Chủ nhật, 24/11/2024, 11:14[GMT+7]

Đá vàng vạn thưở

Thứ 2, 12/11/2018 | 08:21:19
5,720 lượt xem
Đền vua Rộc, xã Vũ An, huyện Kiến Xương được dân gian xếp hạng một trong “Tứ linh từ” của vùng đất huyện Chân Định xưa.

Tam quan đền vua Rộc cao 30m, dân gian quen gọi là cổng Hà Mã, dẫn lối vào khu rừng nguyên sinh nơi có đền chính, giếng ngọc mắt rồng và tai rồng.

Tương truyền cách ngày nay hơn 800 năm vào cuối đời vua Lý Cao Tông (1176 - 1210), cơ nghiệp nhà Lý đang đà suy vong, vua ăn chơi sa đọa, triều chính nghiêng ngả bị nhà Trần soán ngôi giết hại tông thất nhà Lý, Đoàn Thượng (1181 - 1228) là trung thần cuối triều Lý đã phản kháng kịch liệt bỏ về lộ Hồng tụ nghĩa xưng là Đông Hải Đại vương chống lại nhà Trần. Trong trận chiến không cân sức, Đoàn Thượng bị trọng thương rồi tử trận. Người dân huyện Chân Định cảm kích tiết nghĩa của ông đã phối thờ ở đền vua Rộc cùng Tây Hải Đại vương An Dương vương linh ứng…

Bi ký ngọc phả đền vua Rộc do Lễ bộ Thượng thư kiêm Chưởng Lục bộ tước Quận Công Nguyễn Bính soạn ghi rằng: “…Đoàn Thượng tiết nghĩa vương triều Lý chỉ trời, vạch đất mà thề không đội trời chung với nhà Trần soán ngôi nhà Lý liền lui về Hồng Châu kết đảng tụ bè lập thành đồn lũy tại đất Yên Nhân quay về hướng Đông mà xưng vương, lấy Hải Dương làm căn cứ tự xưng là Đông Hải Đại vương, lập đồn lũy kháng cự nhà Trần”. 

Theo ngọc phả đền vua Rộc thì trong khoảng năm sáu năm toàn bộ tô thuế Hải Dương và Sơn Nam đều do Đoàn Thượng nắm giữ, nhà Trần không làm gì được… Trần Thủ Độ liền lập mưu “thả rồng bắt hổ” xúi Nguyễn Nộn lừa phục binh hạ sát Đoàn Thượng, nhân tiện để Trần Thái Tông thu phục thiên hạ. Quả nhiên, Đoàn Thượng rơi vào bẫy nghi binh của Nguyễn Nộn. Biết bị lừa nhưng Đoàn Thượng vẫn đơn thương độc mã chém hơn trăm thủ cấp quân nhà Trần nhưng rơi vào thế bị bao vây không lối thoát, Đoàn Thượng ngửa mặt lên trời mà than rằng:

“Trăm năm cốt cách tựa đá vàng
Vạn thuở không nguôi hận tâm can”

Đoàn Thượng bị Nguyễn Nộn chém trọng thương ở cổ, ông lấy bao lưng quấn chặt, chạy về Yên Nhân rồi hóa ở đó. Các triều đại đều phong nhiều đạo sắc để cho nhân dân hương khói bốn mùa, tế thờ Đoàn Thượng muôn thuở, lễ nghi trọng thị. Trong nhiều sắc phong của các triều đại phong kiến đáng chú ý có sắc phong của vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi): “Đông Hải Quảng tế Đại vương Thượng đẳng thần. Tây Hải Quảng tế khoan hậu Đại vương Thượng đẳng thần”.

