Thứ 7, 18/01/2025, 06:19[GMT+7]

Nhà chống lũ hình tổ chim

Thứ 5, 29/09/2022 | 13:41:12
482 lượt xem
Được xây ở khu vực hàng năm đều có lũ dâng hơn 1 m, ngôi nhà ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang được thiết kế giống như một tổ chim với tầng trệt bỏ trống.

Ngôi nhà có diện tích mặt sàn 70 m2, với ba tầng và một gác mái. Đây là mái ấm của cặp vợ chồng trẻ. Ưu điểm của ngôi nhà là tọa lạc ở vùng quê yên bình, xung quanh bao bọc bởi cánh đồng và những rặng tre. Gia chủ có thể ngắm cả hoàng hôn và bình minh dù ngồi trong nhà. Tuy nhiên, nơi đây lại cách xa trung tâm thành phố, vì nằm sát ruộng nên nền đất yếu, phải khoan cọc nhồi nhằm gia tăng độ cứng cho nền móng.

Nhược điểm nữa của công trình là nằm tại địa phương thường xuyên phải đón những trận lũ với mực nước dâng cao 1,2-1,5m. Diện tích đất nhỏ với mật độ công năng dày đặc cũng là đề bài khó với đội ngũ thiết kế. Bởi vậy, giải pháp đưa ra là bỏ trống không gian tầng một, đưa công năng chính lên các tầng trên. 

Từ thiết kế này, tầng một chủ yếu là chỗ để xe và là nơi uống cà phê sáng và trà chiều của gia chủ.

Tầng hai và phần sàn để xe lần lượt cao 3,6 m và 1,2 m so với mặt sân tầng một. Độ cao này phù hợp để đồ đạc và các phòng công năng không bị ngập nước khi mùa lũ tới. Ngoài việc tránh lũ, việc bỏ trống tầng một còn giải phóng tầm nhìn, giúp các phòng ở tầng trên trở nên thoáng đãng hơn.

Vì có địa thế đẹp nên phong cách công trình hướng tới là sự mộc mạc và bình dị.

Phía bên ngoài, kiến trúc sư lấy màu xám của bê tông làm chủ đạo gợi nên nét thô mộc, đơn giản nhưng mạnh mẽ. Sơn bê tông còn tạo điểm nhấn không gian tĩnh lặng, yên bình giữa cuộc sống hối hả. Gạch nung đỏ sử dụng cả bên trong lẫn bên ngoài nhằm tạo điểm nhấn cho không gian vốn ít màu sắc.

Mỗi góc nhỏ trong nhà đều hướng ra cánh đồng lúa nhờ cửa sổ kích thước rộng. Những ô cửa này vì thế đều trở thành những bức tranh phong cảnh sống động khi nhìn ra bên ngoài.

Mái vòm cửa sổ phòng khách, bếp... giúp làm mềm những không gian thô cứng, nâng cao tính thẩm mỹ cho công trình.

Kích thước, hình dáng và vị trí các ô cửa sổ đều được cân nhắc kỹ nhằm đem tới những góc nhìn khác nhau với thiên nhiên bên ngoài.

Khu vực làm bánh (gia chủ là thợ làm bánh) với gam màu trắng chủ đạo tạo cảm giác sạch sẽ, gọn gàng.

Theo kiến trúc sư, các không gian chức năng được thiết kế tinh gọn với diện tích tối thiểu nhưng khai thác tốt giá trị của cảnh quan thiên nhiên.

Theo đó, những không gian tĩnh và mang tính riêng tư như phòng ngủ được đưa về hướng Bắc, là hướng vừa ngắm được trọn vẹn cánh đồng vừa hưởng gió mát. Không gian bếp và vệ sinh được đưa về hướng Đông và Đông Nam. Đây là hướng ngắm mặt trời mọc và cũng là hướng nhìn xuống khu đất trồng rau nuôi gà bên dưới. Các không gian đối ngoại như phòng khách được đẩy về hướng Tây Nam.

Phòng ngủ của gia đình nhìn thẳng ra đồng lúa và cảnh sắc núi rừng thiên nhiên. Cũng vì ưu điểm này mà kiến trúc sư đã thiết kế kính trong suốt bao quanh phòng.

Để đảm bảo sự riêng tư, phần tường và cửa kính có treo thêm rèm nâu giúp lọc ánh sáng, giảm độ nắng gắt và tạo sự tách biệt.

Mục đích của khu vực sinh hoạt chung là tạo ra một không gian ngoài trời để mọi người có thể trải nghiệm quang cảnh xung quanh với góc nhìn cao hơn. Không gian sống vùng thôn quê giúp gia chủ tận hưởng bầu không khí tự nhiên, đầy năng lượng với sự thư thái và thoải mái nhất.

Bản vẽ công trình.

Công trình hoàn thành trong một năm, do vướng dịch Covid-19. Kinh phí không được tiết lộ.

Theo vnexpress.net