Chủ nhật, 24/11/2024, 08:25[GMT+7]

'Báu vật' nhà cổ Phú Hội

Thứ 7, 08/10/2022 | 10:39:25
1,332 lượt xem
Nhà của dòng họ Đào ở ấp Phú Mỹ 2, xã Phú Hội (H.Nhơn Trạch) là căn nhà cổ còn giữ được nét kiến trúc nguyên bản. Không chỉ là “báu vật” của dòng họ, ngôi nhà còn là điểm đến thú vị của du khách gần xa, được nhiều đạo diễn chọn làm bối cảnh cho các bộ phim Việt Nam.

Kiến trúc gỗ trong ngôi nhà của dòng họ Đào ở xã Phú Hội, H.Nhơn Trạch. Ảnh: M.Ny

Từ sau đợt đại trùng tu cách đây 3 năm, nhà cổ họ Đào vẫn đang được các thế hệ trong gia đình lưu giữ và bảo vệ các giá trị kiến trúc, văn hóa...

Giữ nguyên kiến trúc ban đầu

Ông Đào Mỹ Trí Nhân (đời thứ 4) hiện sinh sống trong ngôi nhà cổ của dòng họ Đào ở xã Phú Hội chia sẻ, theo tài liệu ghi chép để lại, căn nhà được xây vào năm 1898, theo kiến trúc hình chữ Đinh, 3 gian. Nhà trên là nơi thờ tự, đồng thời là nơi tiếp khách quan trọng của gia đình, nơi ngủ của các thành viên nam. Nhà dưới là không gian sinh hoạt chính và cũng là nơi ngủ của các thành viên nữ. Ngoài ra còn có nhà bếp. Nhà trên, nhà dưới, nhà bếp nằm thẳng hàng, ngăn cách với nhau bằng vách và bậc thềm.

Theo lời kể của gia chủ, để hoàn thành căn nhà này, hơn 10 nghệ nhân phải làm việc liên tục trong 3 năm. Trong đó, công phu nhất mang đậm dấu ấn tay nghề, óc sáng tạo lẫn giá trị văn hóa là các bức chạm khắc quanh gian thờ tự. Bàn thờ có 3 gian, chính giữa là nơi thờ Phật, 2 bên thờ ông bà và cha mẹ.

Theo lãnh đạo UBND xã Phú Hội, trên địa bàn xã còn hơn chục căn nhà có niên đại trên 100 năm. Trong đó, nhà họ Đào ở ấp Phú Mỹ 2 là căn nhà cổ tiêu biểu nhất còn giữ được nét kiến trúc cổ xưa. Căn nhà từng được đoàn chuyên gia Nhật Bản tiến hành kiểm kê, đo vẽ với mong muốn hỗ trợ gia chủ bảo tồn nguyên trạng. Hiện căn nhà không chỉ là nơi sinh sống của con cháu họ Đào, mà còn là điểm đến thú vị tại địa phương và được nhiều đạo diễn chọn làm bối cảnh thực hiện các bộ phim cổ trang. 

“Có những tiểu tiết mãi sau này tôi mới hiểu ý nghĩa. Chẳng hạn đầu con dơi treo ngược, tìm hiểu mới biết khi ngủ dơi thường xòe rộng 2 cánh và quay đầu xuống dưới, chi tiết con cáo và chùm nho trong truyện ngụ ngôn của phương Tây hay đề tài song phượng triều dương (2 chim phượng chầu mặt trời) của văn hóa phương Đông đều có trên khám thờ…” - ông Trí Nhân chia sẻ.

Mặc dù đã tồn tại hơn trăm năm, qua 2 lần trùng tu nhưng đến nay cách bài trí, các vật dụng gần như được giữ nguyên vẹn. Theo gia chủ, khoảng năm 1942 căn nhà được cải tạo lần thứ nhất, làm thêm cửa buồng và bổ sung một số vật dụng như: bàn ghế, bộ tràng kỷ, đồng hồ bằng chất liệu gỗ. Và lần đại trùng tu cách đây hơn 3 năm, căn nhà được nâng nền, thay gạch và thiết kế thêm các phòng.

Ông Trí Nhân cho rằng, điểm độc đáo của căn nhà này là gần như được làm hoàn toàn bằng gỗ đỏ, lim, căm xe nên bền bỉ với thời gian. Các gian nhà được kết dính với nhau bằng kỹ thuật ghép mộc của người xưa chứ không dùng đến ốc vít, đinh sắt. Cửa nhà, cửa sổ sử dụng then cài bằng gỗ và được ký hiệu bằng chữ như: phúc, lộc, thọ; tùng, cúc, trúc, mai… Ngôi nhà có nhiều cửa để đón ánh sáng và gió tự nhiên.

Không chỉ có ý nghĩa về mặt nghệ thuật kiến trúc điêu khắc, mỗi cột nhà là một lời khuyên, lời dạy bảo, lời ước nguyện của cha ông đối với con cháu. Chủ nhà đã cho dịch nghĩa từ chữ Hán sang tiếng Việt để tiện giảng giải và lưu truyền cho đời sau.

 “Hữu xạ tự nhiên hương”

Những năm gần đây, nhà cổ họ Đào ở Phú Hội được nhiều kiến trúc sư, bạn trẻ tìm đến nghiên cứu, thưởng lãm thế nhưng chủ nhà chưa có ý định kinh doanh du lịch. Ông Trí Nhân cho rằng, quan điểm của ông là “hữu xạ tự nhiên hương”, nghĩa là ai biết, muốn tìm hiểu và có duyên sẽ tự tìm đến. Ông không quảng cáo, cũng không muốn mở cửa đón khách vì sợ ảnh hưởng đến báu vật của dòng họ. Tuy nhiên, ông rất sẵn sàng tiếp đón và giới thiệu lịch sử ngôi nhà cho các em học sinh, nhà kiến trúc, nhà văn hóa có thiện chí muốn tìm hiểu.

Nhà cổ họ Đào ở xã Phú Hội, H.Nhơn Trạch (ảnh 1,2,3). Ông Đào Mỹ Trí Nhân (đời thứ 4) xem tài liệu ghi chép về nhà cổ của dòng họ (ảnh 4)

“Tôi chưa nghĩ đến kinh doanh du lịch mà chỉ cho các đoàn làm phim cổ trang mượn bối cảnh quay phim. Họ có ý thức giữ gìn khá tốt nên tôi khá yên tâm. Tôi cho rằng thông qua những cảnh quay trên phim, khán giả sẽ hiểu hơn không gian sinh hoạt, kiến trúc nghệ thuật trong ngôi nhà Nam bộ xưa” - chủ nhân căn nhà chia sẻ.

Cũng theo ông Trí Nhân, trước đây có đoàn chuyên gia của Nhật Bản đến tìm hiểu, đo vẽ và muốn hỗ trợ trùng tu nhưng ông vẫn muốn tự mình gìn giữ, bảo tồn, trùng tu căn nhà bằng nguồn kinh phí của gia đình như các thế hệ cha ông đã làm.

Năm tới, ông Trí Nhân dự định trùng tu nhà dưới. Ông cho biết vẫn giữ nguyên hệ thống vách ngăn, cột gỗ và các vật dụng. Chỉ nâng nền để tránh mưa lớn bị ngập nước, ẩm mốc làm hư gỗ. Về các vật dụng cổ như: lư đồng, đồng hồ, đèn dầu, tủ chén giá nào ông cũng giữ lại. Ông không có ý định đánh bóng, sơn mới bộ tràng kỷ, bộ sập, cánh cửa mà muốn giữ nguyên bản. “Tôi cho rằng giá trị của ngôi nhà, kiến trúc, chất lượng bền bỉ của gỗ nằm ở cái màu bạc ấy, đó là màu của thời gian” - ông Trí Nhân nói.

Theo baodongnai.com.vn