Thứ 2, 25/11/2024, 02:48[GMT+7]

Siết chặt quản lý rượu thủ công ( Bài 2)

Thứ 4, 19/04/2017 | 08:39:53
1,494 lượt xem
Để rượu thủ công bảo đảm an toàn đòi hỏi các cơ sở sản xuất phải thực hiện đầy đủ quy trình nấu, nguyên liệu đầu vào đến các đồ dùng, chứa đựng rượu và tuân thủ các quy định của nhà nước về mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Cùng với đó cần có sự vào cuộc tích cực của các lực lượng chức năng trong quản lý mặt hàng rượu từ nơi sản xuất, nguồn nguyên liệu đến nơi tiêu thụ sản phẩm.

Rượu nấu thủ công được rót ra các chai nhỏ phục vụ khách hàng ở nhà hàng Vi Khanh (thành phố Thái Bình)

Bài 2: Cần sự vào cuộc tích cực của các lực lượng chức năng (Tiếp theo và hết)

Quy trình nấu rượu

Bà Trần Thị Năm, chủ cơ sở nấu rượu thủ công thôn Song Thủy, xã Vũ Tiến (Vũ Thư) cho biết: Gần đây rất nhiều người đến tận nhà chào hàng, quảng cáo các loại men để nấu rượu, chỉ cần bỏ men vào cơm từ 1 - 2 ngày là nấu được, không cần ủ lâu, thậm chí có loại bỏ trực tiếp vào gạo không cần nấu thành cơm. Do thuận tiện nên sẽ có nhiều người mua về để sản xuất rượu đại trà nếu họ không quan tâm đến việc bảo đảm an toàn cho khách hàng. Tuy nhiên, vì lương tâm không cho phép nên nhà bà Năm vẫn thực hiện ngâm ủ bằng men có thương hiệu. 

Theo bà Năm, quy trình nấu rượu thủ công truyền thống là từ gạo thổi thành cơm, vào men, ngâm ủ 18 ngày đêm mới đem chưng cất thành rượu. Thực hiện theo quy trình này, mỗi ngày cơ sở cho ra 10 lít rượu, tương đương 300 lít/tháng. Chính vì thế mà khi đoàn kiểm tra liên ngành tới bất ngờ thử nhanh thành phần methanol trong rượu nhà bà vẫn đạt dưới ngưỡng cho phép. 

Với cách làm này đã 32 năm trong nghề đến nay nhà bà Năm đã có thương hiệu rượu nổi tiếng ở vùng. Cũng vì thế mà bà Năm có cuộc sống tương đối ổn định, nuôi các con ăn học thành đạt nhờ nghề nấu rượu. Tuy nhiên, tới nay nhà bà Năm vẫn chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh bởi hàng chục năm nay không bị bất cứ cơ quan nào tới kiểm tra, kiểm soát về mặt hàng này. Đó cũng là tình trạng chung của rất nhiều hộ nấu rượu thủ công hiện nay trên địa bàn tỉnh.

Khu vực bếp chứa nhiều can, thùng phuy không bảo đảm an toàn vệ sinh để đựng rượu ở hộ ông Trần Nhật Nam, xã Vũ Tiến (Vũ Thư).


Cần bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm

Trong quá trình kiểm tra các hộ sản xuất rượu thủ công, mặc dù các lực lượng chức năng đã tiến hành test nhanh về thành phần methanol song gần như không phát hiện chỉ số quá giới hạn. Tuy nhiên việc làm này mới chỉ áp dụng được ở rượu trắng, không thử được ở rượu màu. Vì thế muốn biết nhiều thông số trong rượu thì cần phải lấy mẫu đi giám định, trong khi điều kiện về kinh phí lại không có nên không thể khẳng định rượu thủ công là an toàn tuyệt đối. Ngoài ra, các hộ đều khẳng định dùng men chuẩn, ngâm ủ bảo đảm nhưng thời gian ngâm ủ chính xác bao nhiêu ngày thì không ai giám sát được. Điều đáng lo ngại hơn nữa là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất rượu. Hầu như các hộ nấu rượu ở vùng nông thôn đều kèm theo nuôi lợn, khu vực nấu rượu gần chuồng trại chăn nuôi không được sạch sẽ, ẩm mốc, trang thiết bị phục vụ không bảo đảm. Mọi nguồn nguyên liệu đầu vào như gạo, men, ba kích, táo mèo đều không có hóa đơn chứng từ nên rất có thể là hàng trôi nổi trên thị trường. Vì thế nếu để bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm các hộ cần nâng cao ý thức, trách nhiệm vì sức khỏe cộng đồng.

Khó vẫn phải làm

Nghị định 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định việc lưu thông, tiêu thụ sản phẩm không có nhãn mác, không dán tem theo quy định, sản xuất rượu không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đều là hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh rượu và bị xử phạt. Nhưng thực tế, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có con số thống kê chính xác số hộ sản xuất, kinh doanh rượu thủ công do chủ yếu được thực hiện quy mô nhỏ lẻ, tự phát nằm rải rác trong các vùng nông thôn. Nếu áp các lỗi theo các quy định của Nghị định thì hầu hết các hộ nấu rượu thủ công đều vi phạm. 

Điển hình như huyện Tiền Hải, theo thống kê bước đầu toàn huyện có 92 hộ nấu rượu thủ công và chưa có hộ nào được cấp giấy phép kinh doanh rượu, trong khi đó các hộ đều khẳng định chỉ nấu để tự dùng trong gia đình. Do đó, bước đầu huyện đã giao cho chính quyền địa phương quản lý và giám sát theo dõi chặt chẽ những hộ này. 

Theo đánh giá của các lực lượng chức năng, người sản xuất rượu thủ công đều là nông dân, không quan tâm nhiều đến các điều kiện quy định của pháp luật nên gây rất nhiều khó khăn trong việc xử phạt. Để tăng cường quản lý và phòng ngừa những hệ lụy do tiêu dùng rượu thủ công không phép, không bảo đảm chất lượng gây ra, trong đợt ra quân lần này các lực lượng vừa tuyên truyền vừa kết hợp với việc hướng dẫn cho các hộ sản xuất rượu hoàn thiện các thủ tục giấy tờ. Cùng với đó sẽ kiên quyết xử lý nghiêm với những trường hợp cố tình vi phạm theo quy định của pháp luật.


Bà Nguyễn Thị Liễu, chuyên viên Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm

Để bảo đảm an toàn sức khỏe cho cộng đồng, các hộ nấu rượu thủ công hiện nay cần cải tạo lại mặt bằng xung quanh khu vực nấu rượu, cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ nấu rượu. Hầu hết khu vực nấu rượu, đồ dùng của các hộ gia đình còn nhiều bất cập, dễ gây hại tới sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, các cấp chính quyền cần quan tâm quản lý hơn nữa tới lĩnh vực này và tuyên truyền mạnh mẽ để nâng cao nhận thức, hành động cho cả người sản xuất và người tiêu thụ rượu.

Ông Trần Nhật Nam, chủ cơ sở nấu rượu xã Vũ Tiến (Vũ Thư)

Từ trước đến nay nhà tôi vẫn nấu rượu, chỉ biết làm nhằm bảo đảm chất lượng để giữ khách hàng mà không nghĩ đến việc phải xin giấy phép. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các vụ việc tử vong xảy ra do rượu tự nấu thì gia đình đã biết cần phải làm các thủ tục cho hợp pháp. Tuy nhiên, là một người dân tôi rất e ngại khi đến các cơ quan nhà nước để làm thủ tục. Do đó rất mong nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền để các hộ nấu rượu nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục.


Thu Thủy