Thứ 6, 22/11/2024, 14:15[GMT+7]

Lặng thầm những nỗi đau

Thứ 4, 19/07/2017 | 08:27:00
1,837 lượt xem
Chiến tranh đã đi qua, hình ảnh về cuộc chiến đấu khốc liệt với đạn bom, khói lửa dần đã trở thành ký ức. Thế nhưng, thời gian không làm dịu đi vết thương trong tâm hồn. Nỗi đớn đau, mất mát, sự khắc khoải vẫn hàng ngày lẩn khuất trong trái tim những người phụ nữ.

Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Mít kể cho các cháu nghe về liệt sĩ Trần Văn Thông.

Chúng tôi đến thăm bà Phạm Thị Lanh và chị gái là bà Phạm Thị Tuất, thôn Tân An, xã Song An (Vũ Thư). Dẫu hơn 40 năm đã đi qua nhưng trong ngôi nhà nhỏ, nỗi đau chiến tranh vẫn còn hiện hữu trong ánh mắt buồn sâu thẳm và nỗi cô đơn của hai người phụ nữ ở tuổi xế chiều. Ngắm nghía những tấm ảnh đã ố vàng, ký ức bà Tuất chợt ùa về những kỷ niệm, dấu mốc của cuộc đời mình. 

Sinh năm 1946, bà Tuất vốn là cô gái làng Thiện Long, xã Duy Nhất. Lớn lên trong cảnh vất vả thiếu thốn vì chiến tranh nhưng ngày ấy cô vẫn có một tình yêu đẹp với anh bộ đội đặc công Trần Phước làng bên. Hẹn ước với nhau đã mấy năm, nhưng phải đến năm 1965, khi Trần Phước được nghỉ phép 5 ngày, hai người mới kết hôn. Sau đám cưới, cô chỉ được ở cùng chồng 2 ngày rồi tiễn chồng lên đường làm nhiệm vụ. Đằng đẵng những ngày dài thương nhớ chồng, cô giấu nỗi cô đơn vào lòng để lao động sản xuất. Năm 1969, trên đường đi công tác, anh Phước tranh thủ ghé thăm gia đình và vợ được 1 ngày rồi lại vội vã lên đường, khát khao được làm mẹ của cô gái trẻ chưa thành hiện thực. Cuối năm 1970, cô nhận được tin chồng hy sinh ở chiến trường Lào khi anh 28 tuổi còn cô mới 24 tuổi. Nỗi đau đớn, mất mát đã lấy đi cả thể xác và tinh thần, từ một cô gái xinh đẹp, khỏe mạnh, tràn đầy sức sống, cô kiệt quệ chỉ còn 38 - 39kg. Có sự động viên của gia đình, làng xóm và cả những đồng chí, đồng đội của chồng, cô dần nguôi ngoai đớn đau nhưng nỗi khắc khoải, nhớ thương chồng và tủi hờn chưa thỏa khát khao làm mẹ vẫn day dứt trong lòng. Sau này, nhiều chàng trai thương cảm và quý mến, muốn làm trụ cột cho cô, nhưng phần vì yêu thương chồng, phần vì e dè định kiến xã hội, cô ở vậy thờ chồng. Gần 50 năm qua đi, cô gái Tuất ngày nào giờ đã ở tuổi xế chiều.

Gạt dòng nước mắt hoen trên đôi mắt mờ, bà Tuất xúc động chia sẻ: Chồng hy sinh để lại bà lủi thủi một mình chăm sóc bản thân, căn phòng tập thể nhỏ xưa kia bà đã phải bán đi để trang trải lo toan cuộc sống. Cách đây mấy năm, bà chuyển về ở nhờ nhà bà Lanh, em gái. Bà Lanh là thanh niên xung phong, trở về từ chiến trường với những vết thương chưa lành, nhiều căn bệnh quái ác và một mảnh đạn vẫn nằm trong cơ thể. Mỗi khi trở trời, những vết thương lại nhức nhối, hành hạ khiến bà Lanh quyết định không lập gia đình. Vậy là hai chị em bà đành nương tựa vào nhau, chăm sóc, động viên nhau lúc tuổi già. Có chị, có em căn nhà ấm cúng hơn nhưng nỗi cô đơn vẫn thẳm sâu trong ánh mắt buồn và bước chân lặng lẽ của mỗi người.

Tạm biệt bà Tuất, bà Lanh, chúng tôi đến thăm mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Mít, thôn Ngọc Tiên, xã Vũ Tiến. Ở tuổi 80 nhưng mẹ Mít còn minh mẫn và khỏe mạnh, nhắc đến người con trai độc nhất - liệt sĩ Trần Văn Thông, mẹ không nén được xúc động. 

Kéo vạt áo lau nước mắt, mẹ Mít kể: Bố Thông bỏ nhà đi từ khi Thông mới 5 tháng tuổi, để lại mình tôi nuôi con trai và mẹ chồng. Nhà nghèo nhưng Thông rất ngoan, vui tính, chăm chỉ đan lát rổ rá, dần sàng để phụ mẹ và bà, ba mẹ con, bà cháu rau cháo nuôi nhau. Năm 1977, cách mạng ta cần lực lượng chi viện cho chiến trường biên giới Tây Nam, mặc dù mới 17 tuổi, lại thuộc diện miễn hoãn vì gia đình neo người nhưng Thông vẫn kiên quyết xin được lên đường tòng quân bảo vệ Tổ quốc. Mẹ chồng tôi thương cháu nội, ra xã xin cho Thông ở lại, Thông vẫn giữ vững ý chí. Tháng 5/1977, Thông nhập ngũ và chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam, tròn 1 năm sau thì tôi nhận được giấy báo tử của con trai. Thời gian đầu tôi thực sự không thiết sống nữa, nhưng rồi cũng phải chấp nhận nỗi đau để vượt lên. Những năm ấy, đất nước còn nghèo, chế độ, chính sách của Nhà nước khá eo hẹp, tôi bươn trải đủ nghề để nuôi mẹ chồng và nhận nuôi thêm 1 đứa cháu cho đỡ nhớ con. Trước kia nhà túng quá, Thông chẳng bữa nào được ăn no, xới bát cơm độn sắn, độn khoai mà mẹ con, bà cháu nhường nhịn, đùn đẩy nhau không ai nỡ ăn thêm. Bây giờ, bưng bát cơm trắng, tôi lại nhớ đến con. Vẫn biết con hy sinh vì Tổ quốc là vinh dự lớn lao nhưng mỗi lần nhìn bạn bè của Thông bây giờ đều có vợ chồng, con cái đề huề tôi không khỏi chạnh lòng thương xót và thêm nỗi nhớ con.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những người phụ nữ như bà Tuất, bà Lanh, mẹ Mít và hàng vạn người vợ, người mẹ của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, những nữ cựu thanh niên xung phong vẫn âm thầm gánh chịu nỗi đau mất mát, thiệt thòi. 

Ông Phạm Công Diện, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư cho biết: Toàn huyện có hơn 6.000 liệt sĩ, 4.379 thương binh, bệnh binh và gần 2.000 người hoạt động kháng chiến có con đẻ bị nhiễm chất độc da cam/Điôxin. Tương ứng với đó, ngoài 643 bà mẹ đã được công nhận Bà mẹ Việt Nam anh hùng, huyện còn có hàng vạn người vợ, người mẹ mang nỗi đau mất chồng, mất con. Cuộc sống của các chị, các mẹ vừa khó khăn về vật chất vừa thiếu thốn về tinh thần. Để bù đắp phần nào những thiệt thòi, mất mát của các chị, các mẹ, những năm qua, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đều chú trọng thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người và gia đình có công với cách mạng. Các ngành, đoàn thể, địa phương trên địa bàn tích cực huy động sự vào cuộc của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân giúp đỡ, hỗ trợ các chị, các mẹ bằng nhiều việc làm thiết thực như thăm hỏi, tặng quà, xây dựng, sửa chữa nhà ở… Cùng với giúp đỡ, hỗ trợ của cộng đồng, bản thân các mẹ, các chị đều nỗ lực vươn lên chăm lo cuộc sống bản thân và gia đình, đến nay hầu hết các gia đình chính sách đã có cuộc sống ổn định.

Sẵn sàng hiến dâng cho đất nước người chồng, người con của mình, rồi lại lặng thầm gánh chịu nỗi đau mất mát, những khó nhọc của cuộc đời, những người vợ, người mẹ nhỏ bé mà vĩ đại, kiên cường. Sự hy sinh cao cả của các mẹ, các chị đã góp phần để đất nước thanh bình, no ấm ngày nay.

Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày