Thứ 7, 23/11/2024, 17:50[GMT+7]

Trường Sa - Khúc tráng ca (Bài 1)

Thứ 6, 28/04/2017 | 16:41:29
2,236 lượt xem
Mỗi đảo chìm, đảo nổi trên quần đảo Trường Sa là một viên ngọc giữa biển Đông bao la. Mỗi cán bộ, chiến sĩ nơi đây là một nốt nhạc viết nên bài ca hùng tráng về biển, đảo quê hương. Đó là cảm nhận của bất cứ ai từng một lần đến với Trường Sa thân yêu. Ra Trường Sa tác nghiệp, phóng viên Báo Thái Bình đã thực sự rung động trước vẻ đẹp của đảo, của biển, trời và con người ở nơi đây để cho ra đời những tác phẩm phản ánh sinh động về cuộc sống, công tác của những cán bộ, chiến sĩ nơi đây.

Bài 1: Thắp sáng Trường Sa

“Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển” - Câu nói ấy của Bác cách đây 56 năm nhân dịp Người đến thăm bộ đội hải quân được cán bộ, chiến sĩ Trường Sa và nhân dân cả nước luôn khắc ghi. Trường Sa hôm nay là trái tim của Tổ quốc, nơi đó ánh điện đã lung linh trên mỗi đảo chìm, đảo nổi, nhà giàn đang tỏa sáng khắp một vùng rộng lớn biển Đông.

Khi đặt chân lên đảo Đá Lớn thuộc tuyến giữa của quần đảo Trường Sa, ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là các tấm pin năng lượng mặt trời hắt những tia nắng chói chang cứ lấp lánh trên nền trời xanh ngắt. Đại tá Nguyễn Hưng, Phó Lữ đoàn trưởng quân sự, Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cho biết: Những tấm pin này vừa là vật chống nóng cho nhà ở của bộ đội, vừa hấp thu năng lượng mặt trời chuyển thành nguồn điện sáng để cán bộ, chiến sĩ học tập, huấn luyện, sinh hoạt. Đây là công trình do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tài trợ, được Lữ đoàn Công binh 131 Hải quân thi công vào tháng 5/2016. Chỉ sau 6 tháng lao động hết mình, toàn bộ công trình nhà văn hóa đa năng và hệ thống điện năng lượng mặt trời đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Đại úy Lê Xuân Hiếu, Đảo trưởng đảo Đá Lớn C chia sẻ: Bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết, ngày nắng cháy, đêm biển gào, anh em cán bộ, chiến sĩ công binh tập trung toàn lực lượng thi công không biết mệt mỏi để bảo đảm tiến độ xây dựng. Đến tháng 12/2016, ngôi nhà 3 tầng hoàn thành là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của bộ đội trên đảo, ai cũng vui mừng khôn tả. Hạnh phúc nhất là dòng điện năng lượng tái tạo tự nhiên đã thắp sáng toàn đảo giúp cho cán bộ, chiến sĩ thuận lợi trong công tác tuần tra, canh gác và từ đây đảo cũng có sóng điện thoại liên lạc với đất liền.

Những tấm pin năng lượng biến cái nắng chói chang trên biển thành nguồn điện sáng phục vụ đời sống của bộ đội Trường Sa. 

Không riêng đảo Đá Lớn, các đảo chìm như: Núi Le, Tốc Tan, Cô Lin, Len Đao, Tiên Nữ… đều lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời. Tuy công suất không lớn nhưng cũng đủ đáp ứng cấp điện liên tục, ổn định 24/24 giờ phục vụ nhiệm vụ chiến đấu và sinh hoạt của bộ đội. Được đọc báo, xem ti vi dưới ánh điện sáng, được truy cập internet, gọi điện thoại từ hải đảo xa xôi về đất liền, tất cả cán bộ, chiến sĩ trên các đảo đều cảm thấy phấn khởi, yêu quý đảo nhỏ của mình và không còn khoảng cách với đất liền nữa. 

Hạ sĩ Đoàn Văn Nam, chiến sĩ tín hiệu thông tin đảo Núi Le bộc bạch: Có điện năng lượng hỗ trợ, đảo không phải sử dụng máy phát điện chạy bằng dầu nữa, dòng điện ổn định đã giúp cho hệ thống trang thiết bị của đảo hoạt động thông suốt cả ngày lẫn đêm. Anh em rất yên tâm vào vị trí trực sẵn sàng chiến đấu.

Với đặc thù trên quần đảo Trường Sa, số giờ nắng cao, tài nguyên gió cũng rất tốt nên ngoài hệ thống pin năng lượng mặt trời, ở một số đảo nổi, Bộ Quốc phòng đã triển khai xây dựng hệ thống tuabin gió phát điện. Trên các đảo: Sinh Tồn Đông, Phan Vinh xen giữa màu xanh của cây lá bàng vuông, tra, phi lao… là những cột tuabin với cánh quạt dài vài mét trắng tinh khôi quay đều một cách thầm lặng. 

Trung tá Nguyễn Văn Bình, Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn Đông cho biết: Nhờ hệ thống cột tuabin gió này mà những năm qua, đảo luôn được thắp sáng, không phải lo lắng đến việc tiếp tế dầu từ đất liền. Từ ngày có tuabin gió, bộ đội phấn khởi đón chào những cơn gió giữa trùng khơi bởi nó sẽ làm cho cánh quạt quay sản sinh ra điện.

Có điện, đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa được nâng lên rõ rệt. Không chỉ được đọc báo, nghe đài, xem ti vi, vào mạng internet, bộ đội còn được sinh hoạt văn hóa văn nghệ, những chuyện mà trước đây rất hạn chế bởi thiếu điện. Thượng úy Đào Trung Hưng, Đảo trưởng đảo Tiên Nữ khẳng định điện đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, làm cho Trường Sa ngày càng mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan, môi trường.

Dù được trang bị những thiết bị hiện đại và tốt nhất nhưng do sự khắc nghiệt của thời tiết nên sau một thời gian sử dụng, hệ thống pin năng lượng mặt trời, tuabin điện gió và thiết bị tích trữ điện bị xuống cấp. Trong chuyến công tác ra Trường Sa, ông Phạm Mạnh Thắng, thành viên Hội đồng thành viên EVN cho biết: Tập đoàn sẽ thường xuyên phối hợp với Vùng 4 Hải quân để nắm tình hình ở các đảo, nhà giàn nghiên cứu hiệu chỉnh thiết kế và bổ sung tài trợ trang bị hệ thống năng lượng, các vật dụng cần thiết cho nhu cầu sinh hoạt của các chiến sĩ và xây dựng đề án cải tạo, nâng cấp hệ thống điện để trình Chính phủ phê duyệt, cho phép Tập đoàn được tham gia quản lý vận hành và cung cấp điện cho các đảo tại quần đảo Trường Sa. Mong muốn duy nhất của chúng tôi là được chia sẻ những khó khăn, vất vả với những cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đang làm nhiệm vụ trên các đảo và nguyện làm hết sức mình để đồng hành cùng các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

(còn nữa)

Khắc Duẩn