Thứ 7, 23/11/2024, 03:56[GMT+7]

Nghệ thuật trong căn nhà lấy cảm hứng từ tàu đắm

Thứ 4, 10/11/2021 | 17:04:23
637 lượt xem
Căn nhà lấy cảm hứng từ chiếc tàu đắm, ẩn chứa bộ sưu tập nghệ thuật đương đại của gia chủ ở tầng hầm.

Ngôi nhà một hầm, ba tầng trên khu đất gần 600 m2 được thiết kế cho gia đình năm người. Yêu cầu của gia chủ là một ngôi nhà thoải mái, tiện nghi, nhiều ánh sáng mặt trời, thoáng mát và có không gian phù hợp cho sở thích sưu tập tác phẩm nghệ thuật đương đại Việt Nam. 

Không gian nhà lấy ý tưởng từ một chiếc tàu với nhiều báu vật bị đắm xuống đáy đại dương. Nếu "lặn" về phía cuối (tầng hầm), người ta sẽ bất ngờ khám phá ra một "kho tàng" ẩn sâu. 

"Kho tàng" ở đây chính là bộ sưu tập nghệ thuật đương đại từ nhiều nghệ sĩ Việt Nam mà gia chủ dày công sưu tầm trong nhiều năm. 

"Văn hóa nghệ thuật như một kho tàng quý báu, không dễ chạm được mà đòi hỏi đam mê, tìm tòi và khám phá. Đó là lý do căn nhà lấy ý tưởng từ chiếc tàu đắm", KTS Trần Lê Quốc Bình, người thiết kế công trình, chia sẻ. 

Điểm nhấn đặc biệt của tầng hầm là tác phẩm Specula của nghệ sĩ Oanh Phi Phi. Specula có dạng một đường hầm dài 7,2 m và rộng 2,4 m, phủ đầy những bức bích họa sơn mài mà người xem có thể đi lại bên trong. 

Các tác phẩm của họa sĩ Hà Mạnh Thắng qua nhiều giai đoạn sáng tác cũng là một bộ sưu tập mà gia chủ đặc biệt yêu thích. 

Ở các tầng trên, không gian tràn ngập ánh sáng nhờ hệ cửa sổ kính lớn. 

Những đường cắt xéo liên tục được sử dụng, thể hiện ý đồ biến không gian giữa nhà thành một khối điêu khắc rỗng – khổng lồ. 

Hình tượng tàu đắm tiếp tục được gợi lên qua vật liệu, màu sắc, độ cong, những lối đi đóng mở trong nhà. 

Lan can cầu thang làm bằng sắt, liên tưởng đến hình dáng và vật liệu con tàu. Màu trắng ở tầng trên và màu gỉ sét ở những tầng dưới được sử dụng để thể hiện sự giao thoa giữa cũ với mới, quá khứ với hiện tại. "Thời gian cũng là thứ song hành cùng giá trị của nghệ thuật", KTS Quốc Bình nói. 

Ngoài tầng hầm, các tác phẩm nghệ thuật như cũng xuất hiện ở các không gian khác của nhà. Ví dụ, nghệ sĩ Phạm Tuấn Tú sáng tác một tác phẩm gỗ được dùng làm vách ngăn - bình phong giữa hai phòng, tạo nên sự giao thoa giữa nghệ thuật và tính ứng dụng của đồ nội thất trong nhà. 

Công trình hoàn thiện năm 2020, sau 16 tháng thiết kế và thi công.

Theo vnexpress.net