Trong chuyến điền dã mới đây, chúng tôi có dịp về đền vua Rộc tìm hiểu sự tích về các vị tiên thánh được thờ trong ngôi đền mà dân gian truyền tụng rằng ai có ước nguyện gì đến đền làm lễ cầu đảo đều rất linh ứng. Ngôi đền hiện vẫn nằm trong lòng khu rừng nguyên sinh giữa cánh đồng bằng phẳng thuộc địa phận xã Vũ An. Căn cứ vào sắc phong của vua Lê Thái Tổ và Ngọc phả còn lưu giữ trong đền thì “Đông Hải Đại vương” là Đoàn Thượng, người làng Trung Độ, lộ Hồng Châu, nay thuộc xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Đoàn Thượng là trung thần triều Lý, khi biết Lý Chiêu Hoàng thoái vị nhường ngôi cho Trần Cảnh (Trần Thái Tông) ông không quy phục nhà Trần, khi thấy nhà Trần giết hại tông thất nhà Lý, ông bỏ về lộ Hồng kết bè lập đảng chống nhà Trần, ông bị Trần Thủ Độ lập mưu sát hại. Đền vua Rộc từ xưa đã thờ “Tây Hải Đại vương” và phối thờ Đoàn Thượng như sắc phong và ngọc phả đã ghi. Nhưng Tây Hải Đại vương có phải là Thục phán An Dương vương được thờ trong đền không? Để lý giải câu hỏi đó, chúng tôi xin đưa ra đôi câu đối cổ trong đền:

“Bất ký hà niên, tích thác Nam Giao song hiển thánh
Tương truyền thử địa, danh cao Chân Định tứ linh thần”.

Tạm dịch:

“Không biết tự năm nào, dấu thác Nam Giao hai hiển thánh
Lưu truyền nơi đất nọ, danh cao Chân Định bốn linh thần”.

Nam Giao là địa danh thời An Dương vương, còn ”hai hiển thánh” là Tây Hải Đại vương An Dương vương và Đông Hải Đại vương Đoàn Thượng. Tương truyền, khi bị trọng thương ở cổ, Đoàn Thượng lấy bao lưng bó lại và thúc ngựa chạy về phía Đông, nộ khí bừng bừng. Chạy đến Yên Nhân gặp một đại lão râu tóc bạc phơ, Đoàn Thượng hỏi: “Người đứt cổ có sống được không?”. Đại lão cười trả lời rằng “Sự hưng vong là số mệnh cả, Tướng quân hà tất phải phẫn nộ. Biết Tướng quân là người trung liệt, Thượng đế đã ghi nhận”. Nói rồi đại lão chỉ tay về phía gò đất bên đường nói: “Đó là mảnh đất hương hỏa đang kính chờ Tướng quân”. Đoàn Thượng xuống ngựa, nằm xuống, lấy thanh gươm gối đầu. Lập tức hàng vạn côn trùng bao kín người làm thành ngôi mộ. Sau này Lê Thái Tổ sắc phong đại lão là Tây Hải Đại vương, Đại lão là An Dương vương. “Tứ linh thần” của Chân Định xưa còn nay là huyện Kiến Xương được xác định là đền vua Rộc, xã Vũ An; đền Sóc Lang ở xã Vũ Vinh; đền Đồng Xâm thờ Triệu Vũ Đế và cuối cùng là đình đền Lai Trì xã Vũ Tây tạo nên “tứ trụ” trấn ải bốn phương tám hướng cho vùng đất cổ Chân Định xưa. Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi còn thấy đôi câu đối tối cổ trong đền vua Rộc:

“Thụy ứng Kim Quy, thần trảo y y lưu tỉnh thượng
Uy dương mộc mã, kiện đề ẩn ẩn ngưỡng kiều biên”.

Tạm dịch:

“Linh ứng Rùa vàng, móng thần y nhiên nơi giếng cũ
Oai dương Ngựa gỗ, vó hùng thấp thoáng chốn cầu biên”.

Đền vua Rộc có rừng nguyên sinh rộng khoảng 2,7ha bao bọc. Hình thế của đất nhà đền mang dáng vẻ đầu rồng. Trong khuôn viên đền hiện còn hai giếng ngọc nằm hai bên lối vào đền luôn đầy ắp nước và từ trước tới nay kể cả trời gây hạn hán kéo dài nhưng chưa bao giờ “mắt rồng” cạn nước. Ngược lại, hai bên cạnh đền chính cũng có hai giếng cạn được gọi là tai rồng. Hai giếng này không bao giờ ngập nước cho dù mưa gió dầm dề, lũ lụt tràn trề. 

