Mặn lời thề “Cỏ áy bóng tà”
Đại thi hào Nguyễn Du trải mười năm gió bụi về quê vợ ở làng Hải An dựng lều thơ, quán gió bên bờ hồ bán nguyệt. Làng Hải An xưa là dải đất hình con rồng nổi lên giữa mênh mông sông nước, lau lách rậm rạp. Các bậc cao niên trong làng kể lại, lúc bấy giờ dân cư thưa thớt, xung quanh làng cỏ lăn (dân gian thường gọi là cỏ áy) mọc um tùm. Chiều ngả bóng, những khóm cỏ lăn nhuộm ánh chiều tà vàng óng. Trong cảnh xa quê, lòng buồn da diết, Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều trong tâm trạng buồn hiu quạnh, câu thơ thốt lên nghèn nghẹn: "Một vùng cỏ áy bóng tà/Gió hiu hiu thổi một vài bông lau".
Truyện Kiều kể về cuộc đời thăng trầm của một người kỹ nữ với ba mối tình: thẳm sâu có, mộng mơ có, hững hờ có. Nhưng dù có bao nhiêu mối tình đi chăng nữa, dưới ngòi bút thiên tài của Nguyễn Du, với tâm trạng chất chứa đầy vơi, cả Truyện Kiều là những lời thề thốt. Mặc dù trải qua bao thăng trầm, biến cố, mối tình Thúy Kiều - Kim Trọng, Thúy Kiều - Thúc Sinh và cuối cùng là Thúy Kiều - Từ Hải, mối tình nào Thúy Kiều cũng nhận được lời thề hẹn ước. Nhưng trớ trêu thay, bao nhiêu lời thề đều không ai thực hiện được. Nữ thi sĩ người Nhật Bản Kuroda Yoshiko khi dịch và nghiên cứu về Truyện Kiều cũng đã phải thốt lên: Chỉ đến khi những kẻ dễ dàng buông lời thề nhằm mục đích lừa dối người khác bị trừng phạt thật khủng khiếp như những gì chúng đã thề, chính là lúc chúng hiểu được sức nặng ngàn cân của "lời thề đã trao", mới tin rằng có sự phán xét của trời trên cõi đời này... Nếu chúng ta có thể cảm nhận được tác phẩm dưới góc độ "lời thề" điều nổi bật có thể thấy ở tác phẩm là những con người luôn sống theo một nguyên tắc hết sức nghiêm ngặt. Truyện Kiều cho chúng ta thấy không chỉ mối quan hệ giữa tư tưởng, tôn giáo, thời đại, cá nhân với xã hội mà mỗi khi chúng ta cảm thấy lạc lối hãy tìm về với nguyên tắc, nguyên lý ấy.
Mười năm gió bụi, mười năm lưu lạc ở đất Thái Bình, hồn đất làng Hải An là nơi dung dưỡng tâm hồn thi nhân Nguyễn Du. Trong câu thơ nghẹn ngào, thi nhân day dứt: "Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/Thiên hạ ai người khóc Tố Như". Nhưng không đợi đến ba trăm năm có lẻ, năm 1965, Nhà nước đã long trọng tổ chức 200 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du. Thời điểm đó, đất nước ta vẫn còn chia cắt, một nửa đất nước còn trong "lửa nước sôi" nhưng những bài học từ lời thề "cỏ áy" vẫn cho chúng ta một niềm tin tất thắng. Nhà thơ Tố Hữu đã viết: "Hỡi người xưa của ta nay/Khúc vui xin được so dây cùng Người/… Ngàn năm sau nhớ Nguyễn Du/Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày". Và nay, Truyện Kiều cùng Nguyễn Du vẫn như đang đương thời, nhà thơ như đang nói với chúng ta hãy bằng giá trị nhân văn cao quý giành lấy cái tốt đẹp, cái chân chính, gạt bỏ những điều xấu, giành lấy những điều hay, hãy chung tay làm cho đất nước, quê hương ngày thêm văn minh, giàu mạnh. Nhà thơ Trương Nam Hương đã viết: "Dường chỉ có Nguyễn Du là trẻ lại/Dắt tay Kiều đi dọc tiết thanh minh".
Nhà thơ Trịnh Công Lộc, chuyên viên Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương Ngày nay chúng ta đang sống trong một thời đại văn minh, hiện đại và đầy những thách thức. Đã xa rồi xã hội phong kiến mà thi nhân Nguyễn Du từng sống khi mà cả đất nước chìm trong bi kịch của thời đại bế tắc không đường ra, cuộc đời là đêm đen "Đêm trường dạ tối tăm trời đất". Kiều sống trong một chế độ phong kiến đang suy tàn, thân phận mỏng manh bị bủa vây bởi bao định kiến lỗi thời, Kiều vẫn vươn lên tìm hạnh phúc. Nguyễn Du thông qua truyện Kiều để nói với chúng ta rằng: "Đục trong thân cũng là thân", con người là hoa của đất, con người đáng để nâng niu, thương cảm… Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo Mười năm gió bụi, lưu lạc của Nguyễn Du cũng có thể hiểu đây là quãng thời gian Nguyễn Du viết truyện Kiều và số phận bi ai của nàng Kiều lưu lạc trong khoảng thời gian mười năm. Có thể nói, mười lăm năm của một đời con gái thật xót xa, nuối tiếc. Nàng Kiều đã sống cho cuộc đời đầy bi kịch không chỉ riêng nàng mà có lẽ là của cả nhân loại.Nhà thơ Phan Đức Chính, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam Đọc truyện Kiều, suy ngẫm cuộc đời mới nhận thấy Nguyễn Du đã quá nặng lòng suy tư về số phận con người. Phải chăng, mười năm lưu lạc, mười năm gió bụi ở đất Hải An đã hun đúc cho Nguyễn Du một nguồn sáng để viết lên truyện Kiều. Mặc dù viết bằng chữ Hán nhưng những câu thơ của Nguyễn Du viết ra đều là thuần Việt, đem đến cho người đọc một hạnh phúc vô vàn đó là được thưởng thức những câu thơ tuyệt diệu.Bà Nguyễn Thị Nụ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quỳnh Nguyên (Quỳnh Phụ) Tôi đã đến Hà Tĩnh thăm quê hương đại thi hào Nguyễn Du, tôi thấy ở nơi đấy có xây dựng khu tưởng niệm cụ Nguyễn Du, có nhà thờ, nhà bình thơ và nhà lưu niệm. Nhưng mười năm gió bụi để Nguyễn Du viết lên Truyện Kiều thì lại ở làng Hải An, xã Quỳnh Nguyên quê vợ của cụ Nguyễn Du, ước nguyện của người dân Quỳnh Nguyên là làm sao ở nơi đây cũng có một khu tưởng niệm cụ Nguyễn Du, để cho tên tuổi cụ Nguyễn Du gắn với truyện Kiều và thấm đẫm hồn quê của làng Hải An để con cháu muôn đời trong làng, trong xã còn biết đến và tự hào về một áng thơ bất hủ và một thi nhân, danh nhân văn hóa của nhân loại ở ngay chính làng quê Hải An này.Ông Đoàn Nguyễn Tập, cháu 15 đời của Hoàng giáp Tiến sĩ Đoàn Nguyễn Thục Các cụ tôi kể lại, đất Hải An xưa có thế "long chầu hổ phục", là vùng đất phát khôi khoa. Cụ tôi là Đoàn Nguyên Thục đỗ đầu Hoàng giáp Tiến sĩ và giữ chức Hiệu thư Đông các kiêm chức Thiêm đô Ngự sử của triều đình hậu Lê. Các cụ truyền nhau rằng, cụ Nguyễn Du là học trò và cũng là con nuôi cụ Hoàng giáp Tiến sĩ, sau đó trở thành con rể cụ. Trong khoảng thời gian từ 1786 - 1796, mười năm gió bụi như lời tự thuật của cụ Nguyễn Du thì chính thời gian này cụ Nguyễn Du dựng lều thơ và ngày ngày ngẫm ngợi viết Truyện Kiều, áng hùng văn bất hủ. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
Minh Thuần - 4 năm trước