Thứ 4, 15/01/2025, 23:12[GMT+7]

Pantheon - kiệt tác kiến trúc La Mã cổ đại

Thứ 5, 09/12/2021 | 18:23:53
1,179 lượt xem
Những ai từng đến Rome (Italia) hẳn đều tìm đến ngôi đền nổi tiếng được mệnh danh là kiệt tác kiến trúc cổ đại - đền Pantheon sừng sững uy nghi qua gần 2.000 năm đằng đẵng. Khi bước vào bên trong đền chúng ta mới thực sự khâm phục sức sáng tạo thật đáng kinh ngạc của con người cổ đại, mới cảm nhận sâu sắc dấu ấn của lịch sử nhân loại được khắc họa nơi đây.

Đền Pantheon là kiệt tác kiến trúc của nhân loại.

Ngôi đền gần 2.000 năm tuổi

Đền Pantheon ban đầu được xây dựng vào khoảng năm 27 trước Công nguyên bởi Marcus Agrippa (con rể của hoàng đế Augustus). Nó đã bị hư hỏng nặng nề sau hai trận hỏa hoạn vào năm 80 và năm 110. Sau đó, vào năm 118 - 124, dưới triều đại vua Publius Aelius Hadrianus, Pantheon được xây dựng lại hoàn toàn với thiết kế tồn tại cho đến ngày nay.

Năm 330, thủ đô của đế chế La Mã được hoàng đế Constantine chuyển từ Rome đến Byzantium (ngày nay là Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ). Pantheon gần như bị bỏ hoang và không được trùng tu trong một thời gian dài. Tới năm 609, hoàng đế Byzantine Phocas đã cho phép Giáo hoàng Boniface IV chuyển đổi đền Pantheon thành nhà thờ Thiên chúa giáo với tên gọi Basilica di Santa Maria ad Martyres (Thánh Mary và các thánh tử đạo). Việc chuyển đổi này đóng một vai trò quan trọng trong sự tồn tại của Pantheon vì giáo hoàng có đủ nguồn lực và tài chính để tu bổ duy trì ngôi đền.

Pantheon là một ngôi đền dành cho các vị thần La Mã, tên của nó có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, "pan" - có nghĩa là “tất cả”, và "theon" có nghĩa là “các vị thần”. Mái vòm của công trình tượng trưng cho vòm trời, nơi các vị thần ngự trị theo tín ngưỡng của người La Mã. Tính đến nay, Pantheon đã gần 2.000 năm tuổi và là một trong những di tích được bảo tồn tốt nhất ở Rome. Nó là bằng chứng của quyền lực mạnh mẽ và sự giàu có của đế chế La Mã cổ đại.

Mái vòm bên trong đền Pantheon.

Điểm tham quan thu hút du khách

Đền Pantheon được coi là kiệt tác kiến trúc bởi mái vòm của ngôi đền từ việc chọn vật liệu, sắp xếp, xây dựng đều cho thấy những tính toán cực kỳ chính xác. Mái vòm được làm hoàn toàn bằng bê tông không có cốt thép với đường kính 43,3m.

Trong suốt 13 thế kỷ, đây là mái vòm lớn nhất thế giới, cho đến khi mái vòm nhà thờ Santa Maria del Fiore ở Florence của kiến trúc sư Brunelleschi được hoàn thành thì nó mới bị mất ngôi vị quán quân. Bán kính của mái vòm đúng bằng độ cao của bức tường nên nếu lộn ngược mái vòm xuống nó sẽ vừa tiếp giáp mặt đất. Để chịu tải được mái vòm khổng lồ đó, tường đền hình trụ phải dày đến 6,2m. Điều đặc biệt hơn là Pantheon không hề có cửa sổ, chỉ có duy nhất một “con mắt” được gọi là Oculus hình tròn có đường kính 8,3m ở chính giữa mái vòm để ánh sáng, không khí lọt vào và phân bổ khắp không gian sảnh. Tuy vậy, ít công trình nào có thể đem lại ấn tượng hài hòa như thế. Không có một chút cảm giác nặng nề nào. Mái vòm khổng lồ tựa như một vòm trời thứ hai bay lơ lửng trên đầu chúng ta. Khi tới Pantheon vào những ngày nắng, luồng ánh sáng dội từ mái vòm xuống sảnh, du khách sẽ có cảm giác huyền bí như thể các vị thần sắp bước ra từ luồng sáng đó và mái vòm là bầu trời che chở cả thế giới do các vị thần tạo nên.

Tuy có một lỗ hổng lớn ở trên trần nhưng nếu mưa nhỏ thì không có hạt mưa nào rơi vào bên trong đền Pantheon. Lý do là vì cấu trúc mái vòm nên luôn có một luồng khí nóng từ dưới bốc lên, cộng thêm sức nóng từ các ngọn nến được thắp sáng bên trong đền đã khiến các giọt mưa nhỏ bốc hơi ngay lập tức mà không kịp rơi xuống. Nếu trời mưa rất to thì nước sẽ lọt qua lỗ hổng chảy dọc theo mái vòm xuống đất, đó là lý do tại sao trên nền nhà của Pantheon lại có một loạt lỗ thoát nước như vậy.

Hình thức và quy mô ngôi đền Pantheon vượt lên tất cả các đền đài Hy Lạp - La Mã có trước đó. Mặt tiền của Pantheon tương tự những ngôi đền phong cách Hy Lạp với ba hàng cột trụ theo dạng thức Corinthian bằng đá. Mỗi cột nặng khoảng 60 tấn, cao 11,8m, đường kính 1,5m được mang về từ Ai Cập. Việc vận chuyển các cột đá từ Ai Cập về đến Rome là một kỳ công thời bấy giờ. Dòng chữ chạm khắc trên mặt tiền của đền: “M:AGRIPPA.L.F.COS.TERTIUM.FECIT” có nghĩa: “Marcus Agrippa con trai của Lucius đã xây ngôi đền này vào lần thứ ba ông chấp chính”. Trước ngôi đền là đài phun nước, công trình này ban đầu được kiến trúc sư Giacomo Della Porta thiết kế năm 1575. Cột đá obelisk của Ai Cập được thêm vào năm 1711. Bên trong đền Pantheon có mộ của danh họa Raphael, mộ vị vua đầu tiên của nước Italia là Emanuele II, mộ của vua Umberto I và hoàng hậu Margherita.

Đền thờ Pantheon hiện là điểm tham quan thu hút khách du lịch hàng đầu ở Rome. Pantheon không đơn giản là một di tích lịch sử, nó sẽ mãi là một biểu tượng sức mạnh của đế chế La Mã một thời lừng lẫy, và hơn hết nó là một kiệt tác của nhân loại.

Theo hanoimoi.com.vn