Ngọc phả của đền có ghi: Cuối triều Trần, giặc Minh tràn sang xâm lược nước ta, Cao Hoàng đế triều Lê (Lê Lợi) mới có dịp sắc phong cho Đoàn Thượng là Đông Hải Đại vương. Căn cứ vào câu đối tối cổ trong đền vua Rộc thì Tây Hải Đại vương chính là vua An Dương Vương. Từ nội dung câu đối tối cổ thứ hai: “Oai dương Ngựa gỗ, vó hùng thấp thoáng chốn cầu biên” nhưng “Ngựa gỗ” ở đây ám chỉ nỏ thần có nẫy nỏ bằng móng rùa thần (Kim Quy) đã bị đánh tráo. Tương truyền khi bị Triệu Đà truy đuổi, An Dương vương cưỡi ngựa để công chúa Mỵ Nương ngồi sau, nhằm hướng Nam mà đi. Đến vùng đất Vũ An là cùng đường, phía trước là biển cả mênh mông. An Dương vương xuống ngựa, thần Kim Quy hiện lên bảo An Dương vương “Giặc ở ngay sau lưng nhà người mà ngươi không biết”. An Dương vương liền rút gươm chém chết Mỵ Nương. Vế đối thứ hai của câu đối tối cổ còn cho chúng ta biết thời vua Hùng dựng nước, địa bàn xã Vũ An ngày nay còn là cửa biển “…ngưỡng kiều biên”. Sau này quá trình biển lùi cộng với sự bồi tụ phù sa mà lộ ra vùng đất mới vươn về phía biển như hiện nay.

Ngoài đền vua Rộc ở xã Vũ An, nhiều địa danh trên đất Thái Bình cũng xây đền thờ An Dương vương như xã Việt Hùng; làng Hội Khê, xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư, xã Đông Xuyên, huyện Tiền Hải… và thờ Triệu Đà như đền Đồng Xâm, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương. Chữ “Rộc” là từ tối cổ mà nhân dân ta từ xa xưa tới ngày nay vẫn còn dùng ở nhiều địa phương trong tỉnh nhưng cũng đã được đọc chệch đi thành chữ “ruộng”. Nguyên bản là “rộc Nam, rộc Bắc, rộc Khuôn, rộc Đống…” nghĩa là khu ruộng phía Nam, ruộng phía Bắc…



Ông Lương Ngọc Tòng, 83 tuổi, cán bộ hưu trí thôn Đô Lương, xã Vũ An, huyện Kiến Xương

Tục thờ An Dương vương ở quê tôi có từ bao đời nay. Lại thêm đức tướng quân Lý triều tiết nghĩa Đoàn Thượng cộng với vẻ u tịch của ngôi đền trong rừng nguyên sinh còn sót lại như các loại cây màng rề, móc, bẹ vàng, thiều hoa... giữa đồng bằng càng làm cho đền thêm tối linh.

Ông Bùi Xuân Vũ, 78 tuổi, thôn Nam Hưng, xã Vũ Lạc, thành phố Thái Bình

Tôi thường lui tới vãng cảnh đền và cầu nguyện sức khỏe, an bình. Đền vua Rộc rất linh ứng, đã từng có kẻ đến trộm đồ cổ mà loanh quanh cả đêm không biết lối ra, cuối cùng trời sáng mọi người phát hiện và bắt quả tang.

Ông Đặng Văn Ký, thủ từ đền vua Rộc, thôn An Hiệp, xã Vũ An, huyện Kiến Xương

Hiện nay, đền đang hoàn thành các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động du lịch tâm linh và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Đền đang trong giai đoạn hoàn tất khu thủy tạ bên cạnh khuôn viên nhà đền tạo cảnh quan đẹp phục vụ khách du lịch trong và ngoài tỉnh.


Quang Viện 

  • Từ khóa

Lê Đức Cảnh - 6 năm trước

Thờ Triệu Đà ở đền Đồng Sâm?

Tải thêm