Thứ 6, 19/04/2024, 17:27[GMT+7]

Tùy, nhỏ, thực, gián… trong kiến trúc Việt

Chủ nhật, 12/03/2023 | 21:24:45
1,340 lượt xem
Sau nhiều năm học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, kiến trúc sư Vũ Hiệp chọn cách quay về Việt Nam, lặn thật sâu trong đời sống mỹ thuật, kiến trúc Việt Nam, nỗ lực lấp dần đầy khoảng trống về lý luận ở mảng này.

“Sự kiến tạo các nền nghệ thuật”là công trình nghiên cứu mới nhất vừa ra mắt của kiến trúc sư Vũ Hiệp bàn trực tiếp đến cá tính nghệ thuật Việt Nam. Nhân dịp này, anh chia sẻ với phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng – Cuối tháng những nét khái quát về cá tính kiến trúc Việt bằng lối tư duy hiện đại, khách quan và sự tinh tế của ngôn ngữ phê bình… 

Kiến trúc sư Vũ Hiệp.

- Anh có thể giúp độc giả nhận diện một cách trúng nhất những nét cá tính của kiến trúc Việt?

+ Kiến trúc chỉ là bộ phận hài hòa trong tổng thể một nền nghệ thuật. Nghệ thuật được tạo ra đâu phải cất trong hòm khóa kĩ, mà đặt giữa dòng đời để tiếp chuyện với khách thập phương. Nghệ thuật kiến trúc của Việt Nam không hẳn là tri thức hay sáng tạo mà chính là trải nghiệm về cuộc sống thực. Nó khiến con người nhận ra cái đang tồn tại trong mình, chứ không phải sự tự hào "tôi đã là" hay ước vọng "tôi sẽ là"… Trên quan điểm nhân học - tâm lý - xã hội, những cá tính kiến trúc Việt Nam có thể kể đến như: Lai, Tùy, Nhỏ, Thực, Gián, Nôm,…

- Đưa ra những khái niệm đơn âm gợi nhiều suy tưởng là cách anh chấm phá cá tính kiến trúc Việt Nam. Vậy cá tính “Tùy” ra sao, thưa anh?

+ “Tùy” ở đây là ứng biến linh hoạt, nhanh nhạy trong nhiều tình huống. Đây là một dạng tính cách khá đặc trưng của người Việt. Trong kiến trúc, ta nhận thấy sự tương đồng giữa đình với nhà gươl, nhà rông. Các không gian này có khả năng thực hiện các chức năng khác nhau như thờ cúng, hội họp, biểu diễn nghệ thuật, giáo dục, nghỉ ngơi... Ở đình, khi tế lễ ta cảm thấy linh thiêng; khi hội họp thì trang nghiêm, dân chủ; lúc hát chèo thấy vui vẻ, phóng khoáng... Tất nhiên, dùng công trình vào việc gì là “quyền” của người sử dụng. Nhưng tạo dựng được một không gian kiến trúc đa hoạt động, đa cảm xúc lại là cái tài của người thợ dân gian. Ngày nay, có thể coi Trung tâm Hội nghị Quốc gia là một "ngôi đình" hiện đại quy mô lớn, được thiết kế để phù hợp với nhiều hoạt động, từ nghi lễ quốc gia cho đến đám cưới, biểu diễn nghệ thuật...

Những khu nhà tập thể từ thời bao cấp được gắn thêm “chuồng cọp” là nét “độc đáo” của đô thị Việt Nam.

Cá tính “Tùy” còn được thể hiện trong văn hóa đô thị Việt Nam. Đó là những ngôi nhà mặt phố vừa là không gian ở cho gia đình, vừa có cửa hiệu buôn bán ở tầng trệt.

- Anh định danh “Nhỏ” cũng là một cá tính kiến trúc Việt Nam?

+ Đỉnh cao nghệ thuật kiến trúc của Việt Nam nằm ở những tác phẩm vừa và nhỏ. Ông cha ta tìm niềm cảm hứng bất tận ở những chi tiết chạm khắc nhỏ nhắn, tinh tế trên vì kèo. Kiến trúc đương đại Việt Nam hiện cũng đang thành công với với những công trình vừa và nhỏ. Chúng ta cũng có nhiều dự án quy mô lớn, nhiều tòa nhà siêu cao tầng nhưng phần lớn chúng được thiết kế bởi các kiến trúc sư “ngoại” rồi được “gia công” bởi các kiến trúc sư “nội”. Thiết kế một công trình lớn đòi hỏi tư duy vượt trội về mặt tổ chức, quản lý, khoa học kĩ thuật, thống nhất từ tổng thể chi tiết, điều mà hiếm có kiến trúc sư nước ta hiện nay đảm trách được theo trình độ chuẩn quốc tế. Hy vọng trong quá trình hội nhập thế giới, họ sẽ có khả năng tri giác ngày càng tốt hơn cả cái nhỏ và cái lớn.

- Có nhận định rằng người Việt đôi khi cũng mơ mộng, nhưng không phải là người theo đuổi tận cùng giấc mơ.

+ “Thực” ở đây nghĩa là tri giác dựa trên cái cụ thể, cái chân thực. Kiến trúc của người Việt Nam phô bày vẻ đẹp thô mộc, chân xác. Dễ bắt gặp trong nhà tường trình của người Dao Tiền, Hà Nhì, Mông; nhà đá ong ở Sơn Tây, nhà gỗ, nhà tre của các dân tộc Tây Nguyên, Việt, Chăm thể hiện tính thuần chỉ, chân thực của kết cấu, vật liệu. Trong khi đó, kiến trúc gỗ của Trung Quốc, Nhật Bản thường phủ sơn, che kết cấu mái bằng trần giả.

Quan niệm về kiến trúc của người Việt về cơ bản có tính thực dụng, cụ thể. Cũng bởi tính cách này mà một bộ phận người dân dần lấn chiếm đất, khiến cho hầu hết các công trình công cộng di sản trong đô thị bị teo nhỏ, không còn vẻ đẹp cảnh quan như nguyên bản. Người Việt Nam ít để ý đến vẻ đẹp tổng thể nên không chăm chút, gìn giữ không gian kiến trúc xung quanh công trình. Nếu có điều kiện là “cơi nới”, “nhảy dù”. Những khu nhà tập thể từ thời bao cấp nay được gắn thêm “chuồng cọp” trông rất luộm thuộm. Tuy thế, đó cũng là nét độc đáo riêng của đô thị Việt Nam.

- Tôi hiểu “Gián” tức là gián tiếp, không trực tiếp, là ngăn cách, làm mềm ranh giới. Không biết có đúng không?

+ Trong kiến trúc truyền thống, người xưa rất hạn chế để tuyến giao thông chiếu thẳng vào chính giữa công trình. Thay vào đó sẽ sử dụng bích lập, hồ nước, bình phong, vừa thể hiện sự tôn nghiêm, vừa dàn trải cái “tôi” của người xem và của chính công trình.

Không chỉ ngoại thất, tính “gián” cũng xuất hiện trong nội thất ngôi nhà. Thời kì trước, hiên nhà thường có tấm giại - một bộ phận che nắng vừa tạo không gian đệm nửa đóng nửa mở ở hiên. Tiếp đến là ngưỡng, cấu kiện có nhiệm vụ giằng các cột nhưng cũng khiến người ta phải chậm lại, thận trọng nhấc chân khi bước vào gian nhà, tránh vấp ngã. Sau đó còn có các bộ phận khác cũng có tác dụng “ngăn trở”, phân chia các vùng không gian như bình phong, ngưỡng buồng… Nói chung sự thay đổi không gian trong kiến trúc truyền thống luôn có dấu hiệu nhận biết dù rất nhẹ nhàng, đủ để nhắc nhở con người cần ứng xử một cách khéo léo, giữ mình giữ người.

Tấm giại - một bộ phận che nắng vừa tạo không gian đệm nửa đóng nửa mở ở hiên nhà.

- Bởi sự mộc mạc, thông tục mà có lẽ lối kiến trúc có tính “Nôm” phổ biến trong kiến trúc Việt?

+ Kiến trúc cảnh quan nông thôn Việt Nam không theo quy tắc nghiêm ngặt mà chỉ cần đảm bảo rìa làng có lũy tre để bảo vệ cộng đồng; có cây đa, bến nước, mái đình để tạo điểm nhấn ở không gian trung tâm của làng; đường ngõ có hàng rào quanh co. Trong vườn nhà thì “trước cau sau chuối”. Tức là trước nhà cần thoáng, đón gió mát nên trồng cau, sau nhà chắn gió lạnh nên trồng chuối. Trong vườn sẽ không có những cây dáng đẹp, tảng đá to hoặc rải sỏi sạch sẽ như vườn của người Trung Quốc, Nhật Bản. Thay vào đó là những loại cây bình dị, phổ biến nhưng hữu ích như chè, bưởi, chuối,…

Tính Nôm thể hiện rất rõ ở cảnh quan đô thị Việt Nam. Ta ít bắt gặp hình ảnh phố xá sạch sẽ, nhà cửa nghiêm trang, quần áo gọn gàng như ở Tokyo của Nhật Bản hay New York của Mỹ. Thay vào đó là những mặt tiền nhấp nhô đủ phong cách, dây điện chằng chịt, gánh hàng rong kĩu kịt, xe máy len lỏi khắp nơi. Điều đó không phải vì đô thị Việt Nam thiếu văn minh, mà bởi cư dân không hướng tới sự trang trọng, chỉn chu. Họ thích thả lỏng mình trong cái bừa bộn, tùy tiện. Hạnh phúc của họ là ở sự thoải mái, tiện lợi khi ngồi nhâm nhi cốc trà đá hoặc ăn bát bún vỉa hè thay vì ngồi trong một không gian trang trọng, trật tự. Theo tôi, một đô thị văn minh đích thực phải là một đô thị phù hợp với tâm lý người dân, chứ không phải là những hình ảnh theo tiêu chuẩn theo một nền văn minh kiểu mẫu nào đó.

- Anh có vẻ rất sòng phẳng khi chỉ ra những ưu nhược điểm trong cá tính kiến trúc của dân tộc mình?

+ Trong tâm thế chủ động hội nhập thế giới, chúng ta cần được trang bị những nền tảng lý luận vững chắc để có thể bảo tồn và phát huy những đặc tính nghệ thuật trong đó có kiến trúc mà cha ông truyền lại, có cả những nét tích cực và chưa tích cực. Tính cách nào cũng có cái hay, cái dở tùy vào hoàn cảnh, nhưng bản sắc nghệ thuật phải vượt qua định kiến đó, tìm về cái gốc tâm lý con người, khẳng định phẩm giá nghệ thuật đặc sắc của dân tộc. Từ đó, chúng ta mới tự tin sáng tạo cái mới mẻ, tiến bộ, được nuôi dưỡng trong chính cuộc sống bình dị của chúng ta.

Theo cand.com.vn