Thứ 6, 17/01/2025, 02:58[GMT+7]

Nhà đảo hướng đón nắng gió

Thứ 3, 27/12/2022 | 16:33:52
2,813 lượt xem
Vì ngôi nhà có mặt tiền hướng Tây, chịu ánh nắng gay gắt nên đã được đảo hướng để gia chủ đón nắng sớm và gió mát.

Mặt bằng phối cảnh của công trình. Ảnh: Hiroyuki Oki

Công trình nằm trên khu đất rộng 4,8 m với chiều dài 22 m gồm một trệt hai lầu tại đường số 9, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức. Mặt chính của nhà hướng Tây, chịu tác động lớn của bức xạ mặt trời, nhất là mùa hè. Tuy vậy, yêu cầu của gia chủ là có một không gian sống trong lành, gần gũi thiên nhiên, cảm nhận được ánh nắng và gió tự nhiên.

Từ yêu cầu này, đặt trong mối quan hệ của khí hậu nhiệt đới nóng ẩm bản địa, nhóm kiến trúc sư đã chọn giải pháp đảo ngược trình tự sắp đặt các không gian của một ngôi nhà thông thường.

Theo đó, không gian phòng khách và sinh hoạt chính của gia đình được bố trí ở phía sau nhà, quay về hướng Đông - nơi có một khoảng sân sau xanh mát. Vì nằm sâu ở cuối nhà, không gian này mang đến sự tĩnh lặng và thư giãn. Phía trước nhà - hướng Tây - được bố trí nhà để xe ở tầng trệt và khu bếp ở lầu một.

Theo kiến trúc sư phụ trách Đinh Quốc Việt, việc bố trí phòng ngược như vậy không gây bất tiện vì tầng trệt để xe ô tô tách biệt với không gian sinh hoạt chung là phòng khách bằng những bậc thang. Do gia chủ không tiếp khách tại nơi ở nên không quá gây bất tiện khi người thân hay bạn bè đến chơi nhà. Thiết kế lệch tầng cũng làm cho phòng khách trở nên thoáng đãng, sử dụng hết chiều dài khu đất mà không bị giới hạn bởi gara.

Không gian phòng khách được đảo ngược ra phía sau quay về hướng Đông- nơi có khoảng sân sau như là một khoảng xanh quý giá. Ảnh: Hiroyuki Oki 

Phòng làm việc ở lầu một cũng quay vào sân sau, giao tiếp với phòng khách tầng trệt thông qua khoảng thông tầng. Sự sắp đặt các không gian chính của ngôi nhà một cách có chủ đích theo tác động của mặt trời giúp cho không khí bên trong mát mẻ, đón được nắng sớm và gió mát từ phía Đông.

Chỉ có phòng ngủ chính đặt ở hướng Tây, tuy nhiên, giải pháp che nắng được tính đến bằng một khoảng lùi lớn cùng mái lam che. Ngoài ra, để giảm tác động bức xạ mặt trời lớn, phần lớn diện tích mái được phủ bóng mát bằng cây xanh.

Mọi không gian chức năng bên trong nhà được thiết kế mở và bố trí theo hướng lệch tầng, xâu chuỗi nhau bằng khoảng thông tầng ở phòng khách, sân trước và sân sau. Giải pháp lệch tầng giúp căn nhà luôn thoáng đãng, đảm bảo kết nối giữa các thành viên.

Phòng làm việc ở lầu một cũng quay vào sân sau, và giao tiếp với phòng khách bên dưới thông qua khoảng thông tầng rộng. Ảnh: Hiroyuki Oki 

Ánh sáng tự nhiên có thể đi vào không gian bên trong qua hệ cửa chính, cửa sổ ở mặt tiền nhà. Dù vậy, ánh sáng không quá gay gắt bởi sự tham gia của các không gian đệm như thông tầng, sân và ban công. Ngoài ra, ngôi nhà đón được gió mát quanh năm từ cả hai hướng Đông-Tây, len lỏi qua các không gian trước khi thoát ra giếng trời trên mái và cửa mở trên mặt đứng.

Điểm đặc biệt nữa của công trình là tầng sân thượng được đặt trên lầu hai mà không phải lầu cao nhất. Lầu cao nhất được bố trí các không gian có tần suất sử dụng thấp như nhà kho, khu giặt phơi. Nhờ đó mọi người trong nhà có thể tiếp cận không gian sân thượng để sinh hoạt dễ dàng và thuận tiện hơn.

Theo kiến trúc sư phụ trách, việc đảo ngược các không gian, thiết kế vỏ bao che nắng và thông gió không chỉ mang đến môi trường sống thoải mái cho gia chủ, mà còn gắn kết con người với thiên nhiên.

Vì mặt tiền nhà hướng Tây nên những phòng công năng chính được đẩy lùi về phía sau, giảm tác động của nắng nóng.

Khoảng thông tầng lớn ngoài nhiệm vụ giúp các phòng thông thoáng, còn tạo sự kết nối giữa các tầng để những thành viên trong gia đình có thể gọi nhau mà không cần di chuyển hay dùng điện thoại liên lạc. 

Màu be của gỗ kết hợp với màu trắng của tường mang đến cảm giác dễ chịu, mát mẻ trong tiết trời nóng bức tại Sài Gòn. Đồ nội thất gỗ cũng là điểm nhấn cho căn phòng thêm phần sang trọng, tinh tế hơn. 

Không gian phòng ăn quay về hướng Đông, kết nối qua phòng khách bằng một hệ cầu thang nằm giữa nhà, sau đó mới ra sân sau. Cách thiết kế này tạo ra một tổ hợp không gian lớn, đem tới cảm giác thoải mái, tự do và gần gũi thiên nhiên. Nhờ nội thất tối giản, căn nhà rộng trông rộng hơn thực tế. 

Thanh dọc cầu thang làm bằng sắt sơn màu cùng tông gỗ, có tác dụng ngăn nhẹ không gian của luồng giao thông lên xuống cầu thang. Lam sắt tiết kiệm chi phí và bền hơn so với sử dụng lam gỗ. 

Nhờ giải pháp lệch tầng, không gian dành cho cầu thang giảm bớt nhưng đi lại vẫn thoải mái. Giao thông giữa các tầng được thu ngắn lại. 

Để che nắng cho phòng ngủ chính phía Tây, ban công được tạo một khoảng lùi lớn cùng mái lam, phía trên trồng cây xanh. 

Ở khu vực sân thượng, để tránh bít bùng không gian, kiến trúc sư đã thay thế một mảng tường bê tông bằng hệ thống hàng rào sắt mắt cáo, trồng cây leo tạo cảnh quan xanh mát. 

Ngôi nhà về đêm trở nên lung linh. 

Theo vnexpress.net