Cầu Bo qua phố (Kỳ 2)
Kỳ 2: Đệ Nhất phố
Ngày 20/1/1906, Thống sứ ra Nghị định hoạch định chu vi thị xã; ngày 20/10/1932 ra Nghị định điều chỉnh ba con đường cho thẳng phố Đệ Nhất nằm ở phía Bắc, người Tây gọi là Duyn-pic-kê, chạy qua cửa đền Mẫu, hay còn gọi là phố Mẫu (nay là phố Lê Lợi). Phố ấy nhiều cỏ cây, gió lá đầy vẻ suy tư bởi đền Mẫu lúc nào cũng hương khói mơ màng với tiếng đàn giọng hát. Phía Nam gọi là Đệ Nhị, Tây gọi là Ác-măng-rút-xô, có nhà Vọng Cung, nơi Nam Triều tế lễ vào các ngày sóc vọng. Cửa Vọng Cung có bụi tường vi, quanh năm hoa nở như những cụm mây màu hồng nhạt. Một vài gốc đào cuối tháng Giêng hoa chưa nở hết. Cây mơ đầu ngõ nhà Vọng quả non phơn phớt lông nhung khiến mấy cô gái dùng dằng không muốn cất bước xa…
Phố Đông mơ mộng nằm từ đền Trần Lãm (sau dinh Công Sứ) ra bờ mương dài 300 mét, gọi là phố Đệ Tam. Ở đấy, cạnh bờ sông bán nhiều tre nứa, còn gọi là phố Giá Nứa. Đệ Tam, phố vắng người thưa...
Từ năm 1954, phố Đệ Nhất đổi thành phố Lê Lợi, Đệ Nhị đổi thành Tô Hiệu, Đệ Tam đổi thành Đề Thám. Theo thông số về Thái Bình (1936), người Pháp khi mới lập tỉnh có 22 khẩu (kể cả vợ con), người Hoa đã có 251 khẩu, hầu hết ở phố Đệ Nhất, phố đó được mệnh danh là phố Khách. Phố Khách chạy từ cầu Bo cũ tới ngã tư gối đầu với phố Hai Bà, chỗ vườn hoa chéo.
Tòa sứ Pháp - Chánh sứ kho bạc - Lục Lộ - Sở Cẩm - Nhà Đoan - Nhà dây thép (Bưu điện) cũng nằm trên phố Lê Lợi. Người đi lễ vào đền hoặc ngồi hầu đồng, hát chầu văn, cầu phúc lộc thường ngâm ngợi câu thơ ai viết: “Mẫu ngồi gương mặt trầm tư thế/Khắc khoải nghìn năm đến bây giờ”. Ông Đào Huấn người Bồ Xuyên trông coi đền, con gái ông Huấn tên là Nga, ngày sóc vọng dẫn đầu đoàn lễ.
Phía tay trái đi từ cầu Bo vào là đền Tam Thánh, sau này cảnh sát Pháp chiếm giữ, rồi đến thời cách mạng công an ở. Trước cửa đền Mẫu và đền Tam Thánh, hàng ngày khách đến lễ thường gặp ông Đàn, người Nam Định, đeo kính đen với cái tráp then sơn ta ngồi trên chiếc chiếu hoa, hai tay lần giở trên hai tờ giấy “tiền” (trang kim) xem bói.
Ông xem “trúng” lắm. Người xem ngày càng đông. Sau năm 1945, có anh cán bộ đằng mình cho bắt ông Đàn vào nơi làm việc xem cho chính mình. Ông Đàn nói: “Tôi xem cho ông nếu không đúng ông cho người bắt tôi vào trại giam. Nếu đúng, ông tính sao”.
“Đồng chí” đó đồng ý. Ông Đàn xem đi xem lại, quả quyết rằng: “Ông chết vào năm 49 tuổi. Chết không trọn vẹn”. Người thị xã ngẫm lại, quả ông đó chết năm 49 tuổi và phải mổ vì bệnh tim. Phải nói ông Đàn là người biết trọng chữ tín, lại thật thà. Cái đó cũng từ văn hóa sống mà ra. Nghe chuyện ông Đàn, thấy sự hiểu biết của mình bằng mắt muỗi còn sự chưa biết như trời sao mênh mông...
