Thứ 2, 25/11/2024, 05:47[GMT+7]

Cự Lộng hội Kỳ Đức

Thứ 6, 06/10/2017 | 08:51:54
6,438 lượt xem
Khoảng năm 938 - 944 thế kỷ X, vùng đất Cự Lãm (nay là phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình) có một vùng đất rộng, lau lách rậm rạp, sông ngòi chằng chịt như mạng nhện, lại có cửa biển nằm sâu trong đất liền để rồi trong cái mênh mang trời đất như chạm vào nhau hoang dại khiến Trần Lãm, một tướng quân tài giỏi của triều đình Ngô Vương lúc đó sớm nhận ra giá trị “độc nhất vô song” đặt tên là Kỳ Bố Hải khẩu và nhanh chóng chọn vùng đất trù mật này gây dựng thế lực, xưng Minh Công hào kiệt.

Rước kiệu quay đình Lộng.

Cự Lộng là một trong những phòng tuyến quan trọng của Kỳ Bố Hải khẩu.

Tại đình Cự Lộng (phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình) còn lưu giữ bức đại tự được các vương triều phong kiến ban tặng năm chữ: “Thiên địa hội kỳ đức”, có nghĩa là vùng đất Cự Lộng này là nơi trời đất hội tụ nên tài đức của tướng công (ý chỉ Trần Lãm). Dân gian ở Lạc Đạo (Kỳ Bố xưa) vẫn lưu truyền nhiều câu chuyện kể về vùng đất có tên nôm là Lộng, Lạc Đạo, Đậu, Kìm… (nay là phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình), tất cả đều nằm trong vùng Kỳ Bố Hải khẩu, phòng tuyến quan trọng bảo vệ biên cương quốc gia của triều đình Ngô Vương giữa Lộng (khu vực biển nằm sâu trong đất liền) và biển khơi. 

Tướng tài phải tìm đất dụng võ, đất làng Cự Lộng thuộc Kỳ Bố Hải khẩu nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của các thế lực cát cứ. Cư dân từ vùng núi phía Bắc cùng luồng dân di cư ở rừng núi phía Nam hiểm trở tụ hội về đây tìm đất mưu sinh đã tạo nên một quần cư cạnh tranh sinh tồn dữ dội. Đồng thời, đất đai được các sông lớn bồi đắp phù sa đã tạo nên một vùng canh tác màu mỡ, sản vật dồi dào khiến nhiều bậc hào kiệt cũng muốn xưng hùng, độc chiếm nơi đây nhưng duy nhất chỉ có tướng công Trần Lãm vùng vẫy xưng hùng một phương.

Câu chuyện thứ nhất mà sử cũ chép rằng: Bấy giờ trong nước rối loạn, Đinh Bộ Lĩnh cùng với con là Đinh Liễn rời bỏ Hoa Lư (Ninh Bình) tìm đường sang vùng Kỳ Bố Hải khẩu đi theo sứ quân Trần Lãm. Trần Lãm thấy Bộ Lĩnh là người khôi ngô khác thường và có độ lượng nên giao cho binh quyền. Nương nhờ thế lực của Trần Lãm, Đinh Bộ Lĩnh đã biết dụng binh liền xin phép Minh Công trở về vùng rừng núi Hoa Lư củng cố sức mạnh, gây thanh thế và dần dẹp yên, thu phục các thế lực địa phương, bình ổn cuộc nội chiến tương tàn. Tương truyền, năm Tân Hợi (951) đời hậu Ngô Vương, Nam Tấn Vương cùng Thiên Sách Vương đem quân đến Kỳ Bố đánh nhưng cả hai đều đại bại trước sức mạnh của sứ quân Đinh Bộ Lĩnh, phải rút quân về. Đến khi nhà Ngô mất, Đinh Bộ Lĩnh dụ hàng được các sứ quân Ngô Xương Xí, phá được Đỗ Động của Nguyễn Cảnh Thạc. Từ đó, Đinh Bộ Lĩnh đánh đâu thắng đấy, được tôn là Vạn Thắng Vương, chỉ trong một năm Đinh Bộ Lĩnh đã bình được các sứ quân, lập thành nghiệp đế. Năm Mậu Thìn (968), Vạn Thắng Vương lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Tiên Hoàng Đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Ấy cũng là cơ duyên của Bộ Lĩnh bởi “thủ lĩnh cờ lau” đã có một thời đằm mình trong vận khí đất trời vùng Kỳ Bố, được Trần Lãm truyền dạy cho những chiêu dụ binh, vạch kế sách bình trị thiên hạ ngay trên mảnh đất “cuối bãi ven bờ” dâu xanh, mật ngọt này.

Câu chuyện thứ hai vẫn được các bậc cao niên ở làng Cự Lộng kể: Năm 971, Ngô Văn Kháng, một binh tướng cũ dưới triều Ngô Vương nổi lên chống lại triều đình nhà Đinh. Ngô Văn Kháng dựa vào Minh Công Trần Lãm mà binh thế rất mạnh, nhiều lần quan quân triều Đinh đến nghênh chiến đều thất bại thảm hại. Lúc đó, trong triều xuất hiện một tướng quân tài giỏi tên Bùi Quang Dũng đã được phong Anh Dực tướng quân, ngay lập tức được Đinh Tiên Hoàng xung chức Điện Tiền Đô chỉ huy sứ, tin cẩn giao cho cầm quân dẹp loạn. Bùi Quang Dũng vốn quê Phong Châu, giỏi binh lược, là người nhân đức, nặng lòng thương dân. Đem quân đến vùng Kỳ Bố, Điện Tiền Đô chỉ huy sứ không vội giao chiến mà cho quân sĩ nghỉ ngơi ở Lương Lai (nay là xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình), sau khi bí mật dò la tin tức mới hay Ngô Văn Kháng nặng lòng chúa cũ và bất bình với triều Đinh nên nổi loạn. Ông đã bình tĩnh cho người tới thuyết phục Ngô Văn, một mặt đứng ra tổ chức lễ yết bái tướng quân Trần Lãm ở đền thờ ông tại Kỳ Bố (trong đó có đình Cự Lộng ngày nay). Thấy nghĩa tình lớn lao, sâu nặng của Điện Tiền Đô chỉ huy sứ với tướng công, Ngô Văn Kháng cảm phục xin hàng. Dẹp yên Kháng, Bùi Quang Dũng được vua Đinh hết lời khen ngợi và phong chức “Trấn đông Tiết độ sứ” trị sở đóng tại Kỳ Bố kiêm thống lý ba đạo. Nguyên cớ là Kỳ Bố vốn là vùng cửa biển, cửa sông, lau lách rậm rạp, thường có cá kình bơi lội, nhân dân gọi là cá thần, lại thêm nhiều loại giao long (rắn, rết) cắn phá làm con người bị thương nên người dân không dám bén mảng đến. Một hôm, Bùi Quang Dũng đi thuyền trên đoạn sông vùng Kỳ Bố, ông sơ ý đánh rơi viên ngọc quý, cá thần nuốt mất, bơi đi. Lúc này ông đang cho cư dân khai khẩn đất hoang, vua Đinh thấy vậy liền đặt tên là Hàm Châu và ban thái ấp cho Bùi Quang Dũng. Lạ thay, các loại giao long, cá thần cũng tự dưng biến đi, trả lại vẻ thanh bình cho Kỳ Bố.

Tương truyền, tướng công Trần Lãm sinh ngày 18 tháng 8 âm lịch, mất ngày 10 tháng 10 âm lịch. Sử sách ghi, vùng Kỳ Bố (bao gồm cả phần đất Nam Định nay), bên hữu sông Hồng cũng có làng Lạc Đạo, xã Lạc Đạo (nay là làng Lạc Đạo, xã Hồng Quang, tỉnh Nam Định). Khoảng cách từ làng Lạc Đạo, xã Trần Lãm, thành phố Thái Bình đến làng Lạc Đạo, xã Hồng Quang, tỉnh Nam Định theo đường chim bay khoảng 20km. Hàng năm, dân làng Lạc Đạo, xã Hồng Quang, tỉnh Nam Định và làng Cự Lộng, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình đều mở hội tưởng nhớ công lao tướng công Trần Lãm nhằm ngày sinh của ông (18 tháng 8 âm lịch). 

Một học giả người Mỹ tên là Keith Weller Taylor, chuyên gia nghiên cứu lịch sử Việt Nam thế kỷ IX, X đã viết nhận xét của mình về vùng đất Kỳ Bố Hải khẩu trong cuốn “Việt Nam thế kỷ thứ X” như sau: “Đây là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa quan trọng thông thương giữa Hoa Lư và Kỳ Bố Hải khẩu”. Nhìn nhận của một sử gia nước ngoài về vị thế đặc biệt của Kỳ Bố Hải khẩu càng tôn thêm giá trị quan trọng đối với sự ra đời của nước Đại Cồ Việt. 

Tướng công Trần Lãm và Đinh Bộ Lĩnh đều có “con mắt xanh” với Kỳ Bố, chọn vùng đất này cát cứ dẹp tan “thập nhị sứ quân”. Sử cũ còn bàn, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn “thập nhị sứ quân” không chỉ do có chí khí lớn, vận hội lớn mà một yếu tố cực kỳ quan trọng đó là ông sớm chọn dựa Minh Công ở vùng đất Lạc Đạo của Kỳ Bố Hải khẩu để nương thân và nhen nhóm xây dựng lực lượng. Một căn cứ địa vững chắc đủ mạnh về quân lương giúp người anh hùng thực hiện ước vọng lớn lao thống nhất giang sơn.


Ông Đoàn Đình Hậu, 88 tuổi, ngã tư Lạc Đạo, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình

Từ năm lên 10 tuổi tôi đã theo cha tôi đánh trống hội đình Lộng. Tôi được các cụ kể lại rằng đình Lộng còn có tên là đình Cự Lộng, đình Cau đẻ. Đình còn lưu giữ bản thần tích ghi rằng đình thờ tướng công Trần Lãm và hai vị thánh là Đông Hải Đại vương và Nam Hải Đại vương có công dẹp giặc, trị thủy, giữ nước. Cứ theo lời các cụ kể cùng bản thần tích thì đình Lộng được xây dựng trên mảnh đất có lịch sử lâu đời gắn với những chiến công hiển hách của tướng công cùng các vị thánh thần trong lịch sử.


Ông Vũ Đức Viết, cán bộ hưu trí, tổ 2, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình

Đình Lộng xưa tọa lạc trên mảnh đất khá rộng bên cạnh quốc lộ 39B, có tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, phía trước có hồ sâu, thế đất long hồi, hổ tụ. Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, đình còn là nơi họp của Việt Minh. Thực hiện tiêu thổ kháng chiến, đình bị hư hại rất nhiều. Hiện nay, cháu con làng Cự Lộng cùng nhân dân phường Trần Lãm đã tôn tạo lại đình khang trang nhưng vẫn giữ được nét xưa đình cũ để đời đời con cháu ghi công tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công bảo vệ biên cương, bờ cõi nước Nam.


Quang Viện