RỰC RỠ KIẾN TRÚC CỔ GIỮA MIỀN QUÊ LÚA KỲ I: TÒA NGANG, DÃY DỌC MỘT THỜI HÙNG OAI
Cong vút mái đao Ảnh: Quang Viện
Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" đã khái quát diện mạo nước ta thời đó: "nhân dân quá nửa làm sãi, trong nước chỗ nào cũng có chùa". Tự nhiên không ban tặng cho Thái Bình nguồn tài nguyên để làm giàu, nhưng "tạo hóa" trao cho con người nơi đây bản lĩnh phi thường, chất sống giàu tình cảm.
Tòa Đại bái Đền Tiên La
Trải nghìn năm chống chọi giặc dã thiên tai, giữ đất, mở làng, những thế hệ tiền bối ở Thái Bình đã để lại cho con cháu hậu thế những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá, đáng kể đến là những chùa chiền, miếu mạo, trong đó còn lưu giữ nguồn sử liệu vô giá. Ngược dòng lịch sử, vào triều đại nhà Trần, đạo Phật được coi là quốc đạo nên vấn đề "tông miếu - xã tắc" luôn được coi trọng.
Thái Đường - Tiến Đức (Hưng Hà) là nơi được chọn để xây tông miếu nhà Trần, địa linh nơi đây phát tích đã hun đúc lên nguyên khí nhà Trần - một triều đại phong kiến phát triển rực rỡ trong lịch sử, ba lần phá tan đội quân Nguyên Mông tàn bạo, giữ yên bờ cõi. Chính sử còn ghi đại ý là: Quân Nguyên - Mông hung tàn đã nhiều lần tìm đến tông miếu Thái Đường đào bới, đập phá nhằm cắt đứt nguồn nguyên khí của vương triều.
Ảnh: Quang Viện
Chúng đã tàn phá không chút gợn lòng trắc ẩn đối với các công trình kiến trúc lăng tẩm Trần triều và chúng cũng đã gánh chịu đòn trừng phạt quyết liệt của nhân dân Đại Việt, âu cũng là quả báo. Hình ảnh mái đao với những nét phù điêu chạm khắc tinh xảo luôn là niềm tự hào của người dân Thái Bình. Năm Mậu Tý (1288), vua Trần Nhân Tông và Thượng Hoàng đã về phủ Long Hưng, đem theo bọn tướng tá giặc đã bắt được như Tích Lệ Cơ, Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Đường Ngột Đãi, Mai Thế Anh, Sầm Đoạn, A Thai, Điền nguyên soái v.v.. để hiến tiệp trước bàn thờ của vua Trần Thái Tông, người anh hùng của cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1258.
Đứng trước tòa lăng của người ông anh hùng mà quân giặc đã đào bới, tàn phá man rợ hòng xóa đi dấu tích linh thiêng tông miếu nhà Trần oai hùng, đến nỗi mấy con ngựa đá (linh vật coi sóc tông miếu) cũng phải nghiêng ngả lấm bùn. Vị Hoàng đế anh hùng, nhà quân sự thiên tài Trần Nhân Tông không ngăn nổi xúc cảm đã thốt lên hai câu thơ, mãi mãi thể hiện tấm lòng nhân hậu ngay cả với vật vô tri (như ngựa đá) của một con người vừa ra khỏi khói lửa của chiến tranh, cùng niềm tin mãnh liệt vào sự trường tồn vĩnh viễn của dân tộc:
Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu
( Đất nước hai phen chồn ngựa đá
Giang sơn một thủa vững âu vàng)
Xem thế cũng đủ biết, các bậc vương triều đều rất coi trọng đời sống tâm linh, tông tổ và cũng vì thế mà diện mạo kiến trúc cổ ở Thái Bình phát triển rực rỡ. Không chỉ có công sức mà người dân và vương triều thời đó cũng dồn nhiều tiền bạc xây dựng chùa chiền, tạo dựng những kiến trúc độc đáo, dãy ngang, dãy dọc, hành cung, lăng tẩm, tầng tầng, lớp lớp, lầu son, gác tía...thể hiện ý thức tự chủ, tự cường, chống lại thế lực đồng hóa nham hiểm phương bắc.
Ảnh: Quang Viện
Nhìn vào các di khảo còn sót lại trong quá trình tìm kiếm khảo sát các di chỉ ở Hưng Hà, các mô hình kiến trúc đất nung trong những ngôi mộ cổ thời Trần chúng ta cũng có thể hình dung ra hệ thống lăng tẩm, cung điện nguy nga tráng lệ với phong cách mái đao, guột, lòng thuyền, tứ trụ, đỉnh tâm đại bờ, lắp ghép những đôi rồng lực lưỡng...in dấu một thời vàng son.
Dẫu còn sót lại ít ỏi, nhưng những tác phẩm điêu khắc mang đủ phong cách mềm mại, dẻo dai của thời Lý, cứng rắn và vững chãi của thời Trần, hòa quyện với màu xanh cây lá, sông nước...đã thể hiện sức mạnh quật khởi của vương triều đương đại. Đồng thời thể hiện sự sáng tạo của những nghệ nhân Thái Bình. Những ngôi đình, chùa, đền, miếu ở Thái Bình hầu hết đều được xây dựng theo những công thức nhất định theo chữ "nhất", chữ "nhị", chữ "tam", chữ "vương", chữ "đinh", chữ "công", hoặc "nội công ngoại quốc".
Ảnh: Quang Viện
Hiện tại loại "nội công ngoại quốc" thường đã bị đổ nát hoặc bị thu hẹp qua các lần trùng tu. Theo các tài liệu còn lưu trữ, ngôi đình có niên đại xây dựng sớm nhất Thái Bình có thể là Đình An Cố xã Thụy An - Thái Thụy. Ngọc phả của đình kể rằng: Trung quân Lỵ quốc công Nguyễn Thế Ân, người làng An Cố được nhà Mạc ban thưởng do có công lao lớn, đã đứng ra xin triều đình xây một ngôi đình cho quê mình.
Ảnh: Quang Viện
Lúc đầu, đình xây dựng có 7 gian, gọi là tòa đại đình, sau đó ít lâu, đình được bổ sung thêm 9 gian tiền tế, hàng chục gian nằm hai bên sân đình dành cho 8 giáp trong làng khi vào bội. Xung quanh đình có tường xây vây bọc và có tắc môn, trụ biểu, tường hoa trên diện tích đất khá rộng.
Đình xây dựng theo lối kiến trúc "tàu đao, lá mái" trông rất đồ sộ nhưng vững chãi, trài dài tới 26 mét, rộng lòng 10 mét. Bốn góc, tàu mái cong vút lên trời cao xanh như mơ ước của con người nơi đây muốn bay vút lên trời cao. Độc đáo hơn, đình xây dựng không cần làm móng. Tất cả tường, mái, nóc có trọng lượng hàng trăm tấn đè nén lên những hàng cột lim to hàng vài người ôm, dưới cột là đá tảng, được liên kết, giằng dọc, giằng ngang bằng các bẩy, câu đầu...
Có tới hàng ngàn chi tiết toàn bằng gỗ được lắp ghép công phu, tỷ mỉ và vừa khít tạo nên một hệ thống khung vững chắc. Nếu quan sát kỹ, chúng ta có thể nhận thấy các kiến trúc tôn giáo thường quay về hướng nam hay đông nam mát mẻ. Tuy nhiên, nhiều ngôi đình lại quay về hướng tây, rất có thể là do đòi hỏi chống ẩm của kiến trúc vì buổi chiều đón được ánh nắng mặt trời chiếu rọi vào, khiến đình luôn khô ráo.
Tiêu biểu trong kiến trúc đình ở Thái Bình được xây dựng vào thời Lê là: Đình Phất Lộc (Thái Giang); Hậu Trữ (Thụy Duyên - Thái Thụy); Duyên Lãng (Minh Hòa - Hưng Hà); đình Đông (Quang Bình - Kiến Xương)...Vào thời Lê, do chính sách ưu đãi với Phật giáo mà hàng loạt chùa chiền ở Thái Bình được trùng tu, phục dựng.
KỲ II: LÒNG NHÂN, NỀN KIẾN TRÚC
Bài và ảnh: LÊ QUANG VIỆN
Tin cùng chuyên mục
- Kiến trúc độc đáo của cung điện gió gần 1.000 cửa sổ làm mát như điều hòa 08.04.2024 | 08:25 AM
- Nhà cấp 4 như mang cả bầu trời vào không gian nhờ cách thiết kế đơn giản 06.02.2023 | 15:06 PM
- Căn hộ Sài Gòn xóa tan cảm giác chung cư 25.04.2022 | 09:24 AM
- Chùa Bút Tháp - Kiến trúc cổ độc đáo vùng Kinh Bắc 19.07.2021 | 08:34 AM
- Độc đáo với nhà mang phong cách quán xá phố cổ Hội An 16.07.2021 | 14:56 PM
- Ngỡ ngàng với nhà mái bằng gác lửng có bể bơi trong nhà 15.07.2021 | 10:38 AM
- Căn nhà cấp 4 tuyệt đẹp với chi phí 850 triệu đồng. 15.07.2021 | 09:33 AM
- Ngôi nhà nhỏ sử dụng các vật liệu đơn giản, gần gũi tạo nên vẻ thân thiện, mộc mạc cho không gian sống. 13.07.2021 | 18:02 PM
- Độc đáo nhà gác xép bằng khung thép đặc biệt ở Đà Nẵng 13.07.2021 | 08:15 AM
- Ngẩn ngơ trước khu vườn bí mật trong ngôi nhà màu trắng ở Hải Phòng 12.07.2021 | 17:41 PM
Xem tin theo ngày
-
Đặc sắc chương trình nghệ thuật kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và chào mừng hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình
- Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến thăm làm việc tại phường Phố Hiến
- Công bố nghị quyết, quyết định của Trung ương, địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và kết thúc hoạt động cấp huyện
- Báo Thái Bình - Một hành trình với những mốc son lịch sử
- Thư tòa soạn
- Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh về công tác tổ chức, cán bộ
- Khởi công dự án nhà máy đốt chất thải rắn phát điện công nghệ hiện đại tại xã Thụy Trình
- Khởi công dự án đầu tư xây dựng sân golf Cồn Vành và dự án đầu tư xây dựng khu bến cảng hàng lỏng Ba Lạt
- Việt Nam nâng tầm vị thế tại Hội nghị quốc tế về biển và đại dương
- Hội thảo khoa học: Đồng chí Nguyễn Văn Linh – Nhà lãnh đạo kiên định, sáng tạo của Đảng và cách mạng Việt Nam