*
* *
Ba cửa hiệu buôn thuốc bắc Đức Mỹ - Đức Xương - Đức Hợp ở liền vách nhau. Chủ hiệu đều từ làng Đa Ngưu, Văn Giang, Hưng Yên chèo thuyền chạy lụt sang Thái Bình mở hiệu buôn thuốc sinh sống.
Những cửa hiệu lớn của người Tàu ở xen kẽ với các hiệu buôn lớn Tế Xương - Tiến Đức - Hàn Bản - Nghị Luận đều nằm trên phố Lê Lợi cùng với cửa hàng người Pháp Ba-rông (Baron) bán bia chai, nằm sát Trường Thành Chung - Trường Mẫu (Modele).
Theo cụ Đức Phúc, số nhà 527 phố Lý Bôn - con trai cả cụ Đức Mỹ người phố Lê Lợi, hồi nhà cụ chạy sang thị xã chưa có mấy người. Dân chủ yếu là người Tàu chạy loạn. Đất rộng, ai muốn ở đâu cắm cọc chăng dây dựng nhà mà ở, không phải tranh đoạt đất đai của nhau. Đất là thứ vô chủ, ai thích thế nào tùy ý. Dân Tàu đặt đòn gánh lên vai, hoặc bỏ đòn gánh xuống đều tìm cách mở hiệu. Vốn to sạp to, vốn nhỏ sạp nhỏ, không vốn đi bán hàng rong như pháo sáng, ô mai, nước thạch găng, kẹo… Có anh chỉ vài trăm hạt lạc rang, vài gói ô mai cũng mở cửa hàng hoặc khoác đi rong trên phố. Họ thạo việc, không chịu ngồi yên nên chỗ anh Tàu ở bao giờ cũng đông vui sầm uất, nhiều tiếng cười nói, đèn đuốc dập dìu.
Người ta nhớ, phía tay phải phố Lê Lợi có nhà buôn Quảng Nghĩa Hòa - nhà buôn Hậu Hưng - nhà Di Hưng Long (bán tạp hóa) - nhà Hiền Kí - hiệu Phúc Kiến - hiệu Kì Xưng Cư (hay gọi tửu lầu) - hiệu Vạn Phát Tường. Chỗ giáp đài truyền hình có nhà Tống Sáng buôn rượu rồi đến nhà tiệc Tàu. Trong phố có bà Dân Tàu ăn chơi nổi tiếng. Kế bên nhà Chấn Sinh Đường chuyên bán thuốc bắc, hiệu Cát Tường chuyên bán vải. Hiệu Lim Tan (người Phúc Kiến) bán đồ hộp, rượu tây. Hiệu Vạn Phát Tường chuyên làm bánh trung thu, nặn lợn bột nướng, kết đèn kéo quân.
Hàng của Vạn Phát Tường nổi tiếng, lan sang cả Nam Định, người ta biết đến ông Vạn Phát Tường đâu phải là môi lưỡi chào mời. Ông không mang thân xác của mình ra giễu cợt bằng sự giả dối với đời. Tiếng nói chất lượng là hàng hiệu. Ông Tường chết, bà vợ một tay chèo chống vẫn giữ được gia sản kếch sù cho tới lúc rời khỏi Thái Bình.
Mấy anh “Tàu vô sản” nghèo nhảy ra làm nghề phu kéo xe, nổi tiếng là Thọ Tàu, tính nết hiền lành, chăm chỉ, biết chăm lo cái đệm cho khách mỗi khi họ ngồi lên xe mình. Đệm dù có rách đôi ba miếng nhưng lúc nào cũng sạch, không hạt bụi.
Anh Phoóc Tàu ở cuối đường làm thủ môn bóng đá, các cuộc đấu ít khi anh để bẩn lưới.
Dân cư phố Đệ Nhất thường nhắc đến Tống Sáng. Ông ta từ Đống Năm chạy về mở cửa hàng rượu, hai vợ chồng đều trẻ đẹp, nghe đâu ông là con nghiện nặng, cũng là tay chơi đáo để. Căn nhà Tống Sáng nghe nói trước đẹp như cánh chim bay, sau này trở nên túng bấn xập xệ, đứng chơ vơ trong gió như cái tổ quạ ở sát vườn hoa chéo.
Thuốc Tống Sáng dùng vào loại tốt của người Tày từ ngược chuyển về. Họ Tống lúc nào cũng cầm quạt thong thả dạo chơi trong vườn rộng, đầy cây xanh. Ông ta mặc áo “xường xám”, đội mũ gấm đen, có quả bông đỏ trên chóp. Hàng ngày nắm tay vợ dắt vào thư phòng. Bà mặc quần thoa, áo đẹp, cổ đeo vòng bạc thường có con A Đẩu theo sau rập đầu nghe sai bảo. Cuộc sống sớm sớm hàn thực, tối tối nguyên tiêu, thoắt cái đã bước vào cảnh khốn khó. Những năm gia cảnh tiêu điều, ông vẫn ăn mặc như thế nhưng cái áo đã đổi màu, da mặt Tống Sáng đâu còn là “Tống Sáng”. Có mấy quả bầu nậm treo trên giàn ngoài sân, cứ sáng ra lão cắt xuống sai gia nhân cho vào nồi luộc, cả nhà xúm xít bốc chấm muối vừng ăn trừ bữa, không còn cảnh tối tối đưa ông lên giường, cởi áo ngủ, không còn cảnh bà Tống sớm sai bày rượu và món canh nóng tự thân bà đi vào thư phòng lên tiếng mời ông.
Lúc còn máu mặt, lão nằm kéo thuốc, chuột từ góc nhà chạy ra ngửi mùi thuốc rồi quen, chuột cũng nghiện. Có lúc nó tìm cách rúc vào người lão kêu rinh rích, đuổi không chạy. Lão bảo vợ con: “Chuột cười ta đấy!”. Trong nhà lão nuôi con sấu cá bạc má, cổ dài, mỏ nhọn. Họ Tống làm dáng cho con sấu bằng sợi dây vải lanh đỏ buộc ở cổ. Loại chim này mỗi vùng miền có tên gọi riêng, có nơi còn gọi là con cốc, “cốc mò cò ăn”.
Nhiều thuyền chài cũng nuôi sấu cá, nó là con vật gần gũi, trung thành với chủ. Chủ đi trước, với đôi chân cao ngẳng “tớ” dò dẫm theo sau. Chủ ngồi ăn cơm, “tớ” ngồi cạnh đớp ruồi. Ở Bến En (Thanh Hóa) hiện nay còn vài con sấu cá được vợ chồng lão chài nuôi cẩn thận.
Có người kể sông Ly thuộc Quế Lâm, Trung Quốc cũng có loại chim bắt cá. Nó chẳng khác gì sấu cá bên ta. Khi bắt được cá dưới sông nó không ăn. Chim bay lên đậu trên cành cây ngân hạnh, nhả cá xuống cho người đi qua. Ai nhặt được con cá đó coi là điều may mắn, gặp khách sang trọng nấu cá đãi đằng. Nên tài tử giai nhân các nơi đến đều muốn về Quế Lâm, mong được ăn cá sông Ly. Một lần được làm người sang trọng.
Sấu cá bao giờ cũng đỗ ở đầu thuyền, phóng mắt xuống nước sâu một vài mét. Khi phát hiện mồi nó như con cắt lao xuống dùng mỏ cặp cá bay lên. Con nhỏ ăn ngay, con lớn mang về cho chủ bởi trong cổ sấu cá có chiếc xương vòng tròn nên không nuốt được cá lớn. Loài chim này thường ở đầm hoang kiếm sống, khi bắt được cá to thường nhường cho bác cò trắng nên mới có câu ca trên để người đời nói về sự bất công trong xã hội.
Sấu cá Tống Sáng nuôi to con, màu đen, bạc má, chẳng bao giờ xa chủ. Nhiều bữa đồ đánh nhắm của Tống Sáng do sấu cá mò về, có hôm miệng sấu cá cặp cá bay tới đầu sân, con mèo định “cướp” nó liền vọt lên ngọn cây đậu chờ Tống Sáng bước ra sân mới sà xuống nhả cá cho chủ.
Đầm lầy chung quanh thị xã vô chủ, cá tôm nhiều vô kể. Sáng nào sấu cá cũng đi kiếm mồi sớm, gần trưa mới bay về. Ngày ngày sấu cá lần mò chăm chỉ như thế. Chẳng biết tại sao? Sau này sấu cá không kiếm được mồi, họ Tống tức giận đuổi đi, cũng không dám ra tay đập nó. Chủ tớ chia tay nhau trong cảnh bần hàn. Đi nhưng vẫn nhớ mùi thuốc, có sáng nhớ chủ bay về đậu trên ngọn cây thầu dầu trước ngõ. Tống Sáng sai con vác sào đập đuổi. Sấu cá giận bỏ đi hẳn...
Cho đến một hôm, nhà Tống Sáng có chuyện. Thằng con trai mới được vài ba tuổi da trắng như bột lọc, mặc áo đỏ, khôn ngoan như đứa lên mười, trông nó xinh lắm. Điều gì nó cũng nói ra được. Buổi sáng bé dậy chạy nhảy ở sân với con cún, miệng ngậm chiếc đũa ăn chẳng may ngã vập mặt xuống đất, đũa xuyên thủng cổ. Thằng bé giãy chết trước mắt Tống Sáng. Nó chết không nhắm được mắt. Tự nhiên Tống Sáng đưa năm đầu ngón tay nhọn móng cào cấu chính cổ mình, cào đến nỗi rách da, phọt máu. Lên tiếng gọi gia nhân, tai lắng nghe mọi phía không thấy động tĩnh, lão bật khóc gào to: “Chúng bay đâu cả?”. Bỗng có tiếng nói vọng vào: “Trời sẽ đánh mày. Mày dám đuổi sấu cá đi…”. Lão trợn mắt lắng nghe giọng người hay giọng ma như từ dưới huyệt mộ nhà mình chui lên… Lão đang sống trong tâm trạng kinh hãi, bỗng có tiếng đập ngoài cánh cổng. Lão hỏi vọng ra: “Ai đó?”. Sau lắng nghe đó là tiếng con sấu cá. Con sấu cá từ đâu bay về cất tiếng như tiếng người khóc, nó sà xuống sân, xòe đôi cánh quẹt lên mặt bé. Đôi mắt thông minh của bé từ từ khép lại. Đấy là chuyện có thật, khó ai cắt nghĩa được.
Nhà Tống Sáng bắt đầu có chuyện. Bố con, anh em lục đục. Người hàng xóm bảo: “Tống Sáng ăn ở thất đức ngay cả với con sấu cá nên trời phạt”. Lời đồn thổi nghe chua ngoa quá! Cô con gái tên là Tống Mỳ xinh nhất cũng bỏ đi, Tống Mục phiêu bạt đâu, ai biết? Chỉ còn Tống Và vào Sài Gòn thì phải?
Văn hóa Tàu thật đa dạng. Người Tàu thích dùng màu đỏ, đỏ như lửa cháy. Nhà ở phố Đệ Nhất nối nhau như vương phủ sầm uất. Họ làm nhà, đặt tên phố cũng thật độc đáo. Văn hóa Bắc Kinh mê hoặc lòng người, nhà ở thiết kế theo kiểu bậc thang lên xuống, nhịp điệu quay theo hướng Bắc - Nam.
Những ngày mưa thu, khi sương sớm hoặc mưa xuân lãng đãng, dãy phố Khách (Đệ Nhất) mây bay trắng nõn như nước suối Cù Đường đổ xuống, trong veo, tinh khiết. Khởi thủy vùng đất Đệ Nhất cũng mộc, đơn giản, thanh tịnh, ít người qua lại. Người Tàu đến cùng người phố thị đi trong sương, bơi vào phố cổ. Trong dòng sông Trà Lý, chỗ cầu Bo cũ ta như nhận ra bóng dáng Tây Thi đang đập lụa dưới chân cầu. Tối đứng trên bờ cỏ non, nghe chân cầu nước chảy, ngẩng mặt ngắm trăng, nghĩ đến vẻ đẹp của Điêu Thuyền nhìn trăng, trăng thẹn…
Người Tàu chạy loạn sang Việt Nam, trụ lại phố thị Thái Bình có nhiều vùng miền khác nhau. Cái ăn mặc của anh ta cũng có trường phái riêng. Anh Sơn Đông thích nồng đượm nhiều hành tỏi. Anh Quảng Đông ưa dịu nhẹ. Anh Hồ Nam thích nước béo, hương thơm. Có vùng như An Huy thích đồ nướng. Cái ăn, cái mặc, nếp nhà ở, hương vị ẩm thực người Tàu mang vào Thái Bình thật lắm sắc màu. Bước vào quán Khách người mình hay nghĩ đến miếng thịt quay dầm trong bát xì dầu đặc sánh, đậm mùi tỏi ớt. Họ ăn ớt tươi như người mình ăn khoai sống.
