Thứ 6, 22/11/2024, 16:07[GMT+7]

Nét mực xanh trên vành trăng khuyết

Thứ 2, 15/05/2017 | 08:30:23
1,272 lượt xem
Khi còn ở nơi đóng quân hay trước lúc vào trận chiến đánh Mỹ cầm chắc sự hy sinh nhưng hai anh em liệt sĩ Đỗ Như Nghi và Đỗ Như Ngân (thôn Tân Hưng, xã Phúc Thành, huyện Vũ Thư) vẫn thường xuyên viết thư động viên người anh cả Đỗ Như Tuyên ở quê nhà, giữa họ không chỉ có tình ruột thịt mà còn có cả tình đồng chí, đồng đội.

Bà Nhung ngậm ngùi bên kỷ vật chiến trường của liệt sĩ Đỗ Như Nghi.

Nhiều trang thư của họ gửi về quê nhà được ông Tuyên lưu giữ chan chứa tình cảm chân thành, mộc mạc và được hồi âm ra chiến trường giúp người lính vững vàng chiến đấu còn người hậu phương vững niềm tin chiến thắng.

Người anh cả Đỗ Như Tuyên của hai liệt sĩ Đỗ Như Nghi và Đỗ Như Ngân là bộ đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Thân phụ và thân mẫu của hai liệt sĩ đều mất trong nạn đói năm 1945 bỏ lại mấy anh em, ông Tuyên là trưởng. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, ông Tuyên trở về quê nhà thay bố mẹ nuôi đàn em nhỏ. Rồi đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, là người anh trụ cột trong gia đình, ông Tuyên động viên hai em trai và con trai Đỗ Như Long vừa tròn 17 tuổi vững bước lên đường tòng quân chống Mỹ cứu nước.

Những bức thư từ chiến trường gửi về cho ông Tuyên và gia đình khoảng năm 1967 - 1968, lúc trận chiến chống Mỹ - ngụy đang quyết liệt đã ố vàng màu thời gian nhưng những nét chữ mực xanh vẫn thẳng ngay, đều đặn. Có những lá thư viết nắn nót nhưng cũng có nhiều lá thư viết vội trên chiến trường ác liệt, giấy được xé từ quyển sổ cá nhân kê trên đầu gối nên nhiều đoạn nét chữ nghiêng ngã như cây rừng sau trận bom, tuy vậy vẫn toát lên vẻ cứng cỏi, kiên cường. Đỗ Như Ngân viết nhiều thư gửi ông Tuyên hơn anh Nghi của mình, thư kể về sự khốc liệt của chiến tranh, sự đối mặt với gian khổ và sự sẵn sàng hy sinh nhưng dường như ông Ngân không mảy may để ý, tình thư vẫn toát lên vẻ lạc quan: “Anh ạ, trong chiến đấu có kẻ sống người chết, nếu sau này em có bị thương cụt chân, cụt tay hoặc hy sinh đi chăng nữa cũng là điều vinh dự cho em, cho gia đình, anh cũng đừng buồn”. 

Theo lời kể của bà Bùi Thị Nhung - vợ liệt sĩ Đỗ Như Nghi, khi về làm dâu trong gia đình, bố mẹ ông Nghi đã mất, ông Tuyên là trưởng nam đứng lên cưới vợ, thay bố mẹ chăm lo cho em. Vì thế, hai em ông Tuyên là Nghi và Ngân luôn tỏ lòng kính trọng. Không chỉ là anh em ruột thịt, họ còn coi nhau như những người đồng chí, đồng đội. Có lá thư viết sau những trận chiến ở Quảng Bình ngày 14/4/1968 gửi về, Đỗ Như Ngân hoài niệm: “Anh chị ạ, hôm nay ngồi nhẩm lại em đã xa anh chị cùng các cháu vừa 8 năm tròn. Nhưng quên sao được những ngày tháng em sống cùng anh chị… anh chị đã thay cha mẹ nuôi em trở thành người, còn nhớ khi đói no bữa cháo, bữa cơm anh em cùng đùm bọc hay những khi đau ốm anh nuôi dưỡng… tất cả những kỷ niệm những ngày sống với anh thì giờ đây nó đang lần lượt sống lại trong óc em”. 

