Chủ nhật, 24/11/2024, 13:01[GMT+7]

Thêm gần 1 triệu lao động trong các ngành dịch vụ

Thứ 2, 07/01/2013 | 08:28:17
1,112 lượt xem
Cơ cấu lao động theo nhóm ngành trong năm 2012 có sự chuyển dịch tích cực, tỷ trọng lao động trong nhóm ngành dịch vụ tăng từ 30,3% lên 31,4%, số lao động tăng 974 nghìn người.

Cơ cấu lao động theo nhóm ngành năm 2005 và 2012 (%):

Đây là một trong những kết quả tích cực mà lĩnh vực lao động, lĩnh vực có vai trò quan trọng về nhiều mặt với nền kinh tế - xã hội, đạt được trong năm 2012.

 

Những kết quả tích cực

 

Trước hết, liên quan đến lao động là dân số. Dân số Việt Namon> năm 2012 ước đạt 88,78 triệu người. Dù là năm “rồng vàng” Nhâm Thìn, tốc  độ tăng dân số ở mức 1,06% - chỉ  cao hơn một chút so với con số tương ứng của một vài năm trước và vẫn nằm trong tốc độ tăng thấp dưới 1,1% đạt được từ năm 2007 đến nay. Tỷ lệ dân số thành thị đạt 32,45%, tuy còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực (trên 42%), ở châu Á (trên 44%) và trên thế giới (trên 51%), nhưng đã cao hơn năm 2011 (31,75%).

 

Hai, số lao động đang làm việc tiếp tục tăng với tốc độ khá cao (2,7%), chứng tỏ nỗ lực tìm việc làm của người lao động, sự cố gắng giữ chân người lao động của các cơ sở sản xuất kinh doanh, sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước.

 

Ba, cơ cấu lao động theo loại hình kinh tế có  sự chuyển dịch nhẹ. Lao động trong khu vực nhà nước chiếm 10,4% (số lao động vẫn tăng khoảng 125 nghìn người); lao động khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tỷ trọng giảm nhẹ từ 3,4% xuống 3,3% (nhưng số lao động vẫn tăng khoảng 5,1 nghìn người); lao động khu vực ngoài nhà nước tỷ trọng tăng từ 86,2% lên 86,3% (số lao động tăng trên 1,2 triệu người). Điều đó chứng tỏ khu vực này vẫn thu hút nhiều lao động và vẫn là nơi giải quyết chủ yếu với nhiều lao động tăng thêm.

 

Bốn, cơ cấu lao động theo nhóm ngành tiếp tục chuyển dịch. Tỷ trọng lao động trong nhóm ngành nông, lâm, thủy sản giảm từ 48,4% xuống còn 47,5% (nhưng vẫn tăng 182,4 nghìn người), nhóm ngành công nghiệp- xây dựng giảm từ 21,3% xuống còn 21,1% (nhưng vẫn tăng 181,6 nghìn người), nhóm ngành dịch vụ tăng từ 30,3% lên 31,4% (số lao động tăng 974 nghìn người).

 

Như vậy, nhóm ngành nông, lâm nghiệp- thủy sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất và nhóm ngành dịch vụ tỷ trọng đã tăng lên và đã thu hút được nhiều  hơn số lao động tăng thêm. Đây là sự chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành của nền kinh tế.

 

Năm, xuất khẩu lao động mặc dù gặp nhiều khó khăn do tăng trưởng kinh tế của nhiều nước đối tác chậm lại, nhưng vẫn tiếp tục được thực hiện. Theo tính toán sơ bộ, với hơn 400 nghìn lao động đang làm việc ở nước ngoài, hàng năm đã gửi về Việt Nam khoảng 1,8 tỷ USD, bình quân đạt 4,5 nghìn USD/người, tương đương với trên 90 triệu đồng.

 

Một số hạn chế

 

Một, dễ nhìn thấy là do dân số những năm trước tăng còn cao, nên nay số người bước vào tuổi lao động còn lớn; số người thất nghiệp còn nhiều (hiện còn gần 1 triệu người), số người thiếu việc làm còn nhiều hơn.

 

Hai, điểm “nghẽn” lớn hiện nay là trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ lao động. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp, cơ cấu đào tạo còn bất hợp lý. Việc đào tạo chưa hợp lý giữa các ngành nghề, giữa lý thuyết và thực hành. Việc phân bổ và sử dụng còn chưa hợp lý…

 

Ba, năng suất lao động còn thấp. Năng suất lao động thấp là yếu tố cản trở tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhất là về chất lượng, là yếu tố tiềm ẩn làm mất cân đối kinh tế vĩ mô (lạm phát, nhập siêu, thâm hụt cán cân thanh toán,…), là lực cản của thu nhập. Có nhiều nguyên nhân làm cho năng suất lao động của Việt Namon> thấp. Có nguyên nhân do quy mô GDP còn nhỏ. Có nguyên nhân do cơ cấu lao động hiện vẫn còn gần một nửa số lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp- thuỷ sản, trong khi năng suất lao động của nhóm ngành này chỉ bằng 1/5 của nhóm ngành công nghiệp- xây dựng; năng suất lao động nhóm ngành công nghiệp- xây dựng cao nhất, nhưng tỷ trọng số lao động còn thấp…

 

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã đề ra những mục tiêu về lao động và năng suất lao động. Cụ thể, tạo công ăn việc làm để giảm tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm; giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp (đến năm 2015 còn 35- 40%, đến năm 2020 còn 30%) trên cơ sở tăng tương ứng tỷ lệ lao động công nghiệp- xây dựng và dịch vụ.

 

Cùng với đó, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo (đến năm 2015 là 55%, đến năm 2020 là 70%); tăng năng suất lao động (gấp rưỡi vào năm 2015), tăng tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của năng suất các nhân tố tổng hợp- gồm hiệu quả đầu tư và năng suất lao động (đến năm 2015 lên 31- 32%, đến năm 2020 lên 35%).

 

Theo chinhphu.vn

  • Từ khóa