Thứ 6, 17/01/2025, 02:58[GMT+7]

Độc đáo kiến trúc nhà thờ Kon XơmLuh đậm chất bản địa hóa ở Tây Nguyên

Thứ 6, 23/12/2022 | 19:17:53
3,725 lượt xem
Cách trung tâm thành phố Kon Tum 15km, Nhà thờ giáo xứ Kon Xơmluh tại thôn Kon Xơmluh, xã Dak Tơre, Huyện Kon Rẫy, Tỉnh Kon Tum có kiến trúc hình một chiếc gùi mây duyên dáng tạc vào nắng gió Tây Nguyên.

Nhà thờ giáo xứ Kon Xơmluh xây dựng năm 2011, khang trang, vững chãi trên một ngọn đồi thoáng đãng cạnh quốc lộ 24 từ thành phố Kon Tum đi Măng Đen. 

Giáo xứ Kon Xơmluh ngày nay gồm 21 làng dân tộc ở huyện Hon Rẫy. Trong tiếng dân tộc Banar, "Kon" có nghĩa là ngôi làng lâu đời. Kon Xơmluh được hiểu là làng có nhiều cây xơmluh, một loại cây cùng loại với cây le, cây bằng lăng hoang dã có nhiều ở vùng này. 

Tây Nguyên nổi tiếng là vùng đất có rất nhiều ngôi nhà thờ mang kiến trúc độc đáo, riêng có. Dấu ấn của kiến trúc các công trình nhà thờ ở Kon Tum được bản địa hóa rõ nét nhất. Chủ yếu các nhà thờ ở đây đều có hình dáng giống như nhà rông, nhà dài, nhà sàn của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên chứ không còn nguyên bản hoặc phỏng theo kiến trúc gothic, Tân cổ điển hay là châu Âu cổ điển nữa. 

Hành trình du lịch khám phá các ngôi nhà thờ Tây Nguyên hiện được giới trẻ rất yêu thích. Có thể kể đến các nhà thờ nổi tiếng như: Nhà thờ gỗ Kon Tum, nhà thờ Buôn Hồ (Đắk Lắk), nhà thờ con gà Đà Lạt, nhà thờ Pleichuet y hệt một ngôi nhà rông ở Gia Lai... Tuy nhiên, chỉ có nhà thờ Kon Xơmluh là nằm ở nơi hoang vắng, ít người biết đến. 

Kiến trúc các nhà thờ ở Tây Nguyên đại ngàn không chỉ độc đáo mà còn gắn liền với phong tục, tập quán của các dân tộc, là những chứng nhân, dấu ấn văn hoá, lịch sử nổi bật của vùng đất. 

Nhà thờ Kon Xơmluh được trang trí rất nhiều tượng gỗ Tây Nguyên, mỗi pho tượng đều có ghi lại cảm xúc và ý niệm về cuộc sống của người Tây Nguyên, do các nghệ nhân chế tác. Ảnh TTH

Nhà thờ Kon Xơmluh được xây dựng tại một khu đất rộng trên cao, bốn bề nắng gió Tây Nguyên. Ảnh: TTH 

Kiến trúc của Kon Xơmluh tỉ mỉ đến từng chi tiết, mô phỏng các hoa văn người Banar Tây Nguyên dùng để đan gùi mây. Trong đó, các chi tiết công trình được ghép gỗ nghệ thuật rất hiếm thấy. Ảnh: TTH   

Chi tiết cửa, hành lang nhà thờ Kon Xơmluh hình ché rượu cần, ghè rượu, và gùi mây. Ảnh: TTH 

Từng chi tiết của công trình được bản địa hóa nhằm mang lại nét gần gũi, tin cậy đối với các dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: TTH 

Mùa hoa bằng lăng tím, nhà thờ Kon Xơmluh vây quanh bởi rừng hoa. Ảnh TTH 

Theo congdankhuyenhoc.vn