Quán Kì Xưng Cư nổi tiếng nằm giữa phố Đệ Nhất món ăn ngon, nước chấm dịu nhẹ, đa dạng, hợp với dân mình. Ông chủ Kì Xưng Cư thật “hóm hỉnh”, nắm vững tâm lý dân mình, lúc ăn ưa tĩnh lặng. Khách thích ngồi với nhau thành từng “nhóm” bàn việc làm ăn. Chủ quán ngăn cửa hàng thành từng buồng nhỏ, có chỗ đủ năm ba người, có chỗ mươi người, có nơi ấm áp đủ chỗ cho đôi nam nữ tình tứ. Cửa mỗi phòng ăn treo tấm vải hoa in hình con công, con phượng thả thõng xuống tận sàn gỗ, tha thướt chao lượn, thấp thoáng như váy tố nữ đáng yêu. Các phòng ngăn nhau bằng những tấm gỗ dày ghép khít, con kiến không chui qua được bởi đường hèm anh thợ soi rất điệu nghệ. Bàn ăn tròn hoặc vuông, trên mặt phủ vải điều, ống diệu đũa sơn mài, những đôi đũa màu mun chạm trổ thật tinh xảo, khẽ động vào là phát ra tiếng như nhạc điệu Tây Hồ. Mỗi phòng có cô gái Tàu chăm sóc khách, mặt tròn như trăng, môi đỏ chót, má hồng với hai đuôi tóc vắt vẻo. Hàng tóc trước trán được cắt tỉa thật ngay ngắn, cốt để khoe ra sự thanh tú. Đôi mắt ấy, đôi môi ấy lúc nào cũng nở nụ cười, mỗi lần tiễn khách ra cửa thường cúi rạp xuống, hai tay khoanh trước ngực, miệng ngọc cất lên hai tiếng “chen chai” hẹn ngày gặp lại.
Trường phái ẩm thực của người Tàu như thế. Không trách, thập kỷ ngoài hai mươi đầy biến động, tất bật với công việc “Bush” cha – “Bush” con, người Mỹ khi tới Bắc Kinh cũng không bỏ được miếng thịt vịt quay màu da bánh mật, giòn, béo mà không ngấy, mềm nhưng không nhũn. Người ta đồn rằng: “Muốn tim mạch tốt, da đẹp, hãy tìm đến cửa hàng vịt quay Toàn Đức Tụ, Bắc Kinh”.
Nhiều cô gái trong quán Tàu - Phúc Kiến - Kì Xưng Cư thướt tha như cành liễu, mềm như gió xuân. Nét hoa trong cô đang nhú lên những mầm nụ đầu mùa phơn phớt. Cái máy hát cũ kỹ phát ra những âm thanh xa xăm nhớ nhung. Thực khách kéo đến đây ăn uống ngày càng đông, trong lòng khao khát cuồn cuộn như lũ sóng… Rồi anh nào cũng ước mơ…
Có người mụ mị hẳn đi trong cái đẹp nồng nàn của cô A Cứu. Ông khách đứng trước cô mơ màng nhìn dòng sông Trà Lý rồi ngước mắt xa hơn nữa thấy những vòng cánh cung bằng sắt khum khum như vành lược hai sườn cầu Bo bắc qua sông, bên kia Hoàng Diệu là cánh đồng xanh lơ dải khói chiều của dân nghèo Đồng Lôi - Lạc Đạo. Thân ông như bị đóng đinh ở sàn nhà quán Kì Xưng Cư. Thực ra, con mắt A Cứu đã làm ông chết lịm.
Thằng què lết vào tửu điếm xin ăn trong lúc Đức Phúc đang xì xụp bát mì vằn thắn bốc khói. Đôi môi đỏ của ông mút chùn chụt sợi mì vàng kéo lên từ lòng chiếc bát cổ. Chỗ ngồi của phòng Đức Phúc được chủ hàng trổ ra cái cửa sổ vuông chằn chặn. Khách đánh mắt qua cửa sổ bắt gặp cái sân rộng, giàn hoa thiên lý đang thả hương dịu nhẹ. Dưới giàn, chủ tiệm cho kê chiếc bàn dài, năm bảy đứa con gái vây quanh cười nói líu lô như cái chợ “cóc”. Chậu bột trắng trộn với lòng đỏ trứng gà nắm thành từng quả to như chú lợn con nằm duỗi chân trên mặt bàn đen thặm. Mấy đứa con gái vật quả bột đến khéo, xếp dọc bàn. Những ngón tay như búp ngọc, yểu điệu véo từng tí bột đặt lên bàn gỗ vừa rây bột trắng (cho khỏi dính), dùng ống nứa lăn đi lăn lại, mỏng tang. Cô gái khác lột lên bọc lấy nhân thịt băm viên, khẽ xoắn lại thành núm, đẹp như nụ hoa sắp nở đang xòe cánh thơm rồi nhẹ tay thả vào nồi nước dùng sôi ùng ục ngào ngạt hương thơm trong bếp lửa.
Thịt viên chín khắc nổi lên mặt nồi nước dùng, người đầu bếp lấy muôi vớt từng viên đặt vào bát mì bốc hơi nóng ngùn ngụt. Sự cẩn thận, tỉ mỉ thật đáng yêu. Cô ta đếm đủ mười viên mọc rồi đặt vào xung quanh bát ba miếng bóng, năm lát lạp xường, ba miếng gan lợn lát mỏng, dăm bảy miếng thịt gà xé phay, năm miếng thịt xá xíu nhuộm đỏ và không quên đặt thêm vài ba miếng dạ dày lợn. Nồi nước dùng tửu quán thật thơm tho. Ngoài xương sườn, xương cục, xương ống trâu bò, ông chủ không quên lấy những con cá rô đồng, bọc đất sét đem nướng, vừa đủ độ chín, đập vỡ vỏ, cho vào cối giã tinh như bột, túm vào vải phin nõn thả vào nước dùng tranh lấy cái vị thơm vừa thanh vừa ngọt… Một trăm bát, một nghìn bát mì vằn thắn trong quán vẫn giữ được chất của nó, dù mấy năm sau cũng vậy. Cái cách chăm sóc bát mì thật tỉ mỉ, chu đáo và kỹ lưỡng, như người mẹ ngồi đan áo cho con vào mùa rét khiến người vào không muốn ra, ngồi xuống không muốn đứng lên, đến rồi lại muốn đến nữa. Ai đến cũng thấy thòm thèm, nhơ nhớ tửu lầu Kì Xưng Cư.
Khách mọi thời qua Thái Bình chưa ghé tửu lầu Kì Xưng Cư, chưa qua hát một canh giờ phố cô đầu An Tập coi như chưa đến Thái Bình. Ăn mì vằn thắn, nghe cô gái Tàu hát í ơ… trong quán Khách, nhìn ngắm vẻ đẹp A Cứu rồi tự nhiên anh nào anh nấy xuýt xoa “giá giờ được ngồi bên cô gái Tàu, có tục bó chân thời Tống, hoặc cô mặc áo cánh từ thời Thanh, có thú không?”.
Khách vào tửu lầu hay chú ý tới cung cách ông chủ họ Kì, người thấp lùn, tay luôn cầm cái tẩu dài nửa mét nhồi đầy thuốc. Thi thoảng ông mút một hơi, cổ đầy khói rồi tự nhiên phả ra mù mịt. Gặp việc không vừa ý ông chủ lừ mắt với gia nhân. Bỗng nhiên tay giơ cao cán tẩu gõ thật mạnh vào cái thau đồng đựng đầy nước cho khách rửa tay trước khi ăn làm nước bắn tung tóe. Cánh gia nhân biết đấy là thái độ ông chủ đối với ai trái lệnh ông trong việc bