Thứ 5, 04/07/2024, 07:25[GMT+7]

Đổi mới trên quê hương An Lễ

Thứ 2, 09/10/2017 | 09:07:40
766 lượt xem
Theo quốc lộ 10 về xã An Lễ (Quỳnh Phụ), chúng tôi cảm nhận được niềm vui trên gương mặt của người dân nơi đây, niềm vui của địa phương giữ vững và phát huy kết quả của phong trào xây dựng nông thôn mới, niềm vui khi lễ hội truyền thống đền Đồng Bằng vinh dự được đón bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Sản xuất chiếu cói tại xã An Lễ.

An Lễ là vùng đất cổ của 8 trang Đào Động xưa, nơi có dòng sông Diêm Hộ vắt mình chảy qua bồi đắp nên những trầm tích văn hóa có bề dày hàng trăm năm còn được lưu giữ qua những công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử và tâm linh trong đó nổi bật là đền Đồng Bằng. Qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, theo tiếng gọi của Đảng, lớp lớp người con vùng đất cổ đã hăng hái lên đường nhập ngũ, tham gia thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến, chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở các chiến trường. Trong công cuộc đổi mới và hội nhập, nhân dân An Lễ luôn đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống cần cù lao động sản xuất, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương đổi mới. 

Ông Đinh Văn Thuẫn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Nắm chắc đường lối của Đảng: “Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng và an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên”, Đảng bộ, chính quyền xã đã tích cực, nghiêm túc triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng bằng việc cụ thể hóa trong các nghị quyết, đề án sát thực, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Địa phương đang tiếp tục đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nghề, làng nghề, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, thu hút đầu tư, tạo việc làm để nâng cao thu nhập cho nhân dân địa phương. Nhờ thế, kinh tế của An Lễ có tốc độ tăng trưởng khá, 6 tháng đầu năm 2017 tổng thu nhập đạt trên 97 tỷ đồng, đạt 53% kế hoạch năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, nông nghiệp chiếm tỷ trọng 29,4%, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng 31,5%, thương mại, dịch vụ 39,1%. Thu nhập bình quân đấu người đạt trên 32 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn dưới 3%. 

Tuy địa phương không có thế mạnh trong sản xuất lúa song với thành công của công tác dồn điền đổi thửa cùng cơ chế hỗ trợ sản xuất phù hợp và những định hướng được chỉ rõ trong xây dựng nông thôn mới, nông dân An Lễ đã mạnh dạn đầu tư máy móc, giải phóng sức lao động, tiếp thu và đưa vào gieo trồng các loại giống lúa, cây màu có ưu thế trên thị trường. Với diện tích canh tác lúa 284,1ha, năng suất lúa trung bình hàng năm đạt trên 65 tạ/ha, sản lượng gần 1.900 tấn. Cơ cấu lúa xuân ngắn ngày trà muộn đạt 100% giúp phát triển cây màu vụ đông, nâng cao thu nhập cho các gia đình. Cùng với đó, chăn nuôi đang được địa phương tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh, nâng cao chất lượng, đa dạng loại hình theo hướng công nghiệp, chủ động làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh tại các gia trại quy mô tập trung trên các vùng chuyển đổi.

Từ xa xưa, những manh chiếu cói được người thợ An Lễ một nắng hai sương dệt nên, từ lâu đã theo quốc lộ 10 ngược xuôi trăm miền, tạo thành thương hiệu và niềm tự hào cho vùng quê giàu truyền thống. Ngày nay, các nghề tiểu thủ công nghiệp tại địa phương vẫn được duy trì và phát triển như dệt chiếu máy, làm giấy tiền, may công nghiệp cùng nhiều nghề phụ khác. Nhiều sản phẩm xây dựng được thị trường tiêu thụ ổn định, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động. Sản phẩm chiếu cói An Lễ đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận và bảo vệ quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể sản phẩm “Cói Quỳnh Phụ”. 

Ông Nguyễn Xuân Hòa, chủ cơ sở sản xuất chiếu cói Xuân Hòa chia sẻ: Với truyền thống lịch sử đồng thời phát huy thế mạnh của địa phương cùng những đặc sắc trong lễ hội đền Đồng Bằng và đặc sản chiếu cói, chúng tôi rất vui mừng khi thấy quê hương An Lễ ngày nay đã có những bước phát triển vượt bậc, cơ sở hạ tầng nông thôn mới được xây dựng khang trang, đời sống nhân dân có nhiều khởi sắc, thu nhập tăng cao.

Kinh tế tăng trưởng ổn định tạo cơ sở quan trọng để An Lễ đầu tư, phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị của địa phương với trên 85% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống tại lễ hội đền Đồng Bằng được lưu giữ, bảo tồn, phát huy, thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, tạo thành nét đẹp truyền thống, đặc trưng và là niềm tự hào của nhân dân địa phương.

Phát huy truyền thống của quê hương, với tinh thần đoàn kết, cần cù lao động, sáng tạo, đổi mới, mỗi người dân An Lễ đang góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, tạo diện mạo mới, sức sống mới trên vùng đất cổ.