Thứ 5, 25/04/2024, 21:26[GMT+7]

Các doanh nghiệp vận tải Sẵn sàng giảm giá cước theo giá xăng, dầu

Thứ 5, 13/11/2014 | 07:54:25
1,072 lượt xem
Từ 11 giờ ngày 7/11/2014, giá xăng trên toàn quốc tiếp tục giảm gần 1.000 đồng/lít, xuống còn 21.390 đồng/lít (xăng RON 92) thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Đây là lần giảm giá xăng, dầu thứ 9 liên tiếp kể từ tháng 7/2014 đến nay (tổng cộng giảm là 4.250 đồng). Để bảo đảm quyền lợi của khách hàng, các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh đã sẵn sàng giảm giá cước tương ứng theo giá xăng dầu hiện nay.

Công ty Cổ phần Hoàng Hà dự kiến điều chỉnh giảm giá cước vận tải từ ngày 15/11/2014.

Trước thực tế giá xăng, dầu liên tục được điều chỉnh, ngày 11/11, Sở Giao thông Vận tải đã có văn bản đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh tính toán lại giá thành, thực hiện kê khai lại giá cước phù hợp với biến động của chi phí nhiên liệu và yếu tố đầu vào. Riêng đối với các doanh nghiệp vận tải hành khách, Sở yêu cầu các doanh nghiệp phải thu đúng giá cước đã niêm yết, đồng thời thực hiện đăng ký kê khai, niêm yết giá vé theo đúng quy định. Trước đó, một số doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án giảm giá cước như Công ty Cổ phần Hoàng Hà, Công ty Cổ phần Xe khách Thái Bình…

Là một trong những doanh nghiệp vận tải hành khách chủ lực trong tỉnh, ngay sau khi giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm, Công ty Cổ phần Hoàng Hà đã chủ động tính toán lại giá thành, giảm giá cước vận tải hành khách kể từ ngày 15/11 từ 7 - 11% đối với tất cả các loại hình vận tải, từ tuyến cố định, xe buýt và taxi. Ông Lưu Huy Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cho biết: Với gần 300 đầu xe các loại nên việc tăng hay giảm giá cước đối với doanh nghiệp là rất khó khăn. Trước khi tăng hoặc giảm giá cước, doanh nghiệp phải xem xét sự chênh lệch, nếu như giá xăng, dầu tăng hoặc giảm không quá 10% thì doanh nghiệp chưa tiến hành điều chỉnh giá cước. Do khi tăng hoặc giảm giá cước, doanh nghiệp phải chủ động in lại vé, hóa đơn vận tải với số lượng lớn gây tốn nhiều chi phí. Đối với xe taxi, doanh nghiệp phải tiến hành tháo kẹp chì để điều chỉnh lại giá cước. Sau khi điều chỉnh giá cước, doanh nghiệp phải đưa xe đi kiểm định lại đồng hồ và kẹp chì, dán tem kiểm định. Hiện nay, Công ty Cổ phần Hoàng Hà đã hoàn thành thủ tục cho việc giảm giá cước vận tải hành khách cũng như vận tải công cộng và cước taxi. Theo đó, từ ngày 15/11/2014, Công ty Cổ phần Hoàng Hà sẽ điều chỉnh giảm giá cước một số tuyến như Thái Bình - Hà Nội  từ 85.000 đồng xuống 80.000 đồng/hành khách, tuyến Thái Bình - Quảng Ninh từ 95.000 đồng xuống 90.000 đồng/hành khách…

Các doanh nghiệp vận tải sẵn sàng giảm giá cước theo giá xăng, dầu nhằm góp phần bảo đảm quyền lợi của khách hàng.

Không chỉ riêng Công ty Cổ phần Hoàng Hà, Công ty Cổ phần Xe khách Thái Bình cũng đang khẩn trương tiến hành điều chỉnh giá cước vận tải hành khách hợp lý theo giá xăng dầu trên thị trường. Chị Nguyễn Thị Thủy, Phó Trưởng phòng Kinh doanh Công ty cho biết: Hiện nay Công ty đang cân đối chi phí, xây dựng phương án giảm giá cước tương ứng theo giá nhiên liệu, dự kiến tuyến Thái Bình - Hà Nội sẽ giảm từ 85.000 đồng xuống 80.000 đồng/hành khách kể từ ngày 15/11/2014. Đối với một số tuyến đường dài khác, Công ty sẽ giữ nguyên giá vé do trước đây khi giá nhiên liệu tăng Công ty không tăng giá vé. Việc giảm giá cước vận tải lần này sẽ gây khó khăn cho Công ty nói riêng và các doanh nghiệp vận tải khác nói chung, nguyên nhân chính là do hiện nay lượng hành khách đi lại ít, không đáp ứng được chi phí phục vụ. Ngoài ra, còn các nguyên nhân khác như chi phí nhân công, vật tư, bến bãi tăng cao.

Bên cạnh việc giảm giá cước của các doanh nghiệp vận tải hành khách thì các doanh nghiệp vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh cũng đã bắt đầu có những phương án giảm giá cước nhất định. Theo đó,  trong thời gian tới, các doanh nghiệp vận tải hàng hóa dự kiến sẽ giảm từ 5 - 8% so với giá cước hiện tại. Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Viết Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Thái Bình khẳng định: Trước tình hình giá xăng, dầu liên tục giảm như hiện nay, Hiệp hội Vận tải ô tô Thái Bình đã có văn bản đôn đốc các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh tính toán, cơ cấu lại chi phí đầu vào để giảm giá cước ngay khi có thể. Tuy nhiên, việc này cần có thời gian chuẩn bị nhất định. Bên cạnh việc giảm giá cước, Hiệp hội cũng đề nghị các doanh nghiệp vận tải hành khách cần nâng cao chất lượng, cải thiện thái độ phục vụ đối với hành khách trên xe.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 63 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vận tải hành khách với trên 1.000 đầu xe các loại; hơn 50 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa với hàng nghìn đầu xe. Bên cạnh các doanh nghiệp đã có động thái giảm giá như Công ty Cổ phần Hoàng Hà, Công ty Cổ phần Xe khách Thái Bình, trong thời gian tới, sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, các doanh nghiệp khác cũng sẽ công bố mức giá mới. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay đối với các doanh nghiệp là quy trình của việc thay đổi giá cước khá phức tạp. Từ lúc đăng ký thay đổi giá cước tới lúc được sự cho phép của các cơ quan quản lý nhà nước phải mất từ 3 - 5 ngày. Sau khi trình Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải và Cục Thuế về bảng giá cước mới, nếu được thông qua, các doanh nghiệp mới bắt đầu áp dụng theo bảng giá mới đó.

Cước vận tải luôn được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến giá nhiều mặt hàng thiết yếu gia tăng. Tuy nhiên, sau gần mười lần điều chỉnh giá xăng, dầu vừa qua, chi phí vận chuyển vẫn không thay đổi nên giá các mặt hàng không có biến động có lợi cho người tiêu dùng. Với những động thái tích cực của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh, hy vọng trong thời gian tới, giá cả các mặt hàng trên thị trường sẽ giảm, góp phần bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.

Phạm Hưng

  • Từ khóa