Chủ nhật, 28/07/2024, 15:29[GMT+7]

RỰC RỠ KIẾN TRÚC CỔ GIỮA MIỀN QUÊ LÚA KỲ III: CỒN CÀO KHÁT VỌNG SỐNG

Thứ 3, 14/09/2010 | 22:52:46
3,660 lượt xem
Bên trong những ngôi đình, chùa với những kiến trúc đặc sắc, không thể không kể đến nghệ thuật điêu khắc, nét tài hoa của các nghệ nhân quê lúa.

Gác chuông chùa Keo, một tác phẩm kiến trúc độc đáo. Ảnh: Quang Viện

Lui về phía tây nam của tỉnh, ta gặp một ngôi chùa được xây dựng khá độc đáo đã từng bị lũ cuốn trôi, nhưng ngay sau đó lại được xây dựng lại vào thế kỷ XVI, đó là chùa Keo thuộc xã Duy Nhất (Vũ Thư) nay. Năm 1630, theo lời quyên góp của tín nữ Lại Thị Ngọc Lễ (vợ viên Tuấn Thọ hầu Hoàng Nhân Dũng) cùng tín chủ vương phi Trịnh Thị Ngọc Thọ, nhân dân cả nước quyên góp được hàng trăm lạng vàng, 442 quan tiền cổ, trên 100 mẫu ruộng, hàng nghìn khối gỗ quý để xây dựng lại chùa chỉ trong vòng 3 năm.

 

Bia ký chùa Phúc Thánh xã Văn Cẩm huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình còn ghi rõ quá trinh hình thành và xây dựng Chùa.

Ảnh: Quang Viện

 

Quy mô chùa gồm 21 dãy với 154 gian có đủ tam quan, nhà am, nhà bia, chùa hộ, chùa Phật, tòa giá roi, thiên hương, phục quốc...Trong chùa có tượng Quan thế âm Bồ tát quá hải đủ 12 tay, có sập chân quỳ dạ cá, có quỷ đội tòa sen. Tượng Tuyết sơn với vầng trán rộng, đôi môi mỏng chứng tỏ tài thuyết pháp, mắt sáng rực như nhìn thấu vạn vật, tai to dài phúc hậu...Tỷ lệ chính xác đúng như nhân chủng, ngồi trên một đỉnh núi có mây vờn, có băng tan, nước chảy thể hiện bước đường tu luyện khổ hạnh để được giải thoát cõi bụi trần tu hành đắc đạo. Chùa Keo tọa lạc trên diện tích 57.000m2, kéo dài hơn 300m, rộng 125m, bố trí theo kiểu "tiền Phật, hậu Thần". Gác chuông chùa Keo là một tác phẩm kiến trúc độc đáo, gồm 3 tầng, mái cong hoàn toàn làm bằng gỗ, mái lợp ngói , cao tới 11,5 mét, nhìn xa lại, gác chuông như một đài hoa trong màu xanh mướt mắt của cây xanh cổ thụ và đồng lúa mênh mang...

 

Bức Trâm chạm khắc chữ vàng trong Đền Lưu Xá, xã Canh Tân huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình.

Ảnh: Quang Viện

 

Khoảng thế kỷ thứ IX - XX, phía bắc tỉnh nhà có chùa Báo quốc, đền Lưu Xá thuộc xã Canh Tân (Hưng Hà). Tương truyền chùa Báo Quốc do anh em "nhị vị Thái phó" Lưu Đàm, Lưu Ba dựng lên để báo đáp ơn Vua. Đền Lưu Xá có quy mô tương đối lớn, kiến trúc theo kiểu "tiền nhất, hậu đinh"  trên thổ đất cao nhất làng. Đền có tòa tắc môn lộng lẫy với những trụ biểu hình bút tháp. Sân đền có cây si cổ thụ thân rễ gân guốc oằn mình chống lại sự xâm thực của thời gian. Tòa tiền tế 5 gian xây theo lối "hồi văn cách bản", đại bờ đắp hoa chanh, cấu trúc nội thất "lòng thuyền tứ trụ".

 

Những viên gạch xây Cửu tháp, thời Lý được nhân dân đào được là một chứng tích cho nền kiến trúc sớm phát triển rực rỡ ở vùng quê lúa nước Thái Bình.

Ảnh: Quang Viện

 

Các vì kèo làm theo kiểu chồng rương, chạm trổ tứ linh tinh xảo. Có tòa điện trung tế, hậu cung và cấm cung. Các vì kèo kiểu "thượng chồng rương, hạ chắp mảng" theo lối tứ quý, tứ linh các nghé đỡ, đấu hoa văn dây lá và đầu rồng uy linh. Chùa Báo Quốc kiến trúc theo lối " hồi văn cách bản", có 3 gian trụ nối với chuôi vồ làm bàn thờ Phật. Trong chùa còn lưu giữ quả chuông có khắc bài văn vào năm Cảnh Thịnh thứ 6 (1798) ca ngợi vẻ đẹp non sông gấm vóc. Tại đền Lưu Xá còn lưu giữ được bài thơ Ngự chế của Vua Lê Hiến Tông có tên: Đề Báo quốc tự ( 1498 - 1504) và Bái đề của Phó bảng Ân khoa giữ chức Đồng tri phủ, lĩnh tri huyện huyện Diên Hà kiêm nhiếp ấn vụ huyện Hưng Nhân là Nam Xuân Trần Huy Liên. Một bài thơ khác không có tựa đề của quan nội các Hành tẩu Ân Bình Lê Quý Tiên với những lời lẽ lai láng tình thơ, nét chữ phóng khoáng phượng múa, rồng bay.

Những nét chữ hào hoa của nghệ nhân làm nên tác phẩm nghệ thuật, viên gạch này được dùng xây Miếu Hòe Thị xã Đông Tiến huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình,

Ảnh: Quang Viện

 

Trong đền còn nhiều câu đối của các vị Tiến sỹ Ngô Dương Đình, Hàn lâm viện trực học sỹ Đông Bình Nguyễn Vĩnh Trai; viên Ngoại lang họ Đoàn, cử nhân Bùi Kim Linh người Thụy Đình, huyện Tiên Lữ...Trong đền Lưu Xá, những bức chạm "thông - cúc - trúc - mai" được cách điệu một cách công phu thành những con rồng dáng dữ dội mà đường bệ. Phần đầu rồng được kết bởi những cành cội do trí tưởng tượng của người nghệ nhận chạm khắc tạo ra. Tương tự như vậy, thân cây được kết thành thân rồng, lá trúc thành vuốt rồng, hoa mai trở thành những đám mây vần cuộn trôi...

 

Cảnh cũ, người xưa xa vắng chỉ còn lại những nét thâm trầm kiến trúc như gửi gắm tình cảm chứa chan. Năm 1285, khi hộ giá rút quân chiến lược của vua Trần ra khỏi kinh thành Thăng Long, Thượng tướng Thái sư Nhà Trần đã cập bến đò Lưu Xá. Bâng khuâng cảnh quê chôn nhau, cắt rốn, Thái sư đã đề thơ:

" Cửu tháp, giang đình thu thủy thượng

Hoang từ, cổ chủng thạch lân tiền..."

Bên trong những ngôi đình, chùa với những kiến trúc đặc sắc, không thể không kể đến nghệ thuật điêu khắc, nét tài hoa của các nghệ nhân quê lúa. Ở Miếu Hai Thôn có tám cỗ nghỉ và long luyện được chạm thủng rất công phu, cảnh những con rồng chầu, rồng leo trên con song, cách điệu thành cây trúc, những cụm lá kết lại thành móng vuốt, rực lên như mây, như lửa bốc.

Những mái ngói xô nghiêng, ngào ngạt hương hoa Đại cũng là một chứng nhân lịch sử cho nền kiến trúc cổ phát triển rực rỡ.

Ảnh: Quang Viện

 

Cách thành phố Thái Bình khoảng 7km, xã Đông Xuân (Đông Hưng) có ngôi chùa Ký Con, trong chùa có cụm tượng có niên đại từ thế kỷ XVII - XVIII, mỗi pho một nét riêng, không pho nào giống pho nào. 18 pho tượng "thập bát vị La Hán" đặc sắc, pho thì nghiêm nghị, pho thì đôn hậu, có pho thì khắc khổ, pho thì phè phỡn...Nghệ thuật điêu khắc cũng thể hiện rõ giá trị nhân văn của người thợ miền quê lúa, đại diện tiêu biểu cho ý thức hệ trong đó đại đa số là người dân hai sương, một nắng. Bằng chứng còn lưu lại trên cánh cửa tam quan nội chùa Keo, cánh cửa chính chùa Bồng Tiên (Vũ Thư), nét chạm khắc ở sập đá chùa Đức Long (Tân Hòa); đâu đâu cũng nhìn thấy những dáng rồng (biểu tượng của vua chúa) phải khoác áo lửa hoặc chìm ngập trong lửa. Những ngọn lửa bốc lên hừng hực như muốn nuốt trôi thế lực áp bức. Lửa túa lên như những ngọn giáo mác, gợi cho người xem hậu thế thấy rõ quá khứ một thời binh đao khói lửa, giành giật quyền lực.

Dáng Nghê, biểu hiện của sự ung dung, tự tại và niềm tin sắt đá vào ý chí tự tôn dân tộc.

Ảnh: Quang Viện

 

Sự giằng co thế lực giữa các thế lực trị vì phong kiến Lê - Mạc; Trịnh - Nguyễn...Đồng thời tái hiện các cuộc nổi dậy của người dân đoàn kết đứng lên lật đổ ách phong kiến thối nát. Chế độ phong kiến suy tàn, triều đình hỗn loạn, tiểu nhân nổi dậy, hạ thần nhăm nhe chiếm ngôi vị, đoạt tỉ ấn, tiểu nhân cưỡi trên đầu trượng phu...được thể hiện tinh xảo qua các tác phẩm điêu khắc như cảnh rồng, hổ giao tranh kịch liệt, chim sẻ cưỡi trên đầu đại bàng, khỉ túm râu, móc lấy ngọc quý trong miệng rồng...mô tả táo bạo đồng thời phê phán, cảnh báo chế độ phong kiến suy tàn.

(Còn nữa)

KỲ IV: BỨC THÔNG ĐIỆP GỬI CHO HẬU THẾ

 

Bài và ảnh: LÊ QUANG VIỆN

 

  • Từ khóa