Thứ 3, 24/12/2024, 02:25[GMT+7]

Dệt may trên đất lúa (Kỳ 3)

Thứ 2, 04/06/2018 | 09:23:23
3,946 lượt xem
Trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết 12 hiệp định thương mại tự do với các nước, nhất là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), để thúc đẩy các doanh nghiệp dệt may phát triển, mạnh dạn ứng dụng những công nghệ, thiết bị hiện đại vào sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người lao động một cách hiệu quả, bền vững cần có sự vào cuộc từ nhiều phía.

Công nhân trong các nhà máy dệt hiện đại hầu hết đã được các chuyên gia đào tạo về kỹ thuật.

Kỳ 3: Để phát triển bền vững

(tiếp theo và hết)

Đưa ra những giải pháp về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Kế, Phó Giám đốc Sở Công Thương khẳng định: Trong tất cả các lĩnh vực, việc thay thế không bao giờ diễn ra hàng loạt mà phải có lộ trình thực hiện. Do đó, càng hiện đại hóa, càng áp dụng công nghệ vào nhiều thì không có nghĩa là nguồn lao động bị dư thừa mà số lao động ấy cần được sử dụng hiệu quả hơn, đem lại công suất cao hơn. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp phải lường trước được nguy cơ thách thức thiết bị thay thế con người và nguy cơ khách hàng có thể sản xuất trực tiếp ở nước họ để có chiến lược trong việc đào tạo nâng cao tay nghề người lao động nhằm tăng năng suất và giá trị lao động. Ngoài ra phải điều chỉnh hợp lý quá trình sản xuất, hiện đại hóa, tự động hóa từng phần. Mỗi doanh nghiệp cần có tích lũy nguồn tài chính để thay đổi dần công nghệ, từng bước ứng dụng CMCN 4.0. Doanh nghiệp cần phải quan tâm tới năng suất và chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu riêng cho mình để tăng khả năng cạnh tranh, sử dụng các nguồn nguyên liệu trong nước sẵn có để khai thác lợi thế về quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do.

Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp còn thờ ơ với công nghệ của cuộc CMCN 4.0 do việc đầu tư các thiết bị tự động hóa còn nhiều khó khăn, trong khi hệ thống sản xuất cũ vẫn đang hiệu quả và chưa bị áp lực của những nước tư bản, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ. Ngoài ra, tới nay, công nghệ thiết bị trong ngành may chưa phát triển tới mức tự động ở tất cả các khâu nên các doanh nghiệp vẫn tự tin với hướng đi của mình. 

Lãnh đạo một trong những doanh nghiệp may lớn nhất tỉnh, ông Nguyễn Tiến Phương, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao (MXP) cho rằng: Trong ngành may con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất bởi có những mặt hàng, sản phẩm máy móc không thể thay thế được con người, máy móc tự động chỉ chiếm một phần nhỏ trong chuỗi sản xuất. Mặt khác, Việt Nam được khách hàng quốc tế đánh giá là trung tâm sản xuất trang phục tốt của thế giới, có người lao động cần cù, chăm chỉ, trong khi nhu cầu trên thế giới còn rất lớn nên Việt Nam là nguồn cung cho rất nhiều khách hàng. Vì thế, mặc dù đã lường trước được cuộc CMCN 4.0 song Công ty vẫn không ngừng đầu tư các nhà máy có công nghệ thiết bị hiện đại nhất hiện nay về các vùng nông thôn để thu hút người lao động. Hiện tại MXP có 6 nhà máy, tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động trên địa bàn tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10, Giám đốc Xí nghiệp Veston Hưng Hà khẳng định: Nếu không thích nghi dần với cuộc CMCN 4.0 các doanh nghiệp sẽ sớm bị loại ra khỏi cuộc chơi. Hiện nay hầu hết những đơn hàng giá rẻ, số lượng nhiều đang sản xuất ở Campuchia, Bangladesh nên Veston Hưng Hà cũng như tầm chiến lược của Tổng công ty May 10 là kết hợp áp dụng công nghệ 4.0 với sự thông minh khéo léo của người lao động để đi sâu vào hàng chất lượng cao với những đơn hàng thời trang ít nơi làm được. Hiện nay trên thế giới đã có nhiều xưởng may veston nhưng họ mới chỉ dừng ở việc may mẫu phát triển và với các hàng sản phẩm may đo. Còn đối với Tổng công ty May 10 thì may đo hay dòng cao cấp, trung bình với số lượng nhiều, ít đều có. Đặc biệt, để đầu tư được một dây chuyền veston đòi hỏi phải có 3 yếu tố cơ bản là tiềm lực kinh tế, niềm tin giữa khách hàng và đào tạo người lao động nên việc đầu tư nhà xưởng veston không hề đơn giản đối với bất kỳ quốc gia nào.

Điều đó khẳng định thêm, nếu nắm chắc được xu hướng phát triển, ứng dụng cuộc CMCN 4.0 một cách phù hợp thì các vấn đề thách thức về người lao động hay việc xây dựng nhà máy ở các nước phát triển sẽ không còn là điều đáng lo ngại. 

Theo ông Phạm Ngọc Kế, phía các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, người lao động về tác động và cơ hội của cuộc CMCN 4.0 đối với ngành dệt may. Ngoài ra cần phải tiếp tục đẩy mạnh rà soát cũng như cải cách thể chế, tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính tạo sự công khai minh bạch, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của địa phương, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin, thủ tục hành chính một cách đơn giản nhất. Đặc biệt, người lao động cần tìm hiểu kiến thức nhất định của cuộc CMCN 4.0 đối với ngành dệt may để từ đó nâng cao tay nghề, năng suất, chất lượng sản phẩm để máy móc không dễ có thể thay thế được mình.


Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen

Dưới tác động của cuộc CMCN 4.0 nếu các doanh nghiệp không chuyển đổi tích cực tư duy sang công nghệ cao, tự động hóa theo trào lưu chung của thế giới sẽ bị lạc hậu, nhất là đối với ngành dệt may. Vì thế, Hiệp hội đã định hướng cho cộng đồng doanh nghiệp tái cấu trúc doanh nghiệp của mình, đầu tư cải tiến nâng cấp những thiết bị tiên tiến hiện đại để sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá thành cạnh tranh. Định hướng cho doanh nghiệp kết nối, sử dụng các sản phẩm của nhau liên kết thành chuỗi sản phẩm từ thiết kế chế tạo, sản xuất đến đóng gói, phân phối để lợi thế về mặt cạnh tranh. Ngoài ra, thường xuyên tổ chức hội thảo, hội nghị về khoa học quản lý, quản trị kinh doanh để các doanh nghiệp tăng sự hiểu biết, xây dựng hình ảnh thương hiệu Thái Bình, chiến lược thị trường nhằm mục đích tăng trưởng bền vững cho các sản phẩm.

Ông Vũ Huy Đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Damsan

Để hội nhập được với nền kinh tế thế giới, thích ứng với cuộc CMCN 4.0, theo tôi cần có tư duy của các nhà lãnh đạo, khả năng tài chính của doanh nghiệp và chuyển hóa bộ máy quản lý. Các doanh nghiệp Thái Bình cần có giai đoạn phát triển phù hợp, không thể đốt cháy giai đoạn và nên thực hiện theo mô hình 5S của Nhật Bản vào nhà máy. Chỉ cần làm được mô hình này trong ngành dệt may là các doanh nghiệp đã thành công. Tuy nhiên, từ mô hình này cần tiếp tục nâng cấp đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân để tận dụng khoa học của thế giới vào sản xuất, kinh doanh.

Anh Trần Đăng Thoảng, công nhân Xí nghiệp Veston Hưng Hà

Trước khi vào làm việc ở bộ phận máy cắt tự động, tôi đã được các chuyên gia đào tạo lắp đặt máy và hướng dẫn trực tiếp toàn bộ quá trình sử dụng thiết bị trên phần mềm. Sự khác biệt so với thủ công trước đây là người công nhân thực hiện chuyển giao mẫu trên phần mềm máy tính nên độ chính xác của sản phẩm đạt 100%. Đặc biệt là về hiệu quả hơn hẳn, trước đây nếu thực hiện cắt thủ công thường mất 2,5 tiếng mới được một bàn áo nhưng nay với máy móc tự động chỉ mất 20 phút. Ngoài ra, mỗi chiếc máy cắt tự động này đã giảm được từ 3 - 4 lao động trong khi năng suất lại đạt cao gấp nhiều lần trước đó với trung bình 2.000 sản phẩm/máy/ngày khác với trước đây chỉ được 300 sản phẩm/máy/ngày.


Thu Thủy