Thứ 4, 30/04/2025, 12:04[GMT+7]

Kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam 3/2/1930 - 3/2/2013 Bác Hồ ký thông cáo lập tổ chức cộng sản Việt Nam đầu tiên

Thứ 6, 01/02/2013 | 13:52:21
3,401 lượt xem
Thông cáo đề ngày 25/6/1927: Tổ gồm 5 đảng viên, sinh hoạt trong chi bộ Trường đại học cộng sản của nhân dân lao động phương Đông mang tên I.Stalin. Đây là thành quả của 4 năm hoạt động đầy khó khăn gian khổ của người cộng sản Nguyễn Ái Quốc kể từ sau ngày Người bí mật rời nước Pháp tới nước Nga ngày 30/6/1923. Thời gian chờ đợi ở Moskva

Thời gian chờ đợi ở Moskva

 

Theo các tư liệu đã công bố của Quốc tế cộng sản (QTCS), ngày 20/9/1924, Ủy viên thường trực Đoàn chủ tịch Ban Chấp hành QTCS Ph.X.Manuinxki đã bàn “dứt điểm” về việc điều động đồng chí Nguyễn đi Viễn Đông với Tổng Thư ký Bộ Phương Đông Ph.N.Pêtrôv. Manuinxki cho biết, đồng chí ấy đã được Ban Bí thư hứa sau 3 tháng sẽ tạo điều kiện để thực hiện nguyện vọng cho đi Trung Quốc bắt liên lạc với Đông Dương và phong trào tại các nước trong vùng, nhưng “bận nhiều việc quá cứ lùi lại mãi”. Ngày 11/4/1924, Anh ấy lại viết thư thúc giục lần nữa...

 

Pêtrôv nói, đồng chí ấy đã làm quá nhiều việc ở đây chứ có nằm chờ suông đâu. Tháng 10 năm đó dự Hội nghị Quốc tế nông dân, đồng chí được bầu vào Hội đồng 52 ủy viên, lại được cử ngay vào Đoàn chủ tịch 11 người. Tháng 12 vào biên chế Ban Phương Đông, dự khóa học ngắn hạn của trường đại học. Tháng 6 tham gia Đại hội V QTCS. Anh ấy còn làm bao nhiêu việc khác: đi thâm nhập thực tế, giảng bài, diễn thuyết, viết báo..., những công việc mà không ai thay thế được tốt hơn. Tuy vậy, bây giờ càng là thời điểm thích hợp cho công việc của Anh ấy với vai trò đại diện QTCS ở Á Đông...

 

Anh Nguyễn nhận quyết định ngày 25/9/1924 đi Quảng Châu - Trung Quốc với danh nghĩa phóng viên hãng ROSTA, phiên dịch riêng của M.M. Bôrôđin - Ủy viên TW Đảng Cộng sản Liên Xô, Trưởng phái bộ cố vấn chính trị bên cạnh Trung ương Quốc dân đảng Trung Quốc từ tháng 10/1923 tại Quảng Châu, và đại diện QTCS tại Nam Á .

 

Anh Lý An Nam ở Bào Công Quán

 

Bôrôđin phiên âm tiếng Hán là Bào, hoặc Pháo La Đình. Bạn đường lên tàu từ Moskva với anh Nguyễn là Trương Thái Lôi, một trong nhóm của Chu Ân Lai, Tiêu Tam... quen thân từ hồi ở Paris, một số được đồng chí Nguyễn giới thiệu vào Đảng Cộng sản Pháp, sinh hoạt cùng chi bộ, nay lại công tác trong QTCS, học cùng trường Phương Đông. Tới Vlađivôstốc cùng lên tàu viễn dương về Quảng Châu, đồng chí Nguyễn được đón về Bào Công Quán, đặt văn phòng đại diện ở tầng 1.

 

Nguyễn Ái Quốc tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp tháng 12/1920. Ảnh: T.L

 

Từ đây, tên Lý Thụy dùng công khai, trong tổ chức gọi đồng chí Vương. Bôrôđin ngay sáng hôm sau tới thăm, bàn luôn công tác và mách mối liên lạc với cụ Phan Bội Châu đang ở Hàng Châu.

 

Dịp may hiếm gặp, hai ngày cụ Phan được hàn huyên đủ chuyện với đứa cháu trai con anh Sinh Sắc chí thân cùng Vương Thúc Quý tiễn chân mình bên cầu Hữu Biệt lên đường xuất dương từ năm 1905. Cụ Phan nhận ra Nguyễn Ái Quốc, đặc biệt là con đường cứu nước anh đã tìm được thì vô cùng thán phục, tin tưởng. Cụ thành thật tâm sự dù đã 3 lần thay tên tổ chức: Duy Tân hội - Việt Nam Quang Phục hội, nay Việt Nam Quốc dân đảng như của Tôn Trung Sơn, nhưng mới thay danh thôi, chưa có thực lực... Cụ đang đặt hy vọng vào nhóm Tâm Tâm xã, tức Tân Việt thanh niên đoàn từ các hạt nhân: Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lâm Đức Thụ, Nguyễn Giảng Khanh, Đặng Xuân Hồng, Trương Quốc Túy, Lê Cầu, Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái (hy sinh tháng 6/1924 trong vụ ném bom mưu sát tên toàn quyền Pháp Méctanh ở Sa Điện). Thế nhưng, anh em lại không hào hứng, chưa đồng tình với cương lĩnh đảng mới do cụ soạn thảo.

 

Anh em gặp được Nguyễn Ái Quốc như nắng hạn gặp mưa rào, tuyệt đối tin tưởng, tràn đầy hy vọng ở người lãnh đạo và con đường đấu tranh rạng ngời tương lai của dân tộc.

 

“Bào Công Quán từ 11/11/1924 có đồng chí Vương dáng thì mảnh khảnh, mặc bộ âu phục hơi rộng, cặp mắt sáng khác thường nhưng có vẻ đăm chiêu, đượm buồn mà sức mạnh thể hiện một ý chí, một tài năng, sức làm việc, cách ứng xử, cảm hóa mọi người thì không ai so sánh được. Thế nên mãi về sau chị Xêriômôva, thư ký riêng và là vợ Bôrôđin mách nhỏ “Nguyễn Ái Quốc chiến sĩ QTCS đó” thì mọi người “ à có thế chứ - anh Lý An Nam”! (những dòng này chị phiên dịch Arkhimôva ghi trong nhật ký của mình).

 

Kế sách trồng người

 

Bác Hồ kính yêu của chúng ta không hề ngẫu nhiên mới ở tuổi hai mươi Người đã chọn việc dạy học ở Trường Dục Thanh và sau 9 năm tìm đường đến với Chủ nghĩa Lênin, Bác bắt đầu một cách kiên trì, quyết liệt công việc tuyên truyền, giáo dục rộng rãi mọi đối tượng để giác ngộ họ đấu tranh vì cuộc sống tốt đẹp. Người thấm nhuần sâu sắc sự khuyên răn của người xưa: kế sách 10 năm không gì tốt hơn trồng cây, kế sách 100 năm không gì tốt hơn trồng người. Lênin và Stalin thì khẳng định: Cán bộ quyết định tất thảy, và, đi liền cán bộ - con người, là tổ chức. Từ năm 1920 đến 1930, Người dốc sức đào tạo cán bộ để đi tới xây dựng một đảng cách mạng tiên phong. Tại Quảng Châu, ngoài 3 khóa huấn luyện được trên 100 cán bộ, Bác còn chọn gửi sang trường Võ bị Hoàng Phố hơn 20 người, sau này là những tướng tài như Lê Thiết Hùng, Phùng Chí Kiên, Trương Vân Lĩnh, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Nguyễn Sơn... Người tiếp tục gửi thư đề nghị Liên Xô và QTCS nhận lưu học sinh Việt Nam, liên hệ với các cơ sở trong nước đưa cả các em thiếu niên ra nước ngoài để đào tạo, tính kế lâu dài, nổi bật tên tuổi như Lý Tự Trọng, Lý Trí Thông, Lý Phương Thuận, Lý Phương Đức...

 

Quảng Châu, thành phố lớn thứ ba ở Trung Quốc sau Thượng Hải, Bắc Kinh, trở thành “Moskva phương Đông” của phong trào yêu nước cách mạng trong các nước Đông Nam Á. Tháng 6/1925, sau sự ra đời của tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội, Bác Hồ bàn với các bạn Trung Quốc thành lập Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức thu hút sự tham gia của nhiều nhà yêu nước Mã Lai, Ấn Độ, Indonesia, Miến Điện, Triều Tiên... Đi liền với công tác tổ chức, Bác Hồ đặc biệt chú trọng việc tuyên truyền giáo dục, xuất bản báo chí: báo Thanh niên ra số đầu 21/6/1925 nay là Ngày Báo chí Việt Namon>. Các bài giảng của mình ở ba khóa học, Bác đúc rút lại, tinh giản hơn, viết thành sách Đường Kách Mệnh để anh em mang theo về cơ sở phổ cập.

 

Tính trước thời cuộc

 

Bác Hồ đặc biệt thiên tài về dự báo và ứng phó tình hình “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Yếu tố nhân hòa tại Quảng Châu không còn nữa khi Tôn Dật Tiên qua đời (12/3/1925). Cụ Phan bị bắt tại Thượng Hải liền đó (ngày 11/5/1925) cũng là một sự kiện trong chuỗi tình hình bất lợi... Người bàn với Trương Thái Lôi, Chu Ân Lai giúp đỡ qua các chuyên gia Liên Xô (lãnh đạo Trường Quân chính Hoàng Phố lúc này là Tưởng Giới Thạch còn hợp tác với Đảng Cộng sản Trung Quốc) để đào tạo sĩ quan cho ta và cài người vào các cơ quan, đơn vị quân đội Quốc dân đảng. Trương Vân Lĩnh “nằm” trong Bộ Công an của Chính phủ cách mạng đã kịp báo cáo kế hoạch đảo chính ở Thượng Hải của Tưởng Giới Thạch và âm mưu tiêu diệt Bào Công Quán ở Quảng Châu của Lý Thừa Mãn. Phái bộ Bôrôđin kịp rời về Vũ Hán...

