Thứ 7, 18/01/2025, 12:21[GMT+7]

Nhà phố trong hình hài thác nước cao nguyên

Thứ 6, 12/08/2022 | 15:41:20
803 lượt xem
Mặt tiền nhà với ý tưởng từ vách đá của thác Pongou, Đà Lạt, bị cắt xẻ bởi hiện tượng phong hóa cùng cây cối cắm rễ sâu vào từng kẽ đá.

Căn nhà mang tên The Falls với ba thế hệ sinh sống nằm ở phường Bình Thới, quận 11, có tổng diện tích xây dựng 350m2. Yêu cầu gia chủ đặt ra với kiến trúc sư là thiết kế ngôi nhà "mang hơi thở thiên nhiên đến từng ngóc ngách".

"Từ yêu cầu trên, chúng tôi đã đưa chủ nghĩa thiên tính (naturalism) tạo nên công trình này", anh Lưu Quốc Thịnh, kiến trúc sư chính của nhóm chia sẻ. Chủ nghĩa thiên tính trong kiến trúc chủ trương sử dụng những yếu tố đến từ tự nhiên hay mô phỏng thiên nhiên để phục vụ khát khao được đắm mình trong bầu không khí tươi mát của con người.

Lấy ý tưởng từ không gian hùng vĩ của thác Pongou, Đà Lạt với những vách đá bị cắt xẻ do phong hóa (quá trình phá hủy đất, đá và khoáng vật dưới tác động thời tiết, không khí, nước) kèm theo những tán cây bám rễ sâu vào từng khe đá, nhóm thiết kế tạo nên mặt đứng chính của công trình.

"Từ đất đá, cát sỏi, thành phần hóa học cũng không khác với núi đá là bao, chỉ cần cách điệu hình khối đã tạo ra một hang đá nghệ thuật từ bê tông", anh Thịnh chia sẻ.

Vì mặt đứng chính căn nhà hướng Đông nên ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào nhà.

Từ nhược điểm này, kiến trúc sư tập trung vào việc giảm nhiệt và tăng lưu thông không khí. Để đạt được hai mục tiêu đó, ngôi nhà được phủ xanh từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong.

Nhóm thiết kế bố trí các khu vực cần nhiều sự thư giãn như phòng ăn, phòng ngủ ẩn sâu vào bên trong công trình.

Ánh sáng tự nhiên được lấy gián tiếp thông qua những giàn cây leo. Từ khoảng đệm này, ánh nắng bớt gay gắt, làm cho không khí bên trong trở nên dễ chịu.

Nội thất trong nhà sử dụng tông màu trầm giống như màu hang đá. Khi ánh sáng chiếu vào, sự tương phản không quá chói giúp chủ nhân không bị mỏi mắt.

Hộc tủ gỗ dưới gầm cầu thang khi đóng lại nhìn như diện gỗ phẳng, kéo ra có tủ bên trong, đựng được khá nhiều đồ.

Về thông gió, nhóm thiết kế chủ trương đưa dòng khí đối lưu xâm nhập tối đa vào công trình. Tum thang (phần che chắn của cầu thang, một phần tầng trên cùng của ngôi nhà) được thiết kế mái kính. Không khí phía dưới tum thang bị bức xạ mặt trời nung nóng. Tuy nhiên phần tum này được thiết kế có các khe mở, giúp lượng khí nóng thoát ra ngoài.

Khi lượng khí nóng thoát ra sẽ làm giảm áp suất khu vực tum thang, một phần khí ở dưới được lấy lên bù vào phần khí vừa mất. Quá trình này xảy ra liên tục theo một vòng tuần hoàn đối lưu, rút toàn bộ lượng khí ở các tầng dưới lên trên và thoát ra ngoài. Cách làm này khiến không khí trong nhà luôn tươi mới.

Mọi góc nhà đều được làm mát bằng các luồng gió tự nhiên, có khoảng mở ra không gian cây xanh.

Giải pháp thông thoáng đối lưu kết hợp với quạt trần khiến cho nhiệt độ và độ ẩm trong nhà luôn dễ chịu. Chỉ khi thời tiết quá nóng mới phải sử dụng đến điều hòa.

Một số vị trí tường nhà sử dụng vật liệu giả đá kết hợp lớp sơn bảo vệ, giống như một hang đá.

Giải pháp này chống nứt tốt cho bề mặt công trình nhưng giá thành lại rẻ hơn nhiều so với bề mặt hoàn thiện bằng đá tự nhiên.

Phần mái ở tầng trệt và tầng một được uốn cong bằng bê tông theo phong cách kiến trúc Đông Dương.

Đường cong của mái làm cân bằng vẻ thô cứng trong tổng thể khối dáng của ngôi nhà. Phía trên mái cong bê tông là hệ đèn chiếu, tạo ra những khoảng lấy sáng thú vị.

Mong muốn của chủ nhà là được sống trong không gian ngập tràn cây xanh. Tuy nhiên nếu trồng cây lớn trong nhà sẽ ảnh hưởng đến hệ kết cấu, hệ thống chống thấm sàn cũng như xử lý chống hoen ố từ đất trồng. Nhóm thiết kế đã sử dụng dàn cây leo, vừa tạo bóng mát lại không tốn quá nhiều đất cho phần gốc rễ.

Hệ thống tưới tiêu được bố trí tự động. Cách bố trí các van đóng mở bằng wifi giúp chủ nhà kiểm soát quá trình tưới cây hiệu quả.

Theo vnexpress.net