Thứ 2, 25/11/2024, 00:57[GMT+7]

Hường “khùng”

Thứ 2, 17/04/2017 | 09:14:48
1,526 lượt xem
Cả một vùng đất rộng lớn chua phèn, cấy lúa không hiệu quả, bị bỏ hoang nhưng hai vợ chồng chị Đinh Thị Hường, thôn 1, xã Đô Lương (Đông Hưng) lại đứng ra thuê để sản xuất. Mọi người bảo anh chị là “khùng”, là “điên”… nhưng sau vài năm, trên chính cánh đồng hoang đó, vợ chồng chị Hường đã xây dựng được một trang trại thủy sản rộng gần 10ha với doanh thu mỗi năm trên 1 tỷ đồng.

Đổi ruộng tốt lấy ruộng xấu...

Trước đây, gia đình chị Hường chỉ có 2 sào ruộng khoán nên thời gian nông nhàn chị thường theo chồng đi phụ xây. Cái nghề “bạc như vôi” ấy, làm thì vất vả, cực nhọc nhưng công cán không đáng là bao. Thấy nghề nuôi ếch có lời, chị Hường bàn với chồng đầu tư nuôi ếch thịt. Song nước ở ao trong khu dân cư bị ô nhiễm, ếch nhà chị hay bị bệnh, rồi chết. Thấy trong xã có khu đất ruộng bị chua phèn, bà con cấy nhiều vụ mất trắng trả lại cho xã, cỏ mọc um tùm, anh chị mạnh dạn xin xã cho chuyển 2 sào ruộng của gia đình về đó, tiến hành khử chua và quy vùng, đào ao nuôi ếch. Thường thì người ta chỉ xin lấy ruộng tốt, không ai xin đổi ruộng tốt lấy ruộng xấu nên quyết định của anh chị bị người thân phản đối kịch liệt, bà con trong xã thì bảo là “khùng”, “điên”. Còn anh chị tin rằng “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.

Mít Thái Lan cũng đem lại nguồn thu đáng kể cho trang trại của chị Hường.

...không phải khùng

Do có kinh nghiệm nuôi ếch từ trước nên ngay từ vụ đầu tiên năm 2009, mấy vạn con ếch thịt anh chị nuôi lớn nhanh, béo tốt, cho thu nhập cao. Thừa thắng, chị Hường đề nghị với xã cho thuê tất cả diện tích đất bỏ hoang quanh diện tích chuyển đổi của gia đình trong vòng 20 năm với giá thuê 30kg thóc/sào/vụ để xây dựng trang trại thủy sản. Cùng với tiền tích cóp của gia đình, anh chị vay mượn thêm từ ngân hàng 400 triệu đồng, đầu tư cải tạo đất, thuê máy đào ao, đắp bờ nuôi ếch. Chị Hường cho biết: Lúc đầu ra cải tạo khu đất hoang này cũng gặp nhiều khó khăn vì thiếu người, thiếu vốn, thiếu cả kinh nghiệm, ai cũng ái ngại. Vợ chồng tôi lại động viên nhau chịu khó, vượt khổ, kinh nghiệm thì tích lũy dần trong quá trình phát triển chăn nuôi, ắt sẽ thành công.

Lúc đầu anh chị chỉ nuôi ếch và cá rô thịt nhưng sau khi đi tham quan một số trang trại thủy sản thấy họ nuôi được ếch sinh sản, anh chị cũng học hỏi rồi áp dụng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sau vài lần thất bại cũng đã thành công. Không chỉ dừng lại ở việc nuôi ếch sinh sản, chị Hường còn học được cả kinh nghiệm nuôi cá rô sinh sản. Ếch và cá rô giống của gia đình chị Hường được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh về tận trang trại mua vì chất lượng cao, làm ăn uy tín, lại được anh chị tận tình chuyển giao kỹ thuật chăm sóc. 

Anh Nguyễn Văn Hạnh, ở Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, một trong những khách hàng thường xuyên của chị Hường cho biết: Tôi lấy trứng cá rô giống của gia đình chị Hường suốt 3 năm nay, tỷ lệ nở cao trên 90%, chất lượng con giống cũng tốt hơn nhiều nơi khác. Chị Hường rất tận tình, ban đầu sang tận nhà tôi để hướng dẫn kỹ thuật ấp trứng cho nở, chăm sóc cá sau nở, giờ thì có việc gì cần gọi điện anh chị vẫn hướng dẫn tỷ mỷ.

Chị Hường cùng chồng tiêm thuốc kích thích cho cá đẻ trứng.

Để ếch và cá rô mẹ đẻ sai, con mập cung cấp cho khách hàng, chị Hường rất chú ý đến việc lựa chọn con bố mẹ. Một năm, anh chị thay con bố mẹ một lần, nhập con bố mẹ từ nước ngoài về, áp dụng đúng quy trình cho ăn, phối giống, kỹ thuật cho con mẹ đẻ trứng, ấp trứng, nuôi cá giống... Các ao cá, anh chị đánh số thứ tự, ghi chép ngày thả để làm căn cứ điều chỉnh mức độ cho cá ăn và mực nước trong ao cho cá giống phát triển ổn định, khi đến tuổi xuất bán không quá to hoặc không quá nhỏ, đồng thời tránh được bệnh do thời tiết. Chị Hường bao tiêu luôn ếch và cá rô thương phẩm cho các chủ ao theo đúng giá thị trường để cung cấp cho khách hàng ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Ngoài ếch và cá rô sinh sản, chị Hường còn nhập về các loại cá 1 - 2 ngày tuổi, chủ yếu là cá diêu hồng, sau một tháng thả nuôi thì xuất bán cho các gia đình nuôi cá lồng. Trang trại của anh chị còn tạo việc làm cho 4 lao động địa phương với mức thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng. 

Chị Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đô Lương cho biết: Chị Hường là hội viên phụ nữ dám nghĩ, dám làm đã cùng chồng mạnh dạn đầu tư nuôi thủy sản, “hồi sinh” cả một vùng đất chua trũng, bỏ hoang của xã. Đây là mô hình điển hình phát triển kinh tế hiệu quả nhờ tích tụ ruộng đất, các chị em khác cần học tập để nhân rộng.

Đến nay, gia đình chị Hường đã xây dựng thành công trang trại thủy sản rộng gần 10ha với 26 ao nuôi cá rô và ếch sinh sản, nuôi hơn chục con bò, gần chục con lợn rừng sinh sản cùng hàng trăm cây trồng quanh bờ ao như mít Thái Lan, táo, ổi, chuối... Mỗi năm, trừ chi phí, trang trại đem về cho gia đình chị Hường nguồn thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng. Chị Hường mong chính quyền xã Đô Lương thực hiện tích tụ ruộng đất để chị tiếp tục thuê mở rộng trang trại.

Thu Hiền