Thứ 5, 16/01/2025, 08:13[GMT+7]

Ngôi đền có lịch sử lâu đời nhất xứ Thanh

Thứ 5, 24/06/2021 | 10:20:07
1,174 lượt xem
Được ôm trọn bởi những dãy núi hùng vĩ, non nước hữu tình, kế bên là làng mạc, nhà cửa đông đúc, đền Đồng Cổ (huyện Yên Định) trầm mặc như một huyền thoại cổ xưa. Những giá trị văn hóa lịch sử cũng như nét độc đáo kiến trúc khiến nơi đây trở nên cuốn hút lạ kỳ.

Đền Đồng Cổ nằm bên bờ hữu sông Mã, thuộc làng Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định. Đây là một ngôi đền có lịch sử lâu đời nhất xứ Thanh. Trước ngôi đền là mặt hồ bán nguyệt rộng lớn, nước trong vắt tựa như chiếc gương khổng lồ in trọn mọi cảnh vật khiến không gian nơi đây trở nên rộng mở và thoáng đãng hơn. 

Đền Đồng Cổ còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử của người Việt xưa và trở thành minh chứng cho sự tồn tại của nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc trên mảnh đất xứ Thanh. 

Tương truyền, miếu Đồng Cổ được khởi dựng từ thời Hùng Vương (năm 2569 TCN). Sau đó đến thời Lý (năm 1020), rồi thời Lê Trịnh (năm 1630), miếu được xây lại với quy mô to đẹp hơn để thờ thần Đồng Cổ, một vị thần hiển linh báo mộng giúp vua chống giặc ngoại xâm và diệt trừ phản loạn. 

Đền được xây dựng trên một khoảng đất rộng trong quy hoạch tổng diện tích 11ha với núi Tam Thai, bến Thường Châu cùng hệ thống cảnh quan thiên nhiên phong thủy, hữu tình. 

Với lối kiến trúc đặc trưng của các công trình nhà cổ dân gian, đền Đồng Cổ bao gồm: tiền điện, thượng điện và hậu cung. Bên trong đền, các thân cột chính và bộ khung bằng gỗ lớn tạo nên tổng thể bề thế, vững chắc. 

Kiến trúc hài hòa đẹp mắt cùng hình ảnh các linh vật và nhiều họa tiết nổi bật khiến ngôi đình vừa có nét linh thiêng, trang trọng vừa có vẻ đẹp duyên dáng. 

Các đầu dư đều được chạm đầu rồng với những đường nét mềm mại, tỉ mỉ 

Nhiều mảng chạm khắc tinh xảo về những hình ảnh hoa lá, cây cỏ... thể hiện sự tài tình của nghệ nhân dân gian cũng như nói lên tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống thanh bình của người dân nơi đây. 

Hằng năm vào ngày 12-15 tháng 3 (Âm lịch), lễ hội truyền thống đền Đồng Cổ lại được tổ chức trang trọng để tỏ lòng thành kính với vị thần của Nhân dân. Đây chính là dịp để bà con địa phương và đông đảo nô nức tham gia tế lễ, rước kiệu để cầu mong cho một cuộc sống yên vui, tốt lành và hòa mình vào các hoạt động văn hóa văn nghệ, các trò chơi dân gian đậm đà bản sắc dân tộc. 

Trong những năm gần đây, để gìn giữ và phát huy các giá trị của đền Đồng Cổ cũng như khai thác thế mạnh tiềm năng du lịch tâm linh, các cấp chính quyền đã chú trọng công tác tuyên truyền, tăng cường quảng bá, giới thiệu bằng nhiều phương tiện thông tin đại chúng khiến nơi đây trở thành điểm đến linh thiêng hấp dẫn, là niềm tự hào của người dân Yên Định nói riêng và Nhân dân Thanh Hóa nói chung. 

Với những giá trị sâu sắc xuyên suốt các triều đại lịch sử Việt Nam, năm 2001, địa danh này đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. 

Ngoài đền chính ở Đan Nê, trong cả nước còn có ít nhất 3 ngôi đền mang tên Đồng Cổ, cùng thờ thần núi Khả Lao Thôn và thần Trống Đồng, đó là: Đền Đồng Cổ ở xã Hoằng Minh, huyện Hoằng Hóa; đền Đồng Cổ ở phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội và đền Đồng Cổ tại Nguyên Xá, Từ Liêm, Hà Nội. 

Theo baomoi.com