Chủ nhật, 24/11/2024, 22:12[GMT+7]

Đình Cả

Thứ 2, 14/03/2022 | 08:51:47
11,974 lượt xem
Đình Cả (còn gọi là đình Các) ở làng Quảng Nạp, xã Thụy Trình (Thái Thụy) là ngôi đình cổ linh thiêng thu hút đông đảo du khách đến thăm, đặc biệt trước đình còn lưu giữ được tòa phương đình là một công trình kiến trúc cổ đẹp.

Đình Cả, xã Thụy Trình (Thái Thụy).

Đình Cả thờ các vị thành hoàng là Hồ Đại Mạnh Đô Đại tướng quân đại vương, Uy Linh Lang hiển ứng đại vương, Nam Hải Trừng Thanh cảm ứng đại vương, Bắc Cực Diên Thọ hiển hựu đại vương. Theo thần tích Hồ Đại Mạnh Đô Đại tướng quân là dũng tướng thời Hai Bà Trưng, khi về trang Quảng Nạp ngài đã được các vị âm thần là Uy Linh Lang hiển ứng đại vương, Nam Hải Trừng Thanh cảm ứng đại vương, Bắc Cực Diên Thọ hiển hựu đại vương ngầm phù trợ, giúp đánh thắng quân Tô Định. Khi Hai Bà Trưng lên ngôi đã làm lễ ban thưởng cho các tướng sĩ, Hồ Đại Mạnh đã tâu lên việc được các vị âm thần trang Quảng Nạp phù trợ rồi ngài trở về trang Quảng Nạp, ban tiền vàng cho dân tu sửa miếu thất thờ phụng ba vị âm thần, sau đó ngài theo mây về trời. Dân làng đem việc đó tâu lên, triều đình sai sứ về sửa sang miếu điện và ban sắc phong cho dân làng Quảng Nạp thờ 4 vị đại vương làm thành hoàng, ngàn năm hương hỏa.

Đình Cả được xây dựng từ năm Giáp Dần đời vua Tự Đức (năm 1854), trùng tu vào năm Thành Thái thứ 12 (1900); quy mô kiến trúc gồm các công trình: cổng nghi môn, tòa phương đình, đình thờ thành hoàng (kết cấu theo kiểu tiền chữ nhất (phương đình), hậu chữ đinh (tiền tế và hậu cung). Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ tòa tiền tế và hậu cung bị hạ giải; năm 2009 được phục hồi lại trên nền móng cũ.

Cổng nghi môn gồm một cổng lớn và hai cổng nhỏ, các cổng đều được xây theo kiểu 2 tầng 8 mái, mái cong đao guột, cổ diêm đắp linh thú hổ phù, nghê thần, cột trụ nhấn các câu đối chữ Hán.

Tòa phương đình được xây kiểu chồng diêm cổ các mái thượng, mái hạ đều đắp ngạc long ngậm đại bờ, phượng mớm bờ cong; cổ diêm 3 mặt đắp tứ quý: thông, mai, cúc, trúc… Phần cổ diêm phía trước bên trái đắp cây thông, bên phải đắp cây đào, chính giữa đắp 3 chữ Hán. Bộ khung kiến trúc gồm 4 cột cái làm bằng gỗ lim có thiết diện tròn, 12 cột quân làm bằng đá có thiết diện vuông, các vì nóc làm theo kiểu chồng rường, vì nách làm theo kiểu kẻ chuyền; trên câu đầu tòa phương đình khắc hai dòng chữ Hán ghi lại niên đại xây dựng và trùng tu đình Cả: “Tự Đức thất niên tuế thứ Giáp Dần thất nguyệt cát nhật tân tạo”, “Thành Thái thập nhị niên tuế thứ Canh Tý thập nguyệt cát nhật trùng tu” nghĩa là: Xây dựng mới vào ngày tốt tháng 7 năm Giáp Dần đời vua Tự Đức (1854), trùng tu vào ngày tốt tháng 10 năm Canh Tý đời vua Thành Thái (1900). Qua đây có thể thấy tòa phương đình làng Quảng Nạp là một công trình kiến trúc cổ đẹp - là 1 trong 2 phương đình duy nhất còn lại ở huyện Thái Thụy (cùng với phương đình ở đình Tử Các, xã Hòa An).

Tòa tiền tế và hậu cung được khôi phục lại bằng chất liệu bê tông: Tiền tế 5 gian xây theo kiểu mái cong đao guột, mái đắp ngạc long ngậm đại bờ; bộ khung kiến trúc gồm 2 hàng 8 cột cái, 2 hàng 16 cột quân và 4 bộ vì kèo làm theo kiểu giá chiêng; hậu cung 2 gian, mái chảy lợp ngói mũi, bộ khung kiến trúc có 2 cột cái, 1 bộ vì kèo làm theo kiểu ván mê.    

Trải thăng trầm của lịch sử, sự phong hóa của thiên nhiên và thời gian nhưng với tinh thần gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa để giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau, xã Thụy Trình và đặc biệt là cán bộ, nhân dân làng Quảng Nạp đã quyết tâm khôi phục các công trình thờ cúng và lễ hội truyền thống để đình Cả còn mãi sự uy linh, là niềm tự hào của bà con quê hương Quảng Nạp; hàng năm cứ vào ngày 10 - 12 tháng 2 và ngày 10 - 12 tháng 8 âm lịch, địa phương lại tổ chức lễ hội để tỏ lòng biết ơn, tôn kính các vị thành hoàng.

Năm 2014, di tích đình Cả đã được Ban Quản lý di tích tỉnh (nay là Bảo tàng tỉnh) đưa vào danh mục kiểm kê. Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa do các thế hệ tiền nhân để lại, địa phương đã làm tờ trình đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ, đề nghị UBND tỉnh xếp hạng đình Cả là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Đức Kha
(Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch)