Thứ 2, 26/05/2025, 02:01[GMT+7]

Tân Phong phát triển mạnh ngành nghề, thương mại, dịch vụ

Thứ 5, 26/11/2015 | 08:44:34
583 lượt xem
Những năm qua, Tân Phong (Vũ Thư) đã phát huy lợi thế về vị trí địa lý để bứt phá trong phát triển kinh tế, nhất là phát triển ngành nghề, thương mại, dịch vụ.

Cơ sở gia công đồ gỗ Bảo Hưng sản xuất trên 100 sản phẩm/tháng.

Theo đánh giá của ông Đồng Mạnh Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã, lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ ở địa phương phát triển tương đối nhanh và mạnh với tốc độ tăng trưởng khoảng 10%/năm. 5 năm qua, lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ của xã chiếm 70% cơ cấu kinh tế. Thuận lợi nhất của địa phương là có gần 1km tỉnh lộ chạy qua, có chợ truyền thống họp tất cả các ngày trong tháng và có khu vực bến bãi ven sông Trà Lý cung cấp vật liệu xây dựng cho nhân dân các xã trong vùng nên đã hình thành trung tâm buôn bán sầm uất nhất trong khu vực. Thực hiện các nghị quyết của Huyện ủy về lãnh đạo phát triển kinh tế, những năm qua, xã đã tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế theo hướng: công nghiệp - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp. Riêng chợ Mễ vốn là trung tâm buôn bán của 6 xã trong vùng, mỗi sáng thu hút khoảng 700 người tới mua sắm và có trên 300 hộ kinh doanh trong chợ, do đó xã đã tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư nâng cấp, cải tạo chợ, đem lại nguồn thu cho địa phương. Đặc biệt, năm 2013, xã được tài trợ trên 2,2 tỷ đồng thuộc Dự án Lifsap xây dựng 52 quầy thực phẩm tươi sống đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân. Cùng với đó, địa phương luôn khuyến khích các hộ dân mở mang ngành nghề sản xuất, kinh doanh dịch vụ bằng việc tạo thuận lợi trong công tác vay vốn, mặt bằng và thủ tục hành chính để thúc đẩy thị trường giao lưu hàng hóa trong xã ngày càng phong phú, đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Ngoài ra, Tân Phong còn có bến bãi giáp sông Trà Lý chuyên cung cấp vật liệu xây dựng và giáp ranh với thành phố Thái Bình nên nhu cầu vận tải và đi lại của người dân rất lớn. Do vậy, dịch vụ vận tải ở xã phát triển khá tốt, số hộ mua xe ô tô và máy xúc làm dịch vụ ngày càng tăng. Đến nay, toàn xã có 35 xe ô tô tải, ô tô con, máy xúc, có 9 gia đình mở bến bãi sản xuất gạch không nung, kinh doanh cát, đá. Các hộ dân ở Tân Phong còn mua 17 máy cày cỡ lớn, 14 máy gặt đập liên hợp làm các khâu dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, toàn xã có 973 lao động tham gia hoạt động thương mại, dịch vụ, tăng gần 500 lao động so với năm 2010 với thu nhập bình quân 4,3 triệu đồng/người/tháng. 10 tháng năm 2015, giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ ước đạt 130 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2014.

Do lợi thế gần thành phố Thái Bình nên Tân Phong không chỉ phát triển nhiều ngành nghề sản xuất mà còn có gần 2.000 lao động đi làm tại các khu công nghiệp, mỗi tháng thu nhập bình quân đạt 4,8 triệu đồng/người. Hầu hết gia đình nào cũng có người tham gia làm nghề, trong đó nghề may, nghề mộc, cơ khí gò hàn đang có chiều hướng phát triển tốt, thu hút hàng trăm lao động tham gia. Điển hình như cơ sở gia công đồ gỗ Bảo Hưng ở thôn Ô Mễ 1, trung bình mỗi tháng gia công trên 100 bộ bàn ghế, giường tủ các loại xuất cho bốn doanh nghiệp đồ nội thất lớn trong tỉnh, tạo việc làm cho 4 lao động tại xưởng, thu lãi trên 10 triệu đồng/tháng. Hay cơ sở may gia công Tân Yến hoạt động từ năm 2010, đến nay không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho gia đình mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động tại xưởng và 20 lao động vệ tinh trong và ngoài xã với thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng.

Nhờ phát triển mạnh ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ nên đến nay thu nhập bình quân đầu người của Tân Phong đạt trên 29 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,31%. Trong thời gian tới, xã phấn đấu đưa giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ tăng trưởng từ 7 - 10%/năm, chiếm trên 70% cơ cấu kinh tế.

Thu Thủy

  • Từ khóa