Thứ 6, 17/01/2025, 20:57[GMT+7]

Nhà phố nương theo bóng cây Sake

Thứ 6, 11/11/2022 | 08:57:36
1,390 lượt xem
Thay vì chặt bỏ cây Sake trước cửa nhà, kiến trúc sư đã thiết kế công trình nương theo bóng cây để lấy gió và lấy sáng.

Công trình 120m2 tọa lạc tại quận 2 là nơi ở của cặp vợ chồng cùng hai con gái. Trước khi công trình được xây dựng, gia đình từng có một căn nhà cũ hiện diện tại cùng khu đất với cây Sake lâu năm, gắn bó nhiều kỷ niệm.

Khi thiết kế căn nhà mới, kiến trúc sư và chủ nhà thống nhất giữ nguyên trạng cây Sake như một cách trân trọng quá khứ.

Ý tưởng thiết kế nương vào cây Sake được làm nền tảng cho việc tổ chức không gian của công trình.

Để ý tưởng khả thi, kiến trúc sư đã sắp xếp những không gian mà người ở lưu trú nhiều nhất để tương tác với khung cảnh tự nhiên sẵn có bên ngoài.

Để có thể hứng trọn bóng mát của cây Sake, lối lên tầng hai nằm ở vị trí đầu tiên khi bước chân vào nhà, thay vì vào thẳng phòng khách tầng trệt như những công trình thông thường. Gia chủ đi làm về có thể lên thẳng phòng ngủ tầng hai thông qua khoảng đệm là ban công rộng dưới tán cây xanh mướt mắt.

Tường gạch nung được sử dụng làm điểm nhấn cho không gian sân vườn, đồng thời phân tách giữa không gian tầng hai và tầng trệt. Mảng tường gạch này cũng có tác dụng làm dịu bớt độ chói sáng khi bị nắng chiếu rọi.

Ban công phòng ngủ tầng hai là nơi hóng mát, thư giãn yêu thích của các thành viên trong gia đình.

Buổi sáng nắng nhẹ, mọi người có thể cùng nhau uống cà phê giữa không gian xanh bình yên, gần gũi với thiên nhiên.

Để hạn chế nắng chói vào nhà, mặt tiền những tầng phía trên không được cây Sake che chắn, kiến trúc sư đã tạo một lớp vỏ bằng hệ lam từ bê tông mỏng.

Lam chắn vừa có tác dụng thông gió, lấy sáng vừa điều chỉnh được lượng sáng phù hợp hay giúp cản tiếng ồn, khói bụi từ bên ngoài. Những tấm lam bê tông này được làm từ cốt sợi Xenlulo- vật liệu có tính bền vững cũng như độ mỏng vừa phải để không giữ nhiệt lâu, chi phí cũng rẻ hơn thép và gỗ.

Vì gia chủ là người yêu thích Phật giáo, công trình lại nằm gần một tịnh thất nên kiến trúc sư thiết kế ngôi nhà theo phong cách Wabi sabi nhưng vẫn mang nét hiện đại, phù hợp với thế hệ trẻ đang lớn lên trong gia đình.

Bắt nguồn từ giáo lý đạo Phật, Wabi sabi là phong cách không hướng con người đến không gian sống hoàn mỹ nhưng giúp họ tìm thấy hạnh phúc trong vẻ đẹp nguyên sơ và trân trọng thiên nhiên. Phong cách này không cầu kỳ, kiểu cách nhằm toát lên vẻ đẹp của sự chân thật.

Không gian bên trong được thiết kế lệch tầng. Đây là kiểu nhà bố trí các tấm sàn đặt so le, lệch nhau giữa các tầng tạo sự độc đáo khi nhìn từ trên xuống, đồng thời tận dụng tối đa khu vực cầu thang trở thành giếng trời để lấy sáng, lấy gió.

Ưu điểm lớn nhất nhà lệch tầng là lưu thông không khí tốt, nhờ sự chênh lệch độ cao giữa mặt sàn các tầng tạo ra những ống hút gió đưa không khí tới tất cả các phòng. Các khe hở được tạo từ sự chênh lệch giữa các mặt sàn cũng giúp đưa ánh sáng, không khí vào nhà tốt hơn.

Bê tông thô mộc được sử dụng khá dày trong công trình nhằm nêu bật tính nguyên bản, mộc mạc theo phong cách Wabi sabi.

Vì sử dụng vật liệu thô đơn giản mà màu sắc tổng thể của căn nhà mang sắc thái trầm. Những màu sắc trung lập như màu gỗ, màu nâu xám vỏ cây, màu xanh của gạch đá… tạo nên tính chân thực và gần gũi.

Nhằm giảm bức xạ nhiệt, lọc không khí và tạo cảm giác thư thái, kiến trúc sư bố trí cây xanh ở mọi chỗ có thể, đặc biệt dưới giếng trời.

Bồn cây tại tầng hai, tầng ba có kích thước đủ lớn, đảm bảo rễ cây phát triển tốt.

Để tăng tính hiện đại cho công trình, phòng ngủ của hai bé gái có màu sắc trẻ trung, hợp thời.

Hệ lam bê tông thay cho tường kính tạo ra bóng nắng đầy tính thẩm mỹ đổ xuống mặt sàn.

Theo vnexpress.net