong tháng 10 đã làm chết 800ha cây màu vụ đông của huyện. Để bảo đảm diện tích cây màu vụ đông theo kế hoạch, ngành Nông nghiệp huyện tăng cường chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy mạnh tiến độ gieo trồng cây màu ưa lạnh như sa lát, khoai tây, cải bắp, rau màu các loại… Cùng với đó, tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tổ chức tiếp nhận và sử dụng tốt lượng khoai tây giống tỉnh hỗ trợ; hướng dẫn người dân làm đất và trồng bảo đảm mật độ, đúng kỹ thuật, thời vụ. Đồng thời, đôn đốc, hướng dẫn người dân tiến hành chăm sóc, bón phân, tưới nước, tạo điều kiện cho cây màu vụ đông sinh trưởng, phát triển nhanh, nhất là đối với những diện tích cây màu vụ đông ưa ấm và các diện tích bị ảnh hưởng do mưa lũ kéo dài.

Trước diễn biến bệnh lùn sọc đen đang phát sinh gây hại ở cây ngô, huyện Thái Thụy chỉ đạo các địa phương khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra, khi phát hiện cây ngô có các triệu chứng như cây thấp lùn, thân ngắn, lá xanh đậm, có sọc trắng dọc gân lá, lá non có mép rách hình chữ V thì tiến hành nhổ bỏ để tiêu hủy. Đồng thời, hướng dẫn người dân tiến hành phun thuốc trừ rầy (nguồn môi giới lây lan bệnh lùn sọc đen) trên các vùng ngô bị nhiễm bệnh bằng các thuốc nội hấp, lưu dẫn như Penalty 40WP, Chess 50WG, Oshin 20WP, Midan 10WP…, sau khi phun thuốc từ 3 - 5 ngày cần kiểm tra lại. Bên cạnh đó, để hạn chế nguồn bệnh gây hại, nhất là bệnh lùn sọc đen phát sinh trên đồng ruộng, các địa phương trong huyện cũng đang huy động nhân lực, phương tiện khẩn trương đẩy nhanh tiến độ cày lật đất không trồng cây màu vụ đông, phơi ải nhằm tiêu diệt mầm mống sâu bệnh hại.

Tháng 12 về Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ), chúng tôi như cảm nhận được sự hồi sinh diệu kỳ trên những xứ đồng 2 tháng trước còn chìm trong mưa lụt. Màu xanh no ấm của rau màu nhân thêm niềm vui trên mỗi khuôn mặt người nông dân, thêm một vụ đông thắng lợi đang về.

* Trận mưa lớn tháng 10 đã làm gần 280ha cây màu của Quỳnh Hội ngập úng, nhiều thôn bị thiệt hại nặng như Lương Mỹ, Đông Xá. Ngay khi mưa dứt, xã đã huy động lực lượng tập trung khắc phục hậu quả, nhanh chóng bổ sung những diện tích bị thiệt hại. Quỳnh Hội là địa phương có truyền thống phát triển cây màu vụ đông, đặc biệt, đây là vùng trọng điểm trồng ớt của Quỳnh Phụ nên bên cạnh việc khôi phục diện tích ớt, xã chủ trương vận động nông dân trồng các loại rau màu ngắn ngày để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đến nay, toàn bộ diện tích cây màu vụ đông của địa phương với gần 100ha ớt, khoai tây 45ha, khoai lang 30ha, bí đao 17ha và rau màu các loại đang phát triển xanh tốt, nhiều diện tích đã cho thu hoạch.

Trên cánh đồng thôn Phụng Công, vừa nhanh tay thu hoạch ớt, ông Nguyễn Tiến Tặng hồ hởi chia sẻ: Vụ đông năm nay gia đình tôi trồng 7,5 sào, trong đó 4 sào ớt, còn lại là khoai lang, lạc, rau màu các loại. Mưa lớn làm thiệt hại một phần diện tích ớt, gia đình đã nhanh chóng trồng bổ sung khoai tây theo chủ trương của xã. Năm nay, năng suất ớt có thể kém hơn các năm trước nhưng bù lại giá ớt tăng cao, làm động lực để ông Tặng và bà con nông dân trong thôn đẩy mạnh sản xuất và thêm gắn bó với vụ đông. Trên những mảng màu xanh no ấm, tiếng cười nói cùng những bàn tay thoăn thoắt thu hoạch ớt của bà con nông dân như mời gọi chúng tôi về thôn Nguyên Xá. 

Bà Phạm Thị Hiện, một nông dân trong thôn cho biết: Với 5 sào ớt và rau màu, hiện tại gia đình tôi đang tập trung thu hoạch. Nhờ giá ớt cao và ổn định nên từ đầu vụ đến nay gia đình tôi đã thu nhập gần 20 triệu đồng từ làm vụ đông, bù đắp phần lớn những thiệt hại do mưa ngập gây ra.

Ở Quỳnh Hội, nhờ kinh nghiệm canh tác, hiệu quả từ thu nhập đã đưa vụ đông lên thành vụ sản xuất chính. Hiện tại, ngoài rau màu các loại, trên 80% diện tích ớt và khoai lang ở đây đã cho thu hoạch. Giá thu mua ớt dao động ở mức 60.000 đồng/kg và chắc chắn sẽ còn tăng vào thời điểm cuối năm. Khoai lang được thu mua với giá 7.000 đồng/kg. Những ngày này, thương lái tập trung về các xứ đồng Quỳnh Hội, chờ nông dân thu hoạch xong nông sản là thu mua ngay, do giá cao nên bà con rất phấn khởi.

Để vụ đông phát triển bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân, ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hội cho biết: Ngoài sự hỗ trợ sản xuất vụ đông của UBND huyện và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhờ nắm bắt thời vụ, địa phương đã định hướng cho người nông dân lựa chọn những cây trồng cho giá trị kinh tế cao trong sản xuất, đặc biệt là cây ớt. Ngoài ra, UBND xã và HTX đã triển khai kế hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền trồng cây màu vụ đông, làm tốt công tác tập huấn chuyển giao kỹ thuật, bảo đảm thủy lợi, cung ứng giống, thuốc bảo vệ thực vật, diệt chuột…, hướng tới sản xuất nông sản an toàn. 

Vấn đề quan tâm nhất của Quỳnh Hội và nhiều địa phương khác trong huyện hiện nay là tìm đầu ra ổn định cho nông sản. Mặc dù xã đã chủ động mời các công ty, doanh nghiệp uy tín về ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhưng thực sự hiệu quả chưa cao. Nông dân còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu chủ động, chạy theo thị trường nên dễ phá hợp đồng và bị tư thương ép giá. Khi “4 nhà” vẫn chưa tìm được tiếng nói chung thì bài toán tiêu thụ nông sản thực sự còn nan giải và điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn còn tiếp diễn.

Trần Tuấn - Trịnh Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày