Thứ 2, 25/11/2024, 10:34[GMT+7]

Nâng cao kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND

Thứ 5, 13/07/2017 | 09:09:33
1,276 lượt xem
Để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động cho đại biểu HĐND, thời gian qua, HĐND tỉnh đã tổ chức cho 66 đại biểu HĐND tỉnh tham dự lớp tập huấn do trung ương tổ chức; phối hợp với Sở Nội vụ mở 34 lớp tập huấn cho trên 360 đại biểu HĐND, báo cáo viên cấp huyện và trên 7.200 đại biểu HĐND cấp xã.

Đại biểu HĐND tỉnh, HĐND huyện với cử tri xã Mê Linh (Đông Hưng).

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định, một trong những phương hướng, nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, chức năng, nhiệm vụ, phương thức và cơ chế vận hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nhà nước là bảo đảm cơ cấu, nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội và HĐND, tăng số lượng đại biểu chuyên trách một cách hợp lý. Chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND một mặt lệ thuộc vào cơ cấu, tiêu chuẩn đại biểu, mặt khác lệ thuộc vào chính kỹ năng hoạt động của đại biểu. 

Nhiệm kỳ 2016 - 2021, mặc dù số lượng đại biểu chuyên trách đã tăng so với nhiệm kỳ trước song phần lớn đại biểu vẫn hoạt động không chuyên trách, không mang tính chuyên nghiệp, không thường xuyên. Đại biểu được bầu từ nhiều nguồn khác nhau, trình độ khác nhau và điều kiện tham gia hoạt động HĐND cũng không giống nhau. 

Ông Nguyễn Văn Thừa, Phó Chủ tịch HĐND huyện Hưng Hà cho biết: Nhiều đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã hoạt động kiêm nhiệm chưa dành nhiều thời gian thỏa đáng để thực hiện vai trò, trách nhiệm người đại biểu dân cử, còn vắng mặt trong các buổi tiếp xúc cử tri và hoạt động thẩm tra, giám sát; một số đại biểu thiếu cả các kỹ năng hoạt động cơ bản. Vì vậy, các đại biểu HĐND cần phải thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức, đặc biệt là bồi dưỡng kỹ năng hoạt động để có thể thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình, xứng đáng với niềm tin của cử tri. Mỗi đại biểu dân cử cần nắm chắc rất nhiều kỹ năng, trong đó có những kỹ năng cơ bản như tiếp xúc cử tri, thẩm tra, giám sát, chất vấn, thu thập, xử lý thông tin...

Để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động cho đại biểu HĐND, thời gian qua, HĐND tỉnh đã tổ chức cho 66 đại biểu HĐND tỉnh tham dự lớp tập huấn do trung ương tổ chức; phối hợp với Sở Nội vụ mở 34 lớp tập huấn cho trên 360 đại biểu HĐND, báo cáo viên cấp huyện và trên 7.200 đại biểu HĐND cấp xã. Các đại biểu HĐND được trang bị kiến thức về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức hoạt động của HĐND, đại biểu HĐND; các kỹ năng tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, thuyết trình, chất vấn, thảo luận, thẩm tra, giám sát các vấn đề trong đời sống... 

Đồng chí Đàm Văn Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh cho biết: Thời gian tới, HĐND tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường, đổi mới hình thức, nội dung tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đại biểu. Trong đó, chú trọng tổ chức tập huấn theo chuyên đề, tổ chức giao ban, hội thảo, trao đổi rút kinh nghiệm. Thường xuyên tập huấn nâng cao kỹ năng cho đại biểu trong phân tích các vấn đề một cách toàn diện để đại biểu có ý kiến, kiến nghị chính xác, phù hợp thực tiễn vào quyết định của HĐND; kỹ năng về tự giám sát và tham gia đoàn giám sát; kỹ năng chất vấn và đối thoại; kỹ năng tiếp xúc cử tri. Quan tâm lựa chọn giảng viên có chuyên môn sâu, có kinh nghiệm hoạt động tại cơ quan dân cử; phân loại đại biểu, lựa chọn nội dung tập huấn phù hợp để công tác bồi dưỡng đạt hiệu quả cao. Chủ động cung cấp tài liệu, văn bản pháp luật, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương cho đại biểu nghiên cứu. Song quan trọng nhất vẫn là từng đại biểu phải chủ động học tập nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng, tích cực nghiên cứu, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của HĐND; tích cực tham gia tiếp xúc cử tri để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là phát hiện những bất cập, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ để kiến nghị sửa đổi, tháo gỡ kịp thời, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND. Để tạo hành lang pháp lý cho HĐND, đại biểu HĐND hoạt động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần sớm ban hành quy chế hoạt động của HĐND thay thế quy chế cũ không còn phù hợp.



Ông Bùi Văn Huân, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đông Hưng


Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các đại biểu HĐND huyện đã cố gắng bố trí, sắp xếp công việc chuyên môn tham gia đầy đủ các hoạt động của HĐND huyện, thực hiện trách nhiệm của người đại biểu dân cử. Song phần lớn đại biểu còn thiếu kỹ năng hoạt động, vì vậy, HĐND tỉnh nên thường xuyên tập huấn kỹ năng hoạt động cho đại biểu, đặc biệt là kỹ năng tiếp cận, nghiên cứu vấn đề cần giám sát; nêu vấn đề, đặt câu hỏi với các cơ quan để làm rõ các nội dung cần giám sát; thảo luận và đi đến kết luận giám sát; xây dựng kiến nghị giám sát và theo dõi kết quả thực hiện yêu cầu của đoàn giám sát; phương pháp thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ, lựa chọn vấn đề đưa ra chất vấn tại kỳ họp.

Ông Nguyễn Văn Trân, Phó Chủ tịch HĐND huyện Kiến Xương

Nhiệm kỳ 2016 - 2021, Kiến Xương có 43 đại biểu HĐND huyện và 927 đại biểu HĐND cấp xã. Hiện nay, HĐND huyện đang phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức tập huấn để nâng cao trình độ, kỹ năng hoạt động cho các đại biểu. Nhiệm kỳ trước, các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho đại biểu thường chỉ tập trung ở đầu nhiệm kỳ nên chất lượng đại biểu không đồng đều, cần tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trong suốt quá trình hoạt động để các đại biểu được trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ thường xuyên.


Ông Đỗ Mạnh Viết, Phó Chủ tịch HĐND huyện Vũ Thư

Nhiệm kỳ này, cử tri bầu 40 đại biểu HĐND huyện Vũ Thư, trong đó trình độ đại học và sau đại học chiếm 80%, cao đẳng, trung cấp 20%, trình độ lý luận cao cấp và cử nhân chiếm 45%, còn lại là trung cấp; đến tháng 5/2017, có 6 đại biểu của huyện được điều động, luân chuyển về các sở, ngành của tỉnh công tác. Do trình độ không đồng đều, đa phần các đại biểu HĐND được bầu lần đầu chưa có nhiều kinh nghiệm nên cũng ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND huyện. Do vậy, trong quá trình tập huấn, bồi dưỡng, HĐND tỉnh nên trang bị cho đại biểu các kỹ năng: thu thập, xử lý, kiểm tra, lựa chọn thông tin để tham gia ý kiến có chất lượng vào các đề án, tờ trình tại kỳ họp; trình bày các ý kiến thảo luận trong cuộc họp; tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của HĐND; thẩm tra và tham gia phản biện các dự thảo nghị quyết, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.


Thu Hiền


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày