Thứ 7, 27/04/2024, 06:45[GMT+7]

Đưa nghề may công nghiệp về nông thôn

Thứ 5, 02/07/2015 | 08:16:05
1,452 lượt xem
Những năm qua, Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) đã tổ chức được nhiều lớp dạy nghề may công nghiệp ở các xã vùng xa, các khu vực chưa có nghề nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân theo phương châm “ly nông bất ly hương”.

Hơn 50 lao động tham gia lớp học nghề may công nghiệp do Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp tổ chức tại Công ty Cổ phần May xuất nhập khẩu Thái Dương (Hưng Hà).

 

Trong bối cảnh nghề may công nghiệp phát triển nhanh ở tất cả các huyện trong tỉnh, tuy nhiên các doanh nghiệp ở địa bàn nông thôn còn gặp khó khăn về nguồn lao động có tay nghề, từ năm 2006 đến nay, mỗi năm Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp đã mở từ 15 - 20 lớp dạy nghề may công nghiệp cho hàng nghìn lao động, đóng góp tích cực trong việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cung cấp cho các doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu trong quá trình sản xuất. Hầu hết học viên đều là lao động nông thôn chưa qua đào tạo, nhưng qua đây họ đã được trang bị đầy đủ về kỹ thuật cơ bản của nghề may, tác phong công nghiệp của người lao động trước khi đi tìm việc trong các nhà máy, doanh nghiệp. Ngoài ra, điểm mới trong thời gian qua là Trung tâm đã phối hợp trực tiếp với các doanh nghiệp giúp người lao động tiếp cận nghề nhanh, bài bản hơn và có việc làm ổn định ngay sau khi học nghề; tập trung đào tạo lao động ở các vùng nông thôn để người lao động chủ động trong việc tìm nghề nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Hiện nay, các doanh nghiệp ngày càng khắt khe trong việc tuyển dụng, đòi hỏi người lao động phải có tay nghề vững, có ý thức và tác phong công nghiệp cao. Do đó, các lớp đào tạo nghề may của Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp góp phần đáp ứng kịp thời nguồn lao động cho các doanh nghiệp vùng nông thôn.

 

Ông Hà Quang Chấm, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Châu (Đông Hưng) chia sẻ: Là xã nội đồng, chuyên canh lúa, các ngành nghề phụ hạn chế, tuy nhiên được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp, những năm qua địa phương đã mở được nhiều lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho người lao động. Sau khi học nghề, phần lớn người lao động đã tìm được việc làm ở các cơ sở sản xuất trong và ngoài xã. Với thu nhập trung bình đạt trên 3 triệu đồng/người/tháng, cuộc sống của nhiều gia đình đã giảm bớt khó khăn. Đây cũng là một trong những yếu tố thuận lợi để địa phương hoàn thiện một số tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. 

 

Em Nguyễn Ngọc Ánh đang theo học lớp đào tạo nghề may công nghiệp ở xã Phong Châu cho biết: Mặc dù vẫn đang học THPT song em vẫn tranh thủ thời gian nghỉ hè để đi học nghề may công nghiệp. Em coi đây là cơ hội tốt để mình được tiếp cận với nghề, sau khi học xong có thể tìm được việc làm dễ dàng. Em xác định đây sẽ là ngành nghề chính của mình nếu sau này không thi đỗ đại học.

 

Thời gian tới, Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương, nhất là hội liên hiệp phụ nữ các xã để mở các lớp dạy nghề cho người lao động, tạo điều kiện cho những chị em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn được học nghề, góp phần tháo gỡ khó khăn về nguồn lao động tại chỗ, giảm chi phí đào tạo nghề cho các doanh nghiệp, công ty ở khu vực nông thôn.

 

“Những năm qua, công nghiệp dệt may của Thái Bình phát triển mạnh, đóng góp tích cực vào việc giải quyết việc làm và gia tăng giá trị xuất khẩu của tỉnh. Hiện tại có khoảng 60.000 lao động làm việc trong lĩnh vực may mặc, chiếm trên 70% giá trị xuất khẩu ngành Công nghiệp. Đặc biệt, dệt may đã mang lại thu nhập ổn định, nâng cao đời sống người lao động, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Dự báo trong thời gian tới lĩnh vực dệt may tiếp tục có chiều hướng phát triển tốt, do đó tổ chức đào tạo nghề may công nghiệp là việc làm thường xuyên, liên tục”.

 

(Ông Vũ Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công Thương)

 

Thu Thủy

  • Từ khóa