Bà Nhung bùi ngùi, đôi mắt đục khô đã bao lần khóc ông Nghi khi hy sinh giờ lại khóc thương em chồng, bà nghẹn ngào: Khổ thân chú ấy, lá thư cuối cùng, chú Ngân viết nhờ ông Tuyên động viên cô Như, người yêu chú Ngân ở quê trước lúc lên đường đánh Mỹ đi lấy chồng, thư viết cho ông Tuyên: “… anh cũng nên nghĩ sâu rộng rằng trong cuộc chống Mỹ này còn dài lâu, trong cuộc chiến tranh khủng khiếp này thì tất em phải hy sinh cho nên anh chị cũng cho phép Như đi lấy chồng càng sớm càng tốt kẻo sau này khổ cho cô ấy… còn em nếu sau này còn sống trở về là điều rất hay, việc vợ con cũng không đáng lo lắm…”. Người lính trẻ ấy đã biết chọn sự hy sinh đúng nghĩa của nó để dành trọn tuổi thanh xuân hiến dâng cho giải phóng dân tộc, thống nhất non sông.

Giờ bà Nhung đã 80 tuổi, quá “thất thập cổ lai hy”, mắt mờ, gối mỏi, mình hạc, xương mai nhưng bà vẫn tin có một ngày ông Nghi và chú Ngân trở về từ quá khứ. Bà tin, một niềm tin sắt son như vậy vì trong quá nửa đời còn lại “ở vậy nuôi con” của mình hàng đêm dài buồn tủi, cô đơn bà ngước nhìn bầu trời trong xanh và cảm giác như nơi xa xăm, hư ảo nét mực xanh của trang thư ông Nghi viết vội trên đường hành quân đánh giặc gửi về động viên bà khắc phục khó khăn, nuôi dạy các con thay ông vẫn như hiện lên lung linh hơn cả vì sao sáng trên bầu trời đêm. Cuộc sống vợ chồng giữa bà và ông Nghi ngắn ngủi vì chiến tranh xa cách làm vậy nhưng với chú Ngân lời thề hẹn ước với cô Như chưa thành mà vẫn sẵn sàng hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho đất nước. Bà vẫn giữ thói quen ngồi bên bậu cửa, đôi mắt nhìn xa xôi như mong ngóng ông Nghi trở về, bà sẽ ào ra đón ông, ôm chặt ông vào lòng và trách sao ông lại tỏ tình với bà vào một đêm trăng khuyết để mãi cho cuộc đời bà thầm tiếc vì vầng trăng không tròn.


Ông Đỗ Xuân Tráng, Bí thư Chi bộ thôn Phúc Trung Bắc, xã Phúc Thành, huyện Vũ Thư


Hiếm có gia đình ở Phúc Thành có bốn anh, em, chú, cháu cùng là chiến sĩ ở hai mặt trận chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ như gia đình mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Trâm (thân mẫu của các ông Đỗ Như Tuyên, Đỗ Như Nghi, Đỗ Như Ngân ở thôn Tân Hưng), trong đó hai ông Đỗ Như Nghi và Đỗ Như Ngân là liệt sĩ. Gia đình mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Trâm luôn gương mẫu chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, bản thân anh Đỗ Như Liêm là con liệt sĩ Đỗ Như Nghi là cán bộ có uy tín, tận tụy với công việc lao động - thương binh và xã hội, nhiệt tình với phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.


Ông Hà Thanh Tùng, thương binh hạng 1/4, xã Phúc Thành, huyện Vũ Thư


Là đồng đội với hai anh em ông Nghi và ông Ngân, may mắn thoát chết trở về với quê hương và người thân mặc dù mang thương tật 1/4 chấn thương sọ não nhưng tôi luôn cảm nhận hết sức tốt đẹp về gia đình mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Trâm có hai con liệt sĩ chống Mỹ. Cháu Liêm là con liệt sĩ Đỗ Như Nghi tiếp nối truyền thống gia đình, cha chú có nghị lực, phấn đấu làm cán bộ xã gương mẫu, xứng danh gia đình liệt sĩ.


Anh Đỗ Như Liêm, con trai liệt sĩ Đỗ Như Nghi, thôn Phúc Trung Bắc, xã Phúc Thành, huyện Vũ Thư


Bố tôi và chú Ngân cùng vào Nam chiến đấu, hai người đã hiến trọn tuổi thanh xuân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và cùng nằm lại chiến trường Quảng Trị chỉ cách nhau hai tháng trong cuộc tổng tiến công tết Mậu Thân 1968. Luôn tự hào về sự hy sinh anh dũng của bố và chú, vì thế tôi luôn cố gắng cùng mẹ khắc phục khó khăn, vươn lên thoát nghèo, không dựa vào thế gia đình liệt sĩ, con liệt sĩ. Hiện tôi đang là cán bộ lao động - thương binh và xã hội của xã Phúc Thành, tôi luôn tâm niệm hãy sống xứng đáng với sự hy sinh của bố và chú



Quang Viện