Thứ 7, 18/01/2025, 09:04[GMT+7]

Nhà trú bão hình boong tàu

Thứ 2, 12/09/2022 | 08:44:06
946 lượt xem
Muốn có một nơi trú ẩn an toàn cho mẹ và người thân khi mùa mưa bão đến, KTS Phạm Thanh Truyền đã xây nhà trú bão liền kề bên ngôi nhà thờ của gia đình.

Hai năm trước, kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Truyền đã về quê xây ngôi nhà trú bão diện tích 150m2 ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

Anh Truyền cho hay, bản thân đã chứng kiến nhiều trận bão lớn tại quê hương, cuốn trôi nhiều tài sản, thậm chí gây sập nhà cửa nên muốn làm một nơi trú bão kiên cố, an toàn trước hết là cho mẹ, sau đó là cho anh chị em, hàng xóm.

Toàn bộ kết cấu công trình được xây bằng tường chịu lực dày 200mm, sàn bê tông cốt thép hai lớp có tác dụng cách nhiệt, chống nóng.

Với kiến trúc đơn giản và tương phản với nhà thờ cổ của gia tộc bên cạnh, nhà trú bão phẳng phiu và bo tròn các góc cạnh, mô phỏng hình tượng một boong tàu vững chãi. Màu sắc chủ đạo là trắng với hình khối đơn giản nhằm tôn vinh kiến trúc nhà thờ kế bên.

Vì một phần mặt tiền được che khuất bởi nhà thờ trăm tuổi, đồng nghĩa với việc được cản bớt gió hướng Bắc-hướng gió mạnh nhất- khi mùa mưa bão tới, nên nhà trú bão ít phải chịu tác động xấu từ thời tiết cực đoan.


Hướng Tây của nhà nhìn thẳng ra cánh đồng rộng lớn, nhưng bị ảnh hưởng bởi nắng gắt vào buổi chiều. Vì vậy, ở hướng này, kiến trúc sư chỉ trổ một cửa sổ nhỏ hình tròn, vừa giúp người trong nhà vẫn có thể ngắm nhìn cánh đồng bên ngoài, vừa tránh tiếp xúc quá nhiều với nắng gắt.

Phía ngoài cửa sổ hướng Tây còn có thêm một lớp đệm cầu thang, kết hợp với tường dày 200 mm tránh cho lõi nhà chịu tác động trực tiếp của nắng nóng, nhất là mùa hè nắng gắt ở miền Trung.

Theo tính toán thì ngôi nhà có thể chịu được bão cấp 13, và sức chứa có thể lên đến 100 người trong nhiều ngày với đầy đủ tiện nghi.

Kiến trúc sư đã tính toán kỹ các hướng nắng bất lợi, các hướng gió chính của bão để gia cường, khắc chế những điều bất lợi xảy ra do thời tiết. Các chi tiết như cách vận hành cửa, chống gió hú hay hạn chế mưa tạt khi bão lớn cũng được đưa ra các giải pháp ngay từ khi thiết kế.

Theo đó, gió bão miền Trung thường thổi từ hướng Bắc về hướng Nam nên tất cả hệ cửa sổ ở hướng Bắc đều dùng cửa lùa, hạn chế va đập với tường và vật dụng xung quanh. Dù vậy nhược điểm của cửa lùa là có nhiều khe hở tạo tiếng rít, tiếng hú. Kiến trúc sư đã sử dụng những gioăng đệm cao su chèn chặt các khe hở, giúp cửa khít hơn.

Màu xanh dương của các cánh cửa bo cong trong nhà thể hiện rõ ý đồ "giống như trên boong tàu" của kiến trúc sư.

Phòng ngủ chung cũng được mô phỏng theo cấu trúc boong tàu, tối ưu không gian với 8 giường tầng và có thể ngủ được cùng lúc 16 người.

Xung quanh nhà được trồng nhiều cây xanh, vừa có tác dụng cải thiện vi khí hậu, giảm nhiệt độ không gian sống về mùa hè, đồng thời cũng giúp chắn gió và giảm áp lực gió trực tiếp lên ngôi nhà.

Phòng vệ sinh được chia làm hai khu, khu trong nhà và khu bên ngoài để đáp ứng số lượng lớn người đến trú bão.

Khu bên ngoài có 4 nhà vệ sinh với chất liệu thô, bằng xi măng quét chống thấm mà không lát gạch men, vừa kinh tế vừa chống trơn trượt. Mái nhà vệ sinh được làm bằng tấm polycarbonate đặc ruột lấy sáng tốt. Loại vật liệu này nhẹ, bền, chịu được thời tiết khắc nghiệt, ít nguy hiểm khi bão lớn.

Sàn sân thượng được làm hai lớp chống thấm từ lớp vữa tô.

Theo kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền, đã hai năm kể từ khi đưa vào sử dụng, nhà chống bão vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu hư tổn nào bởi tác động của thiên nhiên như nắng, gió, mưa dầm miền Trung. Điều này được thể hiện rõ qua các yếu tố tạo nên sự bền vững trong công trình. Không gian sống bên trong luôn mát mẻ, ôn hòa, ít bị tác động của nhiệt độ bên ngoài.

Theo vnexpress.net