Thứ 5, 16/01/2025, 13:55[GMT+7]

Giá trị nghệ thuật độc đáo của di sản tượng lăng mộ quận công, quan tướng thế kỷ 17-18 ở đồng bằng Bắc bộ

Thứ 4, 11/08/2021 | 16:55:17
3,758 lượt xem
Nghệ thuật điêu khắc tượng tròn đặt trong lăng mộ của các Quận công, quan tướng thời Lê Trung Hưng, thuộc thế kỷ 17-18 đã có những đóng góp to lớn vào việc định hình giá trị nghệ thuật điêu khắc đá trong kho tàng nghệ thuật điêu khắc cổ truyền dân tộc của người Việt Nam.

Di tích Lăng họ Ngọ ở Bắc Giang.

Quận công là một tước hiệu thời phong kiến do vua ban cho những người trong hoàng tộc hoặc người có công với đất nước. Do đặc thù của chế độ phong kiến, sau khi chết họ sẽ được an táng trong những khu lăng mộ với quy mô nhỏ (khoảng vài trăm m2). 

Tuỳ theo công trạng và tầm ảnh hưởng, mỗi khu lăng mộ sẽ được các nghệ nhân đương thời tạo ra với quy mô đơn giản hoặc cầu kỳ, đặc biệt kèm theo đó là hệ thống tượng người, linh thú và tượng thú được tạo tác công phu, bài trí cùng với những hiện vật thờ khác để làm tăng thêm giá trị tưởng niệm đến người đã khuất.

Đến thời điểm hiện tại, chỉ một số ít các công trình này còn tồn tại nguyên vẹn trên phạm vi cả nước, đặc biệt là các cụm di tích lăng mộ Quận công từ thế kỷ 17-18 nằm rải rác trên địa bàn các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hoá…

Di tích Lăng Quận Mãn ở Thanh Hoá.

Tính riêng biệt và đặc thù của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc lăng mộ bằng đá

Thông qua hệ thống kiến trúc và điêu khắc ở những cụm di tích như: Lăng Tướng công Vũ Hồng Lượng (Phù Ủng, Ân Thi, Hưng Yên), lăng Họ Ngọ (Làng Thái Thọ, xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang), lăng Dinh Hương (làng Dinh Hương, xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang), lăng Phạm Huy Đĩnh (xã Chương Dương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, lăng Nguyễn Văn Nghi (xã Đông Sơn, Đông Thanh, Thanh Hóa), lăng Quận Mãn (phường An Hoạch, TP Thanh Hóa)… đã cho chúng ta thấy sự độc đáo trong nghệ thuật kiến trúc lăng mộ nói chung và nghệ thuật tượng lăng mộ Quận công, quan tướng thế kỷ 17-18 ở đồng bằng Bắc bộ nói riêng, cũng như để lại một khối lượng lớn các tác phẩm tượng tròn bằng đá có phong cách tạo hình đặc thù, rõ nét và đạt đến tính biểu tượng cao.       

Những quần thể tượng trong lăng mộ Quân công khá đa dạng về chủng loại, kiểu dáng, cấu trúc tạo hình: hệ thống tượng người (quan hầu, lính hầu, người hầu đứng), tượng linh thú (nghê ngồi, lân, sấu bò, tượng thú (voi nằm, ngựa đứng, chó ngồi), được tạo nên bằng chủ yếu các chất liệu đá khác nhau (đá sa thạch, đá trắng, đá pha cát…). Trong không gian kiến trúc lăng mộ thế kỷ 17-18, hệ thống tượng và các hiện vật được bài trí một cách chỉnh thể - thẳng hàng, đăng đối theo từng cặp qua đường linh đạo - thể hiện tinh thần trang nghiêm đối với chủ nhân trong mộ. 

Hệ thống tượng lăng mộ không chỉ phản ánh tay nghề tạo tượng của người xưa đã đạt tới trình độ thẩm mỹ nhất định, mà còn biểu hiện quan niệm sâu sắc của người xưa trong dân gian khi đặt tượng linh thú (nghê, lân, sấu) ở trung tâm, trước khu mộ với vai trò canh giữ, bảo vệ linh hồn người đã khuất.

Di tích lăng mộ Phạm Huy Đĩnh tại Thái Bình.

Trải qua hàng trăm năm, dòng nghệ thuật này vẫn còn hiệu hữu một cách cụ thể. Không trùng lặp về hình thức, nội dung, ý nghĩa với bất cứ loại hình nghệ thuật tượng tròn nào khác trong cả chiều dài của nền nghệ thuật tượng cổ gắn với truyền thống, dân tộc. Khẳng định vị thế đặc biệt khi so sánh với các loại tượng tròn trong công trình tôn giáo, tín ngưỡng khác ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Giúp người đời sau tìm thấy những ý tứ được người xưa gửi gắm, đặc biệt là quan niệm về thân phận con người, sự sống, cái chết và sự bất tử sau khi chết.

Sự đa dạng về hình tượng người trong không gian lăng mộ

Góp phần chung vào nghệ thuật tượng lăng mộ, tượng người trong lăng mộ Quận công, quan tướng thế kỷ 17-18 đã định vị những giá trị có tính biểu tượng. Ở thế kỷ 17, trong lăng mộ thường được bố trí 02 tượng người, đến thế kỷ XVIII nhiều lăng mộ đã đạt tới số lượng 10 tượng người (lăng Phạm Huy Đĩnh, lăng Quận Mãn). Theo đó, những bức tượng đá đặt trong lăng mộ ở giai đoạn này tiềm ẩn một đời sống tinh thần riêng biệt và thiêng liêng của các quan tướng đương thời. Có thể phân chia hệ thống tượng người trong lăng mộ thế kỷ 17-18 thành ba loại gắn với các vai trò, chức năng trong lăng mộ, cụ thể như sau:

Tượng quan hầu tại lăng mộ họ Ngọ

Thứ nhất: Tượng quan hầu (quan văn, quan võ), đương thời được cho là những người thân cận, cố vấn chiến lược... là cách tay đắc lực cho việc cai trị của các quan tướng cấp cao. Hệ thống tượng này  thường được đặt ở những vị trí liền kề với khu mộ, hoặc trong khu vực thờ thuộc lăng mộ. Trên trang phục tượng thường gắn với nhiều biểu tượng trang trí mang tính tâm linh, đặc biệt là ở những tượng quan hầu có niên đại thế kỷ 18 như lăng mộ Phạm Huy Đĩnh ở Thái Bình, lăng Dinh Hương ở Bắc Giang và  lăng Quận Mãn ở Thanh Hóa... 

Thứ hai: Tượng lính hầu, đây là loại tượng được cho là có vai trò bảo vệ, canh gác, là những binh lính trung thành với Quận công, quan tướng. Vì vậy trang phục và một số đặc điểm chi tiết chạm khắc đơn giản, khái quát hơn hình tượng quan hầu. Hệ thống tượng lính hầu trong lăng mộ thời Lê Trung Hưng thường được đặt ở những khu vực bên ngoài cổng hoặc phía trong cổng mà ít khi gắn với khu thờ như tượng quan văn hay quan võ.

Tượng lính hầu dắt ngựa tại Lăng Dinh Hương.

Thứ ba: Tượng người hầu, xuất hiện không nhiều trong hệ thống lăng mộ Quận công, quan tướng thời kỳ này. Chúng có bố cục hình dáng khá nhỏ bé, đặc biệt là trang phục và các đặc điểm tạo hình cho thấy sự giản dị của những người phục vụ trong các phủ quan xưa kia cũng như phản ánh đúng thân phận của những người có vị trí thấp trong xã hội - tầng lớp nông dân.

Tượng người hầu 1 ở lăng Dinh Hương. 

Được cho là phát triển mạnh và đạt đến đỉnh cao của các dòng nghệ thuật truyền thống, phong cách nghệ thuật giai đoạn Lê Trung Hưng được thể hiện rõ nét trên các tượng lăng mộ. Nổi bật là sự đông đúc về số lượng và sự phong phú về cách tạo hình, đặc biệt là tạo nên trạng thái biểu cảm sâu sắc cho tượng. Từ đó khẳng định dấu ấn mỹ thuật lăng mộ đã hình thành một cách mạnh mẽ, rõ nét mà không khuôn mẫu giống như ở thời Trần hoặc thời Lê sơ.

Cùng với các loại hình tượng tròn khác, tượng lăng mộ bằng đá thế kỷ 17-18 đã cho chúng ta thấy được những giá trị nghệ thuật đặc biệt của loại hình điêu khắc dân gian gắn với lăng mộ. Hiện các quần thể lăng mộ này đã được cấp bằng chứng nhận di tích và trong danh sách bảo tồn.

Ngoài những giá trị về nghệ thuật, các hoạt động văn hóa tâm linh ở những di tích thờ các vị Quận công góp phần giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", tri ân những người có công với làng, nước, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh của nhân dân địa phương.

Theo baodansinh.vn