Thứ 6, 22/11/2024, 21:23[GMT+7]

Làng cổ có kiến trúc theo phong thủy chống hoả hoạn

Thứ 5, 10/06/2021 | 14:30:03
1,237 lượt xem
Làng Huy Châu (tỉnh An Huy) nổi danh với di sản kiến trúc 2.000 năm lịch sử, theo lối "tứ thủy quy đường", tường đầu ngựa chống hoả hoạn.

Những ngôi làng theo kiến trúc Huy Châu tồn tại hàng trăm năm và ngày nay đã trở thành một trong những điểm đến lý tưởng đối với khách du lịch như làng cổ Tây Đệ, Hoành Thôn, Hoàng Sơn (thuộc tỉnh An Huy), Vụ Nguyên (thuộc tỉnh Giang Tây)

Kiến trúc Huy Châu còn được biết đến với tên gọi kiến trúc Huy Phái, tồn tại từ thời Minh - Thanh. Đây là trường phái quan trọng bậc nhất trong kiến trúc truyền thống của người Hán, một phần tất yếu cấu thành nên văn hóa địa phương. Ảnh: Sohu 

Tổng thể bên ngoài công trình phù hợp với mỹ quan, quần thể hợp nhất. Hình ảnh núi xanh, nước trong, cùng tường trắng, ngói đen đã tạo nên nét đặc trưng của vùng đất Huy Châu xưa, trong sự mộc mạc, giản dị lại mang theo vài phần tao nhã. Ảnh: Sohu

Nhà ở truyền thống vùng Huy Châu tôn trọng cảnh quan và môi trường tự nhiên. Người xưa chọn đất để lập thôn lập xóm phải suy xét rất kỹ lưỡng dựa trên các yếu tố tự nhiên như địa hình, địa mạo, dòng nước, hướng gió... Thường đó sẽ là nơi kề sông tựa núi, phong cảnh tươi đẹp, bố cục hợp lý, giao thông thuận tiện, các công trình kiến trúc hòa hợp với cảnh quan sông núi. Ảnh: QQ

Những ngôi nhà lấy gạch, gỗ và đá làm nguyên liệu chính, với khung gỗ làm chủ đạo. Người dân vùng này thường dùng những cây gỗ to để làm xà nhà, đặc biệt chú trọng phần trang trí họa tiết, chạm khắc tinh xảo. Ảnh: Inf News

Kiến trúc Huy Châu và các kiến trúc truyền thống khác của người Hán có một số điểm chung như: lối sống tụ tập; nhà mặt trước quay về hướng Nam, mặt sau quay về hướng Bắc. Ảnh: BXBK

Kiến trúc chú trọng việc lấy ánh sáng tự nhiên vào trong nhà; xà nhà phải chịu lực tốt; dùng gạch, đất, đá để làm tường bao; lấy phòng khách làm trung tâm; thiên về chạm trổ rường cột và trang trí mái nhà, mái hiên. Ảnh: wuyuanyou

Tường đầu ngựa mang phong cách riêng biệt, kín cổng cao tường. Tường đầu ngựa là nét độc đáo thường thấy trong kiến trúc Huy Châu, có tác dụng chống gió và chống lửa. Do xây san sát, những ngôi nhà được ngăn cách bởi những bức tường cao, để hạn chế lửa lan từ nhà này qua nhà khác trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn. Ảnh: Photo CNC

Nghệ thuật "Tam điêu" (điêu khắc trên gạch, gỗ và đá) trong văn hóa Huy Châu vô cùng nổi tiếng. Ảnh: Sohu

Gạch ngói sử dụng để lợp mái che cổng, đá ốp ở cửa thông gió hay cột trụ gỗ đều được chạm trổ hoa văn tinh xảo. Ảnh: Sohu 

Một nét đặc trưng nữa góp phần tạo nên danh tiếng của Kiến trúc Huy Châu chính là "Tứ Thủy Quy Đường" với giếng trời. Phòng ốc, giếng nước, sảnh lớn bài trí hợp bố cục dựa theo công dụng, quy mô, địa hình. Đường dẫn vào sân nhà linh hoạt, lấy giếng trời làm trung tâm. Ảnh: Sina

Theo phong thủy, giếng trời gắn liền với "tài lộc". Đạo lý của người kinh doanh chính là coi trọng tiền tài. Mưa trên trời cũng như tài vận. Khi trời mưa, nước mưa sẽ theo giếng trời đổ vào trong nhà mà không để chảy ra ngoài, tài vận từ bốn phương cũng như mưa trên trời, ùn ùn, liên tục chảy vào nhà đem lại tài lộc cho gia chủ. Đây cũng chính là tư tưởng "nước phù sa không chảy ruộng người ngoài". Ảnh: ifeng

Theo vnexpress.net