Thứ 7, 23/11/2024, 08:50[GMT+7]

Đặc sắc đền thờ thầy dạy hai vua

Thứ 3, 29/06/2021 | 15:17:05
1,825 lượt xem
Được ví như “Thành nhà Hồ thu nhỏ”, đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi (xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn) được đánh giá như pho tư liệu quý về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc thế kỷ XVII.

Đền xây dựng năm 1617, niên hiệu Hoàng Định thứ 18 đời Vua Lê Kính Tông. Sau đó được con cháu đời sau nhiều lần tu sửa, mở rộng hoàn chỉnh. 

Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi sinh năm 1515, trong một gia đình danh gia vọng tộc ở làng Ngọc Bội cũ, nay là xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn. Năm 39 tuổi, tại khoa thi Giáp Dần (1554, đời Vua Lê Trung Tông), ông thi đỗ Nhất giáp Chế khoa. Ông là người trực tiếp hầu giảng 2 vua: Lê Anh Tông và Lê Thế Tông nên thường được truyền tụng là “người thầy của 2 đời vua”. 

Theo các tài liệu lịch sử và dấu tích nền móng còn sót lại, khu đền thờ - lăng mộ được thiết kế theo kiểu “nội công ngoại quốc”, bao quanh bởi hai vòng thành khép kín: Thành ngoài bằng đất, thành trong bằng đá. Bên trong tường thành là hệ thống hạng mục kiến trúc bề thế. 

Dọc lối đi vào gần cổng đền có hai hàng tượng chó, ngựa, voi đá, tượng người chầu… được tạc khắc rất tinh xảo. 

Tại đây còn lưu giữ hai tấm văn bia bằng đá nguyên khối kích thước lớn, có bề rộng hơn 2,5m, đối xứng hai bên. Một bia ghi lại dòng họ, thân thế, sự nghiệp của Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi. Bia còn lại có niên đại năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628), ghi công đức và việc cung tiến của Nhân dân. 

Từng con chữ, hoa văn trên các tấm bia được chạm khắc một cách tỉ mỉ, tinh tế. 

Giếng đá cổ hình tròn được gọi là giếng Ngọc là một trong những điểm nhấn của khu di tích. 

Thiết kế cổng thành khiến bất kỳ ai cũng đều dễ dàng liên tưởng đến công trình kiến trúc độc đáo - Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ. 

Cổng dẫn vào đền có hình mái vòm, 1 cửa duy nhất, kết hợp giữa kỹ thuật xếp đá (ở thành cổng) và gạch xây (ở phía nóc thành). 

Trên cổng có khắc ba chữ “Tướng công môn”. 

Tường đá bao bọc cao tới gần 2m, bề rộng 1,5m dựng bằng hai hàng đá tảng, ở giữa đổ đất nện, phía trên là những phiến đá hình mai rùa úp xuống. Ở phía trên nhiều chỗ nứt nẻ, cây dại mọc um tùm, các viên gạch phần mái một số đã rơi hoặc mục mại. 

Trước đây, toàn bộ khu đền thờ có tới 24 dãy nhà lớn bé bao quanh, bố trí từ nhà sắp lễ ở ngoài cổng, khu đền thờ, khu hậu viên, khu nhà tổ, khu nhà thờ dành cho người vợ của Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi... Trải qua biến thiên của lịch sử, rêu phong của thời gian, đến nay chỉ còn lại nền móng hoặc không còn dấu vết. 

Bên phải lối vào đến chính có một lối nhỏ dẫn vào nơi thờ bà Quận Đăng (vợ Đăng Quận công Nguyễn Khải), người đã thay chồng chăm lo việc thờ tự cha Nguyễn Văn Nghi. 

Không chỉ là công trình có lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo, khu đền thờ Nguyễn Văn Nghi còn mang giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, thể hiện đạo lý “Tôn sư trọng đạo” và “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. 

Do ảnh hưởng của thời tiết nên các khung, xà… của điện thờ chính cũng đã bị mối mọt, khó có thể sử dụng được lâu dài. 

Ngôi đền ẩn chứa tư tưởng, trí tuệ của người xưa, được đánh giá như pho tư liệu quý về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc thế kỷ XVII. 

Năm 1990 đền thờ Nguyễn Văn Nghi được Bộ Văn hóa - Thông tin (Nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. 

Tháng 11-2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình Tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích LSVH, kiến trúc nghệ thuật Đền thờ Nguyễn Văn Nghi. 

Theo baomoi.com