Thứ 4, 24/07/2024, 08:32[GMT+7]

Nhìn tiêu dùng từ tổng mức bán lẻ

Thứ 3, 11/12/2012 | 14:19:23
1,070 lượt xem
Tiêu thụ trong nước là một động lực của tăng trưởng kinh tế. Tính chung 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (TMBL) trong nước đã tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng tốc độ còn thấp và vẫn còn là điểm nghẽn của nền kinh tế.

So với cùng kỳ năm trước, TMBL 11 tháng năm nay, tính theo giá thực tế tăng 16,4%, nếu loại trừ yếu tố tăng giá, thì tăng 6,4%. Đây là tốc độ tăng có xu hướng cao lên so với đầu năm và là yếu tố quan trọng góp phần làm cho tốc độ tăng tồn kho sản phẩm công nghiệp chế biến có xu hướng giảm dần qua các thời điểm từ đầu tháng 3 tới nay (từ trên 34% còn 20%). Đây cũng là yếu tố góp phần làm cho tốc độ tăng GDP cao lên qua các quý và cao hơn tốc độ tăng GDP (9 tháng đạt 4,73, dự báo cả năm tăng 5,2%).

 

Tuy nhiên, tốc độ tăng này đã thấp xa so với các thời kỳ trước (bình quân năm trong thời kì 1991 – 1995 tăng 12,8%, thời kì 1996 – 2000 tăng 7,9%, thời kì 2001 – 2005 tăng 11,8%, thời kì 2006 – 2010 tăng 15%).

 

Song cũng do tốc độ tăng TMBL thấp hơn đã góp phần làm cho tốc độ tăng giá tiêu dùng tháng 11 chỉ tăng 0,47%, 11 tháng chỉ tăng 6,52% và sau 1 năm chỉ tăng 7,08%- thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn mục tiêu đề ra cho cả năm.

 

Tốc độ tăng TMBL thấp là một trong những điểm nghẽn hiện nay, làm cho tồn kho còn ở mức cao, kéo dài và lan rộng ra nhiều ngành, lĩnh vực, từ sản phẩm sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, đến bất động sản, tiền vốn ở ngân hàng thương mại...

 

Tổng cục Thống kê mới tính thêm tỷ lệ giá trị hàng tồn kho tại thời điểm 1/11/2012 so với giá trị sản xuất dự kiến cả năm 2012 của ngành công nghiệp chế biến. Kết quả, tỷ lệ này là 6,5%, trong đó một số ngành có tỷ lệ giá trị hàng tồn kho khá cao như: sản xuất xe có động cơ 15,4%, chế biến và bảo quản thủy sản 10,8%, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 9,8%, sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ 8,3%...

 

Điểm nghẽn về tồn kho, nhất là trong các ngành bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng... là tiền đề và cộng hưởng với nợ xấu trở thành hai điểm nghẽn lớn nhất của nền kinh tế hiện nay, tác động xấu đến tăng trưởng tín dụng, đến tăng trưởng kinh tế, đến công ăn việc làm... Việc giải quyết hai điểm nghẽn này vừa khó khăn, vừa tốn kém thời gian, vừa tốn kém kinh phí; nếu không khéo léo và có liều lượng phù hợp thì sẽ tác động xấu đến lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội.

 

Tiêu thụ trong nước tăng thấp trước hết do tăng trưởng kinh tế bị chậm lại, làm cho thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán của dân cư tăng thấp.

 

Ngoài ra còn có nguyên nhân do một bộ phận dân cư bị thất nghiệp, thiếu việc làm; xuất hiện tâm lý “tích cốc phòng cơ" hoặc chờ giá giảm nữa mới mua sắm, tiêu dùng...

 

Cơ cấu TMBL theo loại hình cho thấy, kinh tế cá thể hiện chiếm tỷ trọng cao nhất (48,2%). Điều đó chứng tỏ loại hình này vẫn còn hấp dẫn đối với người mua hàng, nhất là đối với nông dân, dân nghèo ở thành thị, đối với những mặt hàng tiêu dùng hàng ngày, mặt hàng nhỏ lẻ.

 

Loại hình kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng lớn thứ hai (35%) với các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, với phương thức bán hàng thuận lợi (niêm yết giá, cân đo đong đếm, sắp xếp hàng hóa...), nên đã tăng trưởng nhanh 21,4%.

 

Loại hình kinh tế nhà nước bị giảm 0,4%, nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì còn giảm sâu hơn, tỷ trọng chỉ còn 12,4% và thường còn lúng túng khi xảy ra các cơn sốt giá.

 

Loại hình kinh tế tập thể tăng trưởng thấp (9,5%, nếu loại trừ yếu tố giá thì gần như không tăng), nên chỉ còn chiếm 1%. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài còn chiếm tỷ trọng nhỏ 2,9%, nhưng tăng với tốc độ khá cao 36,2%. Khu vực này sẽ ngày càng gia tăng cùng với việc mở của ngày càng sâu rộng hơn.

 

Cơ cấu TMBL theo ngành hoạt động đã có sự chuyển dịch nhất định. Ngành thương nghiệp (bán lẻ hàng hóa thuần túy) vẫn chiếm thị phần cao nhất 77,1%, nhưng cũng tăng thấp nhất trong các ngành và tăng thấp hơn tốc độ tăng chung (15,6% so với 16,4% ). Điều đó chứng tỏ người tiêu dùng phần nhiều vẫn là những người “ăn chắc, mặc bền” vẫn quan tâm đến hàng hóa thông dụng, nhưng thị phần đã có xu hướng giảm dần.

 

Các ngành dịch vụ (gồm khách sạn, nhà hàng, du lịch, dịch vụ khác), tuy chiếm tỷ trọng còn thấp 22,9%, nhưng đã có tốc độ tăng khá cao (du lịch tăng 31,3%, dịch vụ tăng 18,7%, khách sạn, nhà hàng tăng 18,6%). Điều đó chứng tỏ một bộ phận dân cư đã có mức sống khá.

 Theo chinhphu.vn

  • Từ khóa