 

Cuộc chính biến phản cách mạng tháng 4/1927 và cuộc khởi nghĩa ngày 11/12 sau đó hầu hết anh em ta có mặt tại Quảng Châu đều tham gia bảo vệ cách mạng Trung Quốc: Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Phùng Chí Kiên, Lê Thiết Hùng, Nguyễn Sơn, các nữ chiến sĩ Lý Phương Đức, Lý Phương Thuận..., các em thiếu niên Lý Tự Trọng, Lý Trí Thông... đều được ghi danh trong bảng vàng các chiến sĩ bảo vệ chính quyền Xô viết Quảng Châu...

 

Trương Vân Lĩnh và các đồng chí Trung Quốc đã chắp nối đường dây, bảo vệ an toàn Bác Hồ lên tàu Thượng Hải trở lại Moskva tiếp tục công việc tại Bộ Phương Đông của QTCS.

 

Bước ngoặt lịch sử dân tộc

 

Mục tiêu xây dựng đảng tiên phong được đặt lên hàng đầu. Về lại QTCS, Bác khẩn thiết đề nghị và được chấp nhận: Thành lập một tiểu tổ cộng sản gồm: Phôn Shon (Bùi Lâm), Le Man (Nguyễn Thế Rục), Jiao (Bùi Công Chừng), Min Khan (Ngô Đức Trì) và Lequy (Trần Phú) được cử làm Bí thư. Hai người ký thông báo là Đại biểu Việt Nam Nguyễn Ái Quốc, và thay mặt Ban Bí thư La Tinh của QTCS G.Humbe.

 

Đã có tổ chức hạt nhân, diễn biến tình hình ở Đông Dương và khu vực đang thuận lợi do thành quả hai năm rưỡi hoạt động tại Quảng Châu, ông Nguyễn đề xuất chuyến đi vòng châu Âu về Xiêm để tránh mạng lưới dày đặc của Pháp được Anh giúp sức quyết truy bắt bằng được Nguyễn Ái Quốc. Ở đây Người mang tên Thầu Chín vai nhà sư, gây dựng phong trào trong Việt kiều yêu nước và đặc biệt theo dõi chặt chẽ tình hình trong nước qua anh em ở Lào.

 

Tới cuối năm 1928, diễn biến của các lực lượng cách mạng ở Trung, Namon>, Bắc đã xuất hiện sự chia rẽ, bất đồng về nhận thức và tổ chức hoạt động. Lấy danh nghĩa đại diện QTCS khu vực, Người thông báo mời đại biểu các đảng Cộng sản khác nhau ở ba kỳ và hải ngoại tham dự Hội nghị hợp nhất thành Đảng cộng sản Việt Nam: chứ không “An Nam” cũng không là “Đảng của Đông Dương” với mục tiêu trước mắt là đoàn kết mọi lực lượng có thể đoàn kết được trong cuộc cách mạng tranh đấu cho dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Đề cương vắn tắt này được cả 6 đại biểu: Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh (Bắc Kỳ), Châu Văn Liêm, Nguyễn Thiệu (Nam Kỳ) và Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn (hải ngoại) nhiệt liệt tán thành, biểu quyết thông qua. (Song, như đã biết, đường lối tuyệt đối đúng đắn này đã được thử thách qua thực tiễn cách mạng Việt Nam, lúc bấy giờ có khác với các ngôn từ trong sách vở của các đồng chí châu Âu mà anh em học trò Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu được!).

 

Hội nghị hợp nhất tại Hồng Kông (3-7/2/1930) bầu Trịnh Đình Cửu làm Bí thư lâm thời, sau khi thông hiểu với lãnh tụ về sự tín nhiệm của anh em, nhưng lúc này chưa thể trực tiếp lãnh đạo Đảng vì Người còn mang án tử hình chưa thể về nước. Hơn nữa, trọng trách của Bác còn đang là đại diện Đông Phương của QTCS.

 

Một trang mới rực rỡ nhất của lịch sử dân tộc mấy ngàn năm được cắm mốc son chói lọi từ đây - đúng ngày mồng 5 tháng Giêng năm Canh Ngọ (3/2/1930). Bởi vì Đảng hợp nhất chỉ 15 năm sau đã lãnh đạo toàn dân vùng lên làm chủ, lập lên một chế độ hoàn toàn mới mà từ ngày 28/12/1940 kia, trên tờ “Cứu vong nhật báo” Trung Quốc, Bác Hồ mang bút danh Hồ Quang đã nêu cao khẩu hiệu: Phấn đấu vì một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nguồn Internet

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày