Thứ 3, 26/11/2024, 17:29[GMT+7]

10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Hành trình của lòng yêu nước và tự hào dân tộc

Thứ 4, 29/05/2019 | 09:20:15
1,013 lượt xem
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động đã đi qua hành trình 10 năm. Không chỉ mang ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội sâu sắc, cuộc vận động còn là “cơ hội vàng” giúp các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường, từng bước hội nhập. Thông qua cuộc vận động, mỗi người dân thể hiện lòng yêu nước và tự hào dân tộc của mình.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm gian hàng tại phiên chợ hàng Việt về nông thôn huyện Vũ Thư.

Sau khi Bộ Chính trị ra Thông báo số 264-TB/TW về tổ chức thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 1140-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo cuộc vận động (CVĐ) tỉnh; đồng thời, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện CVĐ ở các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn các cơ quan báo chí, ban tuyên giáo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền về CVĐ bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú. Mỗi năm có trên 35.000 lượt cán bộ chủ chốt, đảng viên từ tỉnh tới cơ sở được quán triệt và trở thành hạt nhân tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia CVĐ. Ban Dân vận Tỉnh ủy thực hiện CVĐ gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính ngoài tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức còn gắn việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, đầu tư vốn ngân sách với việc quản lý, hướng dẫn các tổ chức, cơ quan, đơn vị ưu tiên mua sắm trang thiết bị, phương tiện là hàng hóa sản xuất trong nước. Sở Công Thương thường xuyên tuyên truyền về CVĐ qua các hoạt động xúc tiến thương mại, các đợt tổ chức hội chợ, phiên chợ hàng Việt về nông thôn. MTTQ và các tổ chức thành viên phối hợp với các ngành, doanh nghiệp tổ chức trên 3.000 hội nghị cùng hàng nghìn buổi tuyên truyền, thu hút trên 145.000 lượt người tham gia. Các cơ quan báo chí tích cực vào cuộc, tuyên truyền, phản ánh các hoạt động: bán hàng bình ổn giá, hội chợ, triển lãm, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn; đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả; giới thiệu, biểu dương các doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ để người tiêu dùng lựa chọn.

Để thu hút và tạo niềm tin với người tiêu dùng về những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã tích cực đầu tư mở rộng quy mô, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trang bị máy móc, công nghệ hiện đại; đây là nền tảng cơ bản để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng chú trọng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, thiết lập kênh phân phối, bán hàng đến các vùng nông thôn và làm tốt dịch vụ chăm sóc khách hàng nên đã từng bước chinh phục được khách hàng. Tiêu biểu là các doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen, Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, Công ty TNHH Bánh kẹo Bảo Hưng, Công ty Cổ phần Damsan, Tổng công ty May 10, Công ty Cổ phần Dịch vụ dầu khí Thái Bình (sản phẩm nước khoáng Tiền Hải), Công ty TNHH Sứ Đông Lâm, Trung tâm thương mại Victory Thái Bình... đã xây dựng thành công thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm, được người tiêu dùng tin tưởng.

Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng nhờ chất lượng tốt, giá thành hợp lý. 

Góp phần vào thành tựu 10 năm thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có vai trò tích cực của công tác quản lý, kiểm soát thị trường, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh đã chỉ đạo các ngành thành viên triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại. Thông qua hàng loạt các chuyên đề kiểm tra: vật tư nông nghiệp, xăng dầu, tân dược, thực phẩm chức năng, vật liệu xây dựng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bình ổn giá và bán đúng giá niêm yết..., lực lượng liên ngành đã kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm (riêng Cục Quản lý thị trường tỉnh 10 năm qua đã tổ chức kiểm tra 26.361 lượt, phát hiện và xử lý 12.334 vụ vi phạm về kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại; phạt tiền, nộp ngân sách nhà nước trên 19 tỷ đồng, tịch thu, tiêu hủy nhiều hàng hóa - tang vật vi phạm trị giá gần 800 triệu đồng). Những kết quả đạt được đã góp phần thanh lọc thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính phát triển và củng cố thêm niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng hóa sản xuất trong tỉnh, trong nước.

Các sản phẩm tham gia phiên chợ hàng Việt về nông thôn.

Người tiêu dùng được coi là trung tâm của CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, vì vậy, những năm qua, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh đã tích cực tham mưu UBND tỉnh tổ chức các hoạt động: mít tinh hưởng ứng ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15/3; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người tiêu dùng; vận động các doanh nghiệp bán hàng bình ổn giá và tổ chức tuần bán hàng vì người tiêu dùng. Nhờ đó, người tiêu dùng được hưởng nhiều quyền lợi hơn, được bảo vệ an toàn cả về kinh tế và sức khỏe khi mua hàng hóa, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, sau 10 năm triển khai CVĐ, tỷ lệ hàng Việt trong các siêu thị và điểm bán lẻ trên địa bàn tỉnh chiếm từ 63 - 70%; trên 70% người tiêu dùng thường xuyên sử dụng hàng Việt và đã ý thức được trách nhiệm, quyền lợi của mình khi ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước, trong tỉnh. Sự thay đổi về nhận thức và hành động đó đã tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp lớn mạnh đồng nghĩa với việc giải quyết việc làm, thu nhập cho nhiều lao động, công tác an sinh xã hội cũng được thực hiện tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân; đồng thời, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước, góp phần tạo nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Vượt lên tất cả, thông qua CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, mỗi người dân thể hiện lòng yêu nước và tự hào dân tộc của mình, bằng những việc làm nhỏ bé nhưng hết sức thiết thực góp phần xây dựng đất nước lớn mạnh, hùng cường.


Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động tỉnh

Sau 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã làm thay đổi nhận thức của người dân trên địa bàn tỉnh về hàng Việt và ưu tiên dùng hàng Việt. Điều đó đã tiếp thêm sức mạnh giúp cho các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước vượt qua khó khăn, phát triển ổn định. Tuy nhiên, hiện nay nước ta đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, bên cạnh những thuận lợi là không ít thách thức, khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp. Vì vậy, cuộc vận động trong giai đoạn mới cần có cách làm mới để đạt được hiệu quả thiết thực. Cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở cần vào cuộc tích cực, đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân về cuộc vận động. Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên xây dựng cụ thể chương trình truyền thông, trong đó chú trọng phát hiện các điển hình; đồng thời, thường xuyên tôn vinh, biểu dương và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình hay trong sản xuất và tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt, tạo động lực thi đua cho các doanh nghiệp.

Ông Đỗ Văn Vẻ, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen

Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có sự lan tỏa sâu rộng và hiệu quả bền vững, ngoài công tác tuyên truyền, vận động người tiêu dùng sử dụng hàng Việt thì bản thân các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng cần chủ động đầu tư máy móc, khoa học công nghệ để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới mẫu mã và hạ giá thành để chinh phục người tiêu dùng. Ngoài ra, việc đầu tư đúng mức cho hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa đến các vùng miền và làm tốt công tác chăm sóc khách hàng cũng là yếu tố quan trọng để thu hút người tiêu dùng đến với hàng Việt.

Ông Phan Văn Dương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Kiến Xương

Trong những năm qua, Ủy ban MTTQ huyện Kiến Xương và các tổ chức thành viên thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên, nhân dân hưởng ứng ưu tiên dùng hàng Việt thông qua các hội nghị chuyên đề, lồng ghép với các chương trình sinh hoạt của các ban công tác mặt trận khu dân cư và tổ chức hội ở cơ sở. Ngoài gương mẫu sử dụng hàng Việt, cán bộ, hội viên, đoàn viên còn là những tuyên truyền viên tích cực vận động các tầng lớp nhân dân hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đến nay, trên địa bàn huyện có trên 80% người dân thường xuyên mua sắm, sử dụng hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước.

Ông Nguyễn Văn Thụ, xã Dũng Nghĩa, huyện Vũ Thư

Người dân nông thôn thường thiếu thông tin về thị trường, thông tin về doanh nghiệp, thông tin thương hiệu sản phẩm. Để tạo điều kiện cho nguời dân có thói quen dùng hàng Việt, rất mong các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho bà con về hàng Việt. Cùng với đó, cần tổ chức nhiều đợt đưa hàng Việt về nông thôn giúp người tiêu dùng khu vực nông thôn mua được những sản phẩm có chất lượng tốt, giá thành hạ; tránh bị mua phải hàng nhái, hàng giả dẫn đến mất niềm tin vào hàng Việt. Chúng tôi cũng rất mong các doanh nghiệp có hệ thống phân phối đến các vùng nông thôn, hạn chế hàng hóa qua nhiều khâu trung gian trước khi đến tay người tiêu dùng khiến giá cả bị đội lên gây thiệt thòi cho bà con.


Khắc Duẩn