Thứ 2, 25/11/2024, 06:26[GMT+7]

Ghi danh muôn đời

Thứ 3, 19/09/2017 | 08:29:12
2,549 lượt xem
Về thôn Ô Mễ 4, xã Tân Phong (Vũ Thư) một ngày đầu thu, chúng tôi được nghe câu chuyện của các bô lão kể về một người con ưu tú của quê hương đỗ Tam giáp Tiến sĩ khoa Ất Sửu (1565) thời nhà Mạc. Ông là Thượng thư, Đô ngự sử, Tiến sĩ Lại Mẫn, sinh năm 1539.

Đình làng Ô Mễ, nơi lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử về Thượng thư, Đô ngự sử, Tiến sĩ Lại Mẫn.

Theo văn bia được lưu tại từ đường và gia phả dòng họ Lại: họ Lại ở Ô Mễ có nguồn gốc từ huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1547, Lại Mẫn cùng mẹ di cư ra tổng Ô Mễ (nay là thôn Ô Mễ, xã Tân Phong) sinh sống. Từ nhỏ vốn là cậu bé thông minh, hiếu học nhưng do nhà nghèo không có điều kiện nên ban ngày Lại Mẫn đi làm thuê, buổi tối về tự học. 

Tương truyền, một hôm đi làm về, trên đường Lại Mẫn gặp quan huyện kinh lý qua làng, ông nép vào vệ đường. Ngó thấy cuốn sách cậu bé cầm trên tay, quan huyện ra vế đối: “Gạo trắng không giã thành ô mễ”. Cậu bé Lại Mẫn nhanh trí ứng khẩu: “Đồng đen chẳng luyện vẫn hoàng kim”. Nhận thấy cậu bé có khí tiết thông minh, lanh lẹ, tương lai ắt thành người có tài giúp nước nên quan huyện nhận Lại Mẫn làm con nuôi, đưa về chốn công môn cho ăn học.

Năm 26 tuổi, Lại Mẫn lên kinh đô dự thi, đỗ Tam giáp Tiến sĩ, được triều đình nhà Mạc trọng dụng và trải qua các chức quan: Tri phủ Phụng Thiên, kiêm bí thư các, trải thăng hàm Thượng thư kiêm Đô ngự sử. Trong những năm làm quan dưới triều nhà Mạc, Lại Mẫn được cử đi sứ sang Trung Quốc, nhà Minh thử tài, ông ứng đối trôi chảy. Cảm phục đức độ, tài năng của vị tiến sĩ nước Nam, vua Minh phong làm “Tiến sĩ Minh triều”. Ông cũng là một trong số ít sứ bộ nước ta được phong tặng “Lưỡng quốc đại khoa” dưới triều Mạc. 

Không chỉ là một vị quan nổi tiếng liêm khiết, đức độ, Lại Mẫn luôn quan tâm đến đời sống của người dân nghèo bởi ông cũng chính là vị quan xuất thân từ miền quê nghèo. Ông nhiều lần dâng sớ biểu tấu lên triều đình góp ý về cải cách chính sự giúp dân nhưng trước những thế lực, bè lũ xu nịnh trong triều đình, nhà vua không quyết đoán cho thi hành. Trong suốt cuộc đời làm quan cho nhà Mạc, Lại Mẫn là người tận tụy, trung thành. Khi nghỉ hưu, ông về quê mở lớp dạy học cho con cháu trong làng. 

Sau khi tạ thế tại quê nhà, ông được an táng tại cánh đồng Ô Mễ. Người dân Ô Mễ vẫn quen gọi là mộ quan nghè. Đến nay người dân Ô Mễ và con cháu trong dòng tộc vẫn chưa rõ ông mất năm nào. Để tri ân công đức của người con quê hương, Thượng thư, Đô ngự sử, Tiến sĩ Lại Mẫn được người dân tôn thờ làm phúc thần, đưa vào hàng ngũ hậu thần, phối thờ hưởng tại đình làng Ô Mễ.

Lăng mộ Thượng thư, Đô ngự sử, Tiến sĩ Lại Mẫn tại thôn Ô Mễ 4, xã Tân Phong (Vũ Thư).

Từ đường và lăng mộ Thượng thư, Đô ngự sử, Tiến sĩ Lại Mẫn được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2012. Trải qua hơn 400 năm, từ đường và lăng mộ đã bị phong hóa và xuống cấp nhưng vẫn giữ được một số hiện vật cổ có giá trị về lịch sử văn hóa. Hiện nay, khu lăng mộ còn lưu giữ tấm bia đá cổ khắc chữ Hán “Ô Mễ Tiến sĩ Lại tiên sinh mộ” và cột đá “Chu viên cấm địa”. 

Ông Lại Văn Quân, trưởng họ Lại xã Tân Phong chia sẻ: Từ khi cụ về mảnh đất Ô Mễ an cư đến nay đã 470 năm, dòng họ Lại ở đây đã phát triển được 18 đời, có hơn 200 suất đinh trong 9 chi. Theo tục lệ từ xưa để lại, hàng năm dòng họ tổ chức lễ tế vào hai tiết là ngày giỗ cụ Lại Mẫn (25/2 âm lịch) và ngày Thường Tân (15/9 âm lịch). Trong hai ngày này, con cháu từ khắp nơi trở về từ đường và lăng mộ làm lễ dâng hương bái yết tổ tiên. Ngoài ra, cứ 5 năm dòng họ tổ chức lễ hội một lần, tiến hành các nghi lễ như: rước chân nhang của cụ từ lăng mộ về từ đường, lễ tế cầu cho quốc thái dân an, dòng họ hưng thịnh... Lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.      


Ông Tưởng Văn Định, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phong

Người dân xã Tân Phong rất tự hào là nơi nuôi dưỡng và an táng Thượng thư, Đô ngự sử, Tiến sĩ Lại Mẫn. Dòng họ Lại ở địa phương tuy không lớn nhưng là dòng họ phát triển, đoàn kết, không có tệ nạn xã hội. Ngay sau khi từ đường và lăng mộ của cụ được xếp bằng di tích, địa phương đã thành lập ban quản lý di tích. Theo sử sách ghi lại, trước đây lăng mộ của cụ Lại Mẫn rất bề thế nhưng do thời gian vật đổi sao dời, khu lăng mộ bị xuống cấp, xâm lấn. Vừa qua, căn cứ vào các số liệu lịch sử chính thống, chính quyền địa phương đã thu hồi diện tích đất bị xâm lấn xung quanh lăng mộ để trả lại cho dòng họ. Hiện nay, diện tích khu lăng mộ là 224m2, được con cháu trong dòng họ công đức, đóng góp tôn tạo xây dựng tường bao xung quanh bảo vệ. Địa phương tiếp tục làm tốt công tác quản lý để giữ gìn di tích đến muôn đời sau.

Ông Lại Đình Hồ, thành viên ban quản lý di tích từ đường và lăng mộ Thượng thư, Đô ngự sử, Tiến sĩ Lại Mẫn

Không chỉ thủy tổ dòng họ Lại ở Ô Mễ là Thượng thư, Đô ngự sử, Tiến sĩ Lại Mẫn được sử sách tạc ghi công ơn mà hậu duệ của cụ còn có cụ Lại Triệu Bảng làm quan Giám trường Lê triều Quốc Tử Giám, cụ Lại Đức Tuấn được phong Trung dũng tướng quân. Con cháu đời nay noi gương các bậc tiền nhân, nhiều người đỗ cử nhân, thành đạt, phụng sự Tổ quốc. Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, dòng họ Lại ở Tân Phong đã tiễn đưa nhiều người con lên đường nhập ngũ. Kết thúc chiến tranh, dòng họ có 9 liệt sĩ. Dòng họ chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành và địa phương quan tâm, có giải pháp nâng cấp khu di tích để xứng tầm với công lao của thủy tổ Lại Mẫn đối với đất nước.

Ông Nguyễn Văn Chức, người trông coi đình làng Ô Mễ

Từ bé tôi đã được ông bà kể cho nghe về khu lăng mộ của quan nghè Lại Mẫn. Sau này, qua tìm hiểu lịch sử tôi mới biết đó là vị quan lớn của triều đình, sau khi tạ thế được triều đình xây dựng lăng mộ bề thế, khang trang. Những hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa vẫn còn lưu giữ tại đình Ô Mễ đó là ngai, mũ quan và hài của cụ được thờ ở gian trung trong đình. Hiện nay, đình còn giữ nhiều sắc phong của các vua triều Nguyễn. Trong sắc phong cũng đề cập khá rõ đến công trạng của Thượng thư, Đô ngự sử, Tiến sĩ Lại Mẫn.

         

Thiên Ân