Thứ 2, 25/11/2024, 18:02[GMT+7]

Vũ Thư tích tụ ruộng đất: Chính quyền quyết liệt - dân còn băn khoăn (Kỳ 3)

Thứ 2, 08/05/2017 | 11:16:56
2,745 lượt xem
Đã tích tụ ruộng đất thành công, đã đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhưng Công ty TNHH Một thành viên Chăn nuôi Việt Hùng (thuộc Tập đoàn Hòa Phát) vẫn thất bại trong sản xuất cây ngô hàng hóa ở địa bàn huyện Vũ Thư. Hệ quả không chỉ doanh nghiệp thiệt hại mà người dân và chính quyền địa phương cũng chịu tổn thất lớn. Nhiều bài học rút ra cho các doanh nghiệp, địa phương và nông dân khi thực hiện tích tụ ruộng đất.

Hàng chục héc-ta đất lúa sau gần 2 năm được Công ty TNHH Một thành viên Chăn nuôi Việt Hùng thuê trở thành đất bỏ hoang.

Kỳ 3: Bài học từ Công ty Chăn nuôi Việt Hùng

Đầu năm 2016, Công ty TNHH Một thành viên Chăn nuôi Việt Hùng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên thực hiện tích tụ ruộng đất trên địa bàn huyện Vũ Thư thông qua việc thuê 40ha đất lúa của nông dân xã Nguyên Xá, Song An, Hòa Bình để trồng ngô, trong đó xã Nguyên Xá có 20ha, xã Song An 17ha, xã Hòa Bình 3ha. 

Ông Lương Xuân Đình, Chủ tịch UBND xã Song An cho biết: Diện tích mà doanh nghiệp này thực hiện tích tụ ruộng đất để trồng ngô đều là các chân ruộng trũng hẩu, đất hai lúa. Trước khi doanh nghiệp triển khai, nhiều cán bộ địa phương đã thẳng thắn trao đổi và “khuyên” Công ty nên xem xét lại việc đầu tư trồng cây ngô ở diện tích này vì chân ruộng trũng trồng ngô không phù hợp nhưng doanh nghiệp vẫn giữ quan điểm của mình. Để tích tụ ruộng đất sản xuất quy mô lớn, doanh nghiệp đã trực tiếp ký hợp đồng với nông dân sẽ thuê đất trong vòng 5 năm và thanh toán trước tiền thuê đất trong thời gian 2 năm cho bà con. Tuy nhiên, qua vài vụ sản xuất thực tế cho thấy có nhiều tác động ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, trong đó nguyên nhân lớn nhất là vùng ruộng tích tụ để trồng ngô là vùng trũng, chỉ cần lượng mưa từ 30 - 50mm đã ngập úng, hoặc khi địa phương điều hành nước sản xuất vùng lúa liền kề khiến nước thấm rò sang vùng sản xuất cây ngô của doanh nghiệp, gây thối rễ, chết cây hoặc cây ngô kém phát triển. Mặc dù doanh nghiệp đã đầu tư máy bơm, bơm tát nước liên tục khi ngập úng nhưng không bảo đảm, cây ngô vẫn phát triển rất “lẹt đẹt” cây cao, cây thấp, đỏ quạch, gần như thất thu toàn bộ. Sau vài vụ sản xuất kém hiệu quả, Công ty đã bỏ mặc cho cỏ mọc tràn lan khiến ruộng sản xuất trở thành ruộng hoang hóa.

Không riêng ở địa bàn xã Song An mà 23ha đất ruộng do Công ty TNHH Một thành viên Chăn nuôi Việt Hùng tích tụ của nông dân xã Nguyên Xá, Hòa Bình hiện cũng đang bỏ hoang. Sau gần 2 năm đầu tư không hiệu quả, hiện doanh nghiệp đang đề nghị chấm dứt việc thuê đất của nông dân 3 xã. 

Ông Hoàng Văn Khảng, Chủ tịch UBND xã Nguyên Xá cho biết: Doanh nghiệp chưa gửi văn bản chính thức nhưng đã thông báo cho địa phương về việc chấm dứt hợp đồng thuê đất. Thực tế thì doanh nghiệp đã bỏ sản xuất từ lâu, vấn đề chỉ còn chưa giải quyết trên giấy tờ, hợp đồng. Điều này trước hết gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, đồng thời còn ảnh hưởng đến tư tưởng và việc sản xuất của bà con. Nan giải nhất là sau khi doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, mặt bằng ruộng đất đã bị thay đổi, hầu hết các bờ vùng, bờ thửa không còn, khi doanh nghiệp trả lại ruộng, sẽ mất chi phí không nhỏ để thực hiện việc đo đạc, phân lại diện tích ruộng của từng gia đình, đắp lại từng bờ vùng, bờ thửa cho nhân dân. Một điểm yếu là trước kia, các điều khoản quy định trong hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất do bà con ký kết trực tiếp với Công ty còn khá lỏng lẻo, chung chung; không nêu cụ thể trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp trong trường hợp đơn phương chấm dứt việc thuê đất khi chưa hết thời hạn (5 năm đối với nông dân xã Song An, Hòa Bình; 6 năm đối với nông dân xã Nguyên Xá), vì vậy hiện nay rất khó để xử lý. Nếu doanh nghiệp trả phần kinh phí này thì chính quyền các xã “đỡ lo”, nhưng nếu doanh nghiệp cố tình không trả phần kinh phí này thì UBND xã Nguyên Xá, Song An, Hòa Bình chưa biết xử lý khoản kinh phí này như thế nào để bảo đảm mặt bằng, trả lại ruộng cho bà con.


" Trong điều kiện công tác tích tụ ruộng đất đang được triển khai sâu rộng ở nhiều địa phương thì việc đầu tư sản xuất kém hiệu quả dẫn đến phá vỡ hợp đồng thuê đất với nông dân của Công ty TNHH Một thành viên Chăn nuôi Việt Hùng là một bài học cảnh tỉnh doanh nghiệp, địa phương và cả nông dân cần thận trọng hơn khi triển khai tích tụ ruộng đất. Với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, trước hết đối với doanh nghiệp cần có sự khảo sát, thăm dò, lựa chọn, tính toán kỹ lưỡng xem liệu vùng đất tích tụ có phù hợp về thổ nhưỡng, khí hậu, thủy lợi tưới, tiêu… với các loại cây, con mà doanh nghiệp định đầu tư sản xuất hay không; tuyệt đối tránh sự cảm tính, chủ quan, đầu tư nóng vội. Đối với chính quyền địa phương các cấp, tôi cho rằng cần tạo điều kiện thuận lợi nhưng phải thẳng thắn chỉ cho doanh nghiệp những điểm yếu, khó khăn, đặc thù của ruộng đất trên địa bàn để doanh nghiệp hiểu rõ, từ đó đầu tư sản xuất có hiệu quả; chính quyền cần vào cuộc, giám sát chặt chẽ hơn các văn bản, hợp đồng ký kết thuê đất giữa doanh nghiệp và nông dân bảo đảm quyền lợi cho cả hai bên. Chỉ khi quyền lợi của nông dân được bảo đảm, doanh nghiệp sản xuất hiệu quả thì việc tích tụ ruộng đất mới bền vững."

(Ông Phạm Đắc Công, Bí thư Đảng ủy,Trưởng Ban chỉ đạo tích tụ ruộng đất xã Song An)


Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp giữa nông dân và Công ty TNHH Một thành viên Chăn nuôi Việt Hùng chưa chặt chẽ.


Ông Lại Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện

Để giải quyết thực trạng sản xuất không hiệu quả và muốn trả lại ruộng của Công ty TNHH Một thành viên Chăn nuôi Việt Hùng, huyện dự kiến sẽ chỉ đạo, vận động Công ty và nông dân thỏa thuận để chấm dứt hợp đồng, sau đó huyện sẽ liên kết, mời gọi Tập đoàn TH vào thay thế đầu tư sản xuất nông nghiệp ở vùng tích tụ của ba xã Nguyên Xá, Song An, Hòa Bình. Tuy nhiên, phải nói rằng đây là bài học để huyện và các địa phương kịp thời rút kinh nghiệm về nhiều mặt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai để việc tích tụ ruộng đất mang tính bền vững, bảo đảm quyền lợi của người dân và các địa phương, doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Thu, Trưởng thôn Ngô Xá, xã Nguyên Xá


Thôn Ngô Xá có 95 hộ với trên 20 mẫu ruộng cho Công ty TNHH Một thành viên Chăn nuôi Việt Hùng thuê đất. Thời gian qua, trong các cuộc họp thôn, bà con hỏi nhiều về việc doanh nghiệp này tiếp tục hay chấm dứt hợp đồng thuê đất với nông dân nhưng cơ sở thôn chưa nhận được thông báo nào của doanh nghiệp hay chính quyền nên chưa biết phải trả lời người dân như thế nào. Tôi cho rằng nếu đã sản xuất không hiệu quả, doanh nghiệp cũng cần thông báo sớm về việc chấm dứt hợp đồng thuê đất với bà con, để bà con yên tâm định hướng tổ chức sản xuất.

Ông Đặng Xuân Thỏa, Trưởng thôn Lam Sơn, xã Song An


Chúng tôi rất ủng hộ chủ trương tích tụ ruộng đất cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, tuy nhiên phải bảo đảm hiệu quả, bền vững chứ nếu tích tụ như Công ty TNHH Một thành viên Chăn nuôi Việt Hùng thì cứ để ruộng cho bà con sản xuất lại hiệu quả hơn. Tuy rằng doanh nghiệp đã trả chi phí thuê đất cho nông dân nhưng xét về tổng thể mấy chục héc-ta ruộng, vốn là vùng sản xuất lúa hiệu quả lại bị thất thu, hoang hóa trong gần 2 năm qua là một sự lãng phí rất lớn.

Bà Hoàng Thị Chanh, thôn Ngô Xá, xã Nguyên Xá

Qua sự việc Công ty TNHH Một thành viên Chăn nuôi Việt Hùng bỏ hoang ruộng khi chưa hết thời gian thuê, tôi nghĩ không riêng các cấp chính quyền mà chính nông dân chúng tôi cũng cần phải quan tâm, hiểu biết, tham gia đóng góp vào những điều khoản ký kết trong hợp đồng thuê đất để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Tôi đề nghị Công ty sớm trả lời dứt khoát việc tiếp tục thuê đất hay không để chúng tôi có phương án sản xuất hoặc cho doanh nghiệp khác thuê, chứ để đất hoang hóa, tôi rất xót xa và sau này rất khó cải tạo đất.


(còn nữa)

Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày