Hình tượng rồng trong nghệ thuật điêu khắc ở chùa Keo
Ngôi chùa được hoàn thành xây dựng vào năm Nhâm Thân (1632) niên hiệu Đức Long thứ 4 đời vua Lê Thần Tông. Du khách thập phương về chiêm bái lễ Phật Thánh tại chùa Keo cảm nhận đây là một quần thể kiến trúc đặc sắc với khuôn viên xanh gồm nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát. Chùa Phật cùng tòa Thánh và gác chuông vươn cao như đài sen in bóng lung linh xuống mặt hồ. Ba hồ rộng tựa như chữ Phẩm cùng đường Thần đạo chạy thẳng hướng ra sông Hồng phía Nam tạo thành công trình rất đăng đối.
Với kiến trúc hai tòa tam quan nội và ngoại đã tạo điểm nhấn khác biệt của chùa Keo so với nhiều ngôi chùa Việt. Điều rất ấn tượng với du khách, cùng kiến trúc đặc sắc chùa Keo còn lưu giữ nhiều hiện vật với phong cách mỹ thuật từ thời Lê đến thời Nguyễn. Đặc biệt có tượng Thiền sư Không Lộ bằng gỗ trầm hương đang tôn thờ cung thượng điện. Theo người xưa truyền lại, pho tượng này được tạc ngay khi Thiền sư viên tịch (thế kỷ XI) đã bảo quản bằng phương pháp truyền thống với nghi lễ mộc dục và điểm trang có từ mấy trăm năm qua. Ngay tại cửa chính của Tam quan nội là bức chạm rồng với hai rồng chầu mặt nguyệt cùng cách điệu rồng con và nghê vờn ẩn hiện trong lớp mây hình mác tựa ngọn lửa - một hình thức tiêu biểu của mỹ thuật chạm khắc thời hậu Lê. Trong kiến trúc đình chùa Việt, hình tượng rồng rất đỗi quen thuộc. Qua mỗi triều đại khác nhau, hình dáng rồng cũng được thể hiện với những nét đặc trưng riêng biệt. Thời Lý, dáng rồng mềm mại uyển chuyển. Thời Trần, rồng khỏe khoắn dáng thăng giáng vờn mây. Thời Lê, bờm râu có thể bện lại vảy móng vuốt chạm rõ nổi bật, đặc biệt vân mây mũi mác tựa như lửa cháy rực, thân rồng uốn khúc ẩn hiện xa gần. Bức chạm rồng tam quan nội chùa Keo đã trở thành tác phẩm chạm đặc sắc thời hậu Lê. Bức chạm rồng phục chế (năm 1991), hiện nay đang được an vị tại tam quan chùa Keo. Bức chạm nguyên bản thế kỷ XVII được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội. Tại khu đền Thánh tôn thờ Thiền sư Không Lộ ở chùa Keo, một bảo vật quốc gia đã được công nhận đó là: nhang án chùa Keo - thế kỷ XVII. Nhang án do cụ Vũ Khả Vy chạm khắc với kỹ thuật cực kì tinh xảo. Bốn mặt nhang án chạm rồng với đường nét tinh vi diễn tả vây rồng móng vuốt từng chi tiết. Phần chạm lộng đục xuyên tạo dáng rồng uốn lượn rất sống động. Nhiều ô đặc tả mặt rồng chạy bao quanh nhang án. Phần chạm này các cụ xưa chạm thành nhiều lớp trên dưới. Người xem chỉ cần nhìn nghiêng với góc độ khác nhau là cảm nhận được tác phẩm có độ nổi của thân rồng. Phần trên của nhang án cách điệu nhiều cánh sen đua nở như đang dâng hương thơm ngát phụng thờ chốn linh thiêng. Bốn chân quỳ của nhang án đặt trên hệ thống khung với bốn bánh xe giúp di chuyển nhang án dễ dàng cũng như tạo độ cao hợp lý tránh ẩm thấp khi thời tiết xấu. Nơi tôn trí nhang án có hai giếng non bộ nằm ở hai bên đông và tây. Phần kết cấu chấn song tạo khác biệt. Vào lúc sáng và chiều, ánh nắng mặt trời phản xạ qua mặt nước non bộ hắt vào qua chấn song tạo sự huyền ảo càng làm cho ánh sơn thiếp thêm long lanh hơn. Các cụ xưa kể lại, để hoàn thành sơn thiếp cho nhang án phải trải qua rất nhiều công đoạn. Sơn ta được lắng đọng sáu tháng rồi trộn lớp sơn ưng ý qua quá trình làm khuấy đều thêm đất phù sa để hom bó. Tiếp tục lại mài nhẵn nhiều lần lại sơn tiếp. Vì nhang án chạm rồng rất tinh xảo nên công việc sơn cũng rất kỳ công. Qua đợt sơn cầm tiếp đến thiếp vàng bạc. Tính đến nay gần 400 năm, nhang án cổ chùa Keo vẫn còn lớp sơn nguyên bản trường tồn cùng thời gian.
