Chủ nhật, 28/07/2024, 09:17[GMT+7]

RỰC RỠ KIẾN TRÚC CỔ GIỮA MIỀN QUÊ LÚA KỲ IV: BỨC THÔNG ĐIỆP GỬI CHO HẬU THẾ

Thứ 3, 14/09/2010 | 23:25:17
3,754 lượt xem
Trong tĩnh lặng hồi tưởng ta tự nhủ, không hiểu tại sao một vùng đất bốn bề sông nước, không có một hòn núi nhỏ mà lại sản sinh ra những nghệ nhân chạm khắc đá mê hồn đến vậy.

Nét đắp nổi thủ công của những nghệ nhân làng Kỳ Hội khi tạo sựng Chùa Bình Cách xã Đông Xá huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình vẫn còn đẹp mãi với thời gian. Ảnh: Quang Viện

Thái Bình xưa là những gò nổi, các vương triều chỉ coi đây là mảnh đất ven bờ cuối bãi. Nhưng, thật sửng sốt khi ta chạm tay vào chiếc sập đá chùa Diều xã Minh Hòa (Hưng Hà).

Không có một ngọn núi đá, nhưng người dân Thái Bình lại rất giỏi nghề chạm khắc đá.

Trong ảnh: Khay mực bằng đá thuộc từ đường Nguyễn Mậu Kiến (làng Động Trung huyện Kiến Xương)

Ảnh: Quang Viện

 

Trong tĩnh lặng hồi tưởng ta tự nhủ, không hiểu tại sao một vùng đất bốn bề sông nước, không có một hòn núi nhỏ mà lại sản sinh ra những nghệ nhân chạm khắc đá mê hồn đến vậy. Cả một khối đá nặng chục tấn, vô hồn được những bàn tay tài hoa chia làm ba tầng, trên mặt sập là bức chạm công phu hình tòa sen, có bông sen, gương sen. Thân sập chạm hoa văn cúc dây, vân sóng nước, dấu móc cùng đủ loại voi, nghê, rồng với dáng vóc hùng dũng, oai phong đầu ngẩng cao quay về sau thế vươn dữ dội. Bốn góc sập có bốn con linh điểu, đầu chim, mình người nâng góc trong thế trụ vững trãi.

Còn mãi với thời gian

Ảnh: Quang Viện

Trên mảnh đất "Duyên hà, Thần khê", thế kỷ thứ XIII, nhà Trần hưng nghiệp, phát tích đã không quên nguồn gốc tông tộc, Vua Trần đã chọn Thái Đường ( Hưng Nhân), Thâm Động ( Duyên Hà) làm nơi an táng những vị vua đầu triều Trần như: Thọ Lăng của Thái Tổ Trần Thừa, Chiêu Lăng của Trần Thái Tông, Dụ Lăng của Trần Thánh Tông và bốn lăng dành cho các vị Hoàng Hậu cùng thời. Nhà Trần đã cho xây dựng Hoành cung Long Hưng uy nghi, lộng lẫy, đến Vua Trần Nhân Tông khi từ kinh thành Thăng Long về bái yết tổ tông cũng không cầm nén nổi cảm xúc mà thốt lên:

Trượng vệ thiên môn túc

Y quan thất phẩm thông

( Nghi trượng oai nghiêm diễu qua ngàn cửa

Trang phục của các quan bảy phẩm thật rõ ràng)

Tao nhã, mái đao Đình luôn thể hiện khát vọng vươn lên của người dân Thái Bình.

Ảnh: Quang Viện

 

Thời gian không lặng lẽ trôi đi như người ta tưởng, trong dòng chảy ấy chất chứa bao nỗi tâm tư, sầu bi, lẻ bóng. Nhưng, những gì còn sót lại đến ngày hôm nay đã trở thành tài sản vô giá không kể xiết. Những "nghê ngậm đại bờ"; "hồi văn cách bản"; " lòng thuyền tứ trụ"; những "chồng diêm cổ các" chạm trổ tứ linh tinh xảo...không những thể hiện ý chí độc lập tự chủ, quật cường của những con người "sống ngâm da, chết ngâm xương" nơi mảnh đất bốn bề sông bể này mà còn là bức tường thành vững chắc ngăn chặn sự xâm lăng của văn hóa bắc phương nhằm đồng hóa dân tộc Việt Nam.

 

Quang cảnh chùa Bùi xã Tân Lễ huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình.

Ảnh: Quang Viện

Có thế, con cháu "các cụ" ngày hôm nay mới có có dịp được tận hưởng bản sắc đậm đà của ngàn năm để lại chứ. Và, thế hệ cháu con chúng ta sau này mới có dịp cảm tạ các bậc tiền bối bao công sức giữ gìn "quốc hồn, quốc túy" của dân tộc. Quả là như vậy, nếu ta nhìn sâu vào không gian kiến trúc còn sót lại trên đất Thái Bình, chúng ta mới nhận thấy hết giá trị văn hóa phi vật thể hàm chứa ở đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân người Thái Bình đã khiến những phiến đá lạnh lẽo, vô cảm, những trụ đá vô tri thành những bức chạm tứ linh, rồng bay, phượng múa mềm mại, gần gũi cuộc sống như những xà trụ ở đền Tiên La (Hưng Hà), hay những cỗ kiệu ba tầng sơn thếp vàng ở làng Trực Nội (Đông Xuân - Đông Hưng); làng Son (Minh Hưng - Kiến Xương); làng Phương Tảo (Xuân Hòa - Vũ Thư), Đông Hồ (Thụy Phong)...những con rồng khúc ẩn, khúc hiện vàng óng xoắn quyện khi oai phong, lúc rực lửa, có khi lại xoắn xuýt thành động Lambalaty...Trên chín tầng mây có đủ mặt các vị tam thế, adida, tuyết sơn, nam tào, bắc đẩu cùng các chư tiên, bồ tát, phật, thánh, tiên cô...tất cả áo mũ trang nghiêm, kính cẩn...

 

Những pho tượng đá đình làng Đá Tây xã An Đồng huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình được xác định là những pho tượng cổ.

Ảnh: Quang Viện

Làng Đông Hồ vẫn còn giữ được đạo sắc của vua Lê Cảnh Hưng phong bậc giáp bảng hàm tòng tứ phẩm cho nghệ nhân Bùi Huyên và ở làng Diệc (Hưng Hà) có nghệ nhân Nguyễn Thứ cũng được là Lê phong cho bậc Ất Bảng. Đó chỉ là những nghệ nhân hậu thế còn biết đến, đại diện cho hàng ngàn nghệ nhân không được nhắc đến tên, họ đều là những bậc thầy từng có công lớn lao trong việc xây dựng cung điện, đền đài ở kinh đô Thăng Long. Cụm di tích đình, đền, chùa Bình Cách (Đông Xá Đông Hưng) không rõ thời gian xây dựng, nhưng hồi đầu thế kỷ XX, công trình đã được trùng tu, tôn tạo. Lúc tôn tạo, ngoài các nhóm thợ mộc, thợ xây, ban trùng tu đặc biệt lưu ý tới những người thợ thủ công tô đắp linh vật, trang trí cho vẻ đẹp uy nghi của thiết chế.

Vẫn còn vương vấn đâu đây bước chân người xưa khi tạo dựng lên những ngôi chùa với những nét kiến trúc độc đáo của người quê lúa.

Ảnh: Quang Viện

 

Và, cũng không nhớ rõ ai là người giới thiệu, tìm đặt, chỉ biết sau đó có tốp thợ người làng Kỳ Hội ( xã Đông Hà) tới làm. Tốp thợ thuở đó tuổi đời còn khá trẻ. Họ chia ra thành hai nhóm thợ chính và phụ ngày ngày miệt mài tô đắp. Những chi tiết phù điêu hoa văn khó thể hiện như râu, vây rồng mềm mà nổi, uốn khúc uy linh được nhóm thợ đúc khuôn chỉ bằng một sợi mây. Giờ đây, trải qua bao thời gian mưa nắng, nhìn ngắm gương mặt linh vật du, khách vẫn có thể cảm nhận được triết lý phật pháp biểu hiện qua vẻ dũng mãnh, uy linh của  móng vuốt rồng, sự tự tin ở gương mặt con nghê ngậm đại bờ.

 

Có cảm tưởng đó là hình mẫu thật kết tinh lên linh vật. Thực mà hư, hư mà rất thực. Theo lời kể của cụ chùa, nguyên liệu để đắp linh vật được chế biến từ vỏ sò biển giã nhỏ, rây lấy bột mịn kết hợp với giấy dó được nghiền thành bột trộn với mật đường, bồ hóng, nước vôi. Tất cả nguyên liệu được ủ kỹ, chỉ lấy ra ít một để làm. Tương truyền, vì đắp linh vật và hoa văn trang trí đền chùa, nên những người thợ cũng phải chay tịnh. Họ không sát sinh, trước khi tiến hành đắp linh vật và còn phải kiêng "đụng chạm" với phụ nữ...

 

Nét tài hoa của người thợ Kỳ Hội lưu lại sự sáng tạo độc đáo, đắt giá trên các phù điêu ở đền, chùa Bình Cách không phải chỉ ở giá trị hồi tưởng, mà chính ở ngoài phần hoa văn đắp nổi, các nghệ nhân đã đập vỡ không biết bao nhiêu lọ độc bình quý hiếm, đĩa bát cổ lấy mảnh sành "dát" lên họa tiết. Cách "cải màu" mang đậm chất dân gian này đã tăng giá trị của phù điêu lên gấp nhiều lần. Bằng cách đó ngầm ý khẳng định tính cách đại diện, vị trí của linh vật trong thế giới tâm linh là bất biến.

 

Một câu chuyện được truyền tụng lại sau khi rỡ và trùng tu tháp chuông chùa Keo vào thế kỷ XVI, các tốp thợ trước khi rỡ tháp đã cho đánh dấu tỷ mỷ và cẩn trọng từng chi tiết của tháp, nhưng sau khi trùng tu, lắp ráp các chi tiết để trả lại vẻ nguyên vẹn của tháp chuông thì bất ngờ thay, có một tấm gỗ thừa ra. Các nghệ nhân cùng tốp thợ vắt óc suy nghĩ cố tìm ra vị trí đặt miếng gỗ, nhưng vô vọng. Cuối cùng, tấm gỗ được treo đằng sau tháp cho đến tận bây giờ. Sự hiện nguyên của tấm gỗ đó như một lời nhắc  nhở người hậu thế nên biết tôn trọng và gìn giữ những giá trị kiến trúc vô giá mà bậc tiền nhân đã hết lòng dành dụm gửi lại cho hậu thế.

Bài và ảnh: LÊ QUANG VIỆN

 

 

  • Từ khóa