Trong văn hóa phương Đông, hình tượng rồng rất đỗi quen thuộc. Rồng tượng trưng cho quyền uy vua chúa, từ long bào, long ấn, long sàng... đều có hình rồng hiện diện. Nơi thờ tự đình chùa... rồng cũng được nghệ nhân xưa tạo tác. Với thuyết: Long sinh cửu tử, hình tượng rồng đã có biến đổi so với rồng mẹ. Theo Thục viên tạp kí - chín đứa con của rồng lại được gắn với nhiều hình tượng khác nhau, thậm chí tên gọi cũng có thể khác nhau. Tù Ngưu thân rồng hay trang trí ở nhạc cụ - vì chúng thích nghe nhạc. Nhai Tí thân rồng đầu sói trang trí ở chuôi kiếm vũ khí. Trào Phong giống phượng hoàng hay ở cột trụ biểu. Bồ Lao hay đầu rồng trên quai chuông. Toan Nghê đầu rồng thân sư tử trên mái đình chùa hay trang trí chầu cổng cửa. Bí Hí thân rùa đầu rồng đội bia. Bệ Ngạn, Bá Hạ đầu rồng thân cá chép. Xi Vẫn hay Li Vẫn giống cá hay còn gọi là con kìm nóc - loại thích nước phun mưa. Qua khảo cứu tại chùa Keo, ngoài hình tượng rồng chạm khắc trên gỗ như cánh cửa, nhang án, đồ thờ thì các bia đá tiêu biểu như: Thần Quang tự bi (1632), Trùng tu Thần Quang tự bi đại pháp sư (1609). Thần Quang tự bi (1698) hình tượng rồng rất phong phú. Bia 1632 phần trán bia là đầu rồng, hai cạnh bia được chạm thân rồng - một kiểu bia đặc biệt thời Lê. Trên nóc chùa Phật, chùa Giá roi và đền Thánh chùa Keo và hệ thống tàu đao được nghệ nhân xưa đắp hình tượng con của rồng rất đẹp. Những chú nghê sống động. Xi Vẫn đầu rồng thân cá chép ôm kìm bờ nóc, phần đuôi cá như đang vẫy vùng tạo dáng. Trên bờ nóc đền Thánh hơi cong mềm mại là hoa văn hoa chanh rỗng cùng Xi Vẫn đuôi cuộn tròn uyển chuyển. Phần kiến trúc phía dưới là rất nhiều con sơn nội ngoại chạm rồng nhiều dáng vẻ. Có rồng thăng giáng quấn quanh con sơn, có rồng ẩn hiện trong mây đầu đội vào đấu bẩy. Du khách thán phục tài năng người xưa, mỗi con sơn là hình tượng khác nhau, thật đúng là sự sáng tạo vô cùng phong phú. Bước lên cầu thang của gác chuông chùa Keo, luồng ánh sáng tự nhiên qua cửa thông phong làm nổi bật những quả chuông đồng được treo chính giữa ở mỗi tầng. Chuông to nhất đúc năm Chính Hòa 19 - năm Mậu Dần 1698. Trên chuông có bài minh do Tiến sĩ khoa Đinh Sửu đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân Đỗ Viết Hồ (quê Thanh Hóa) soạn. Phần quai của ba quả chuông là Bồ Lao chuông - hình dáng thân rồng hai đầu với phần chân có móng vuốt “nắm” chặt đỉnh chuông, thân Bồ Lao uốn cong để thanh treo chuông luồn qua. Cả thân Bồ Lao như “gồng” lên chịu sức nặng quả chuông nhưng khuôn mặt vẫn tươi tắn như đang cười. Thời điểm giao thừa đón năm mới, chuông chùa Keo lại được thỉnh để nghinh xuân tiếp phúc cầu quốc thái dân an. Tiếng chuông tỉnh thức vang vọng khắp thinh không - thân Bồ Lao lại rung nhẹ nối mạch nguồn muôn thuở.
Quý khách về với chùa Keo lễ Phật chiêm ngưỡng di tích quốc gia đặc biệt và cùng cảm nhận di sản ngàn xưa để lại với những bảo vật hiện hữu như nhang án, tượng pháp, đồ tế khí, bia đá chuông đồng... cùng di sản văn hóa phi vật thể lễ hội nghi thức tế lễ… Những giá trị mỹ thuật truyền thống qua hình tượng rồng vẫn còn mãi nơi đây.
Nguyễn Thuyên
(Vũ Thư)
Tin cùng chuyên mục
- Kiến trúc độc đáo của cung điện gió gần 1.000 cửa sổ làm mát như điều hòa 08.04.2024 | 08:25 AM
- Nhà cấp 4 như mang cả bầu trời vào không gian nhờ cách thiết kế đơn giản 06.02.2023 | 15:06 PM
- Căn hộ Sài Gòn xóa tan cảm giác chung cư 25.04.2022 | 09:24 AM
- Chùa Bút Tháp - Kiến trúc cổ độc đáo vùng Kinh Bắc 19.07.2021 | 08:34 AM
- Độc đáo với nhà mang phong cách quán xá phố cổ Hội An 16.07.2021 | 14:56 PM
- Ngỡ ngàng với nhà mái bằng gác lửng có bể bơi trong nhà 15.07.2021 | 10:38 AM
- Căn nhà cấp 4 tuyệt đẹp với chi phí 850 triệu đồng. 15.07.2021 | 09:33 AM
- Ngôi nhà nhỏ sử dụng các vật liệu đơn giản, gần gũi tạo nên vẻ thân thiện, mộc mạc cho không gian sống. 13.07.2021 | 18:02 PM
- Độc đáo nhà gác xép bằng khung thép đặc biệt ở Đà Nẵng 13.07.2021 | 08:15 AM
- Ngẩn ngơ trước khu vườn bí mật trong ngôi nhà màu trắng ở Hải Phòng 12.07.2021 | 17:41 PM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất thông qua 11 nghị quyết
- Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thăm, chúc tết tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026
- Gặp mặt chức sắc đại diện các tôn giáo xuân Ất Tỵ năm 2025
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh: Gặp mặt và chúc tết các doanh nghiệp nhân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Đổi mới, sáng tạo trong hành động với tinh thần “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tinh gọn hiệu quả, tăng tốc bứt phá”
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng, người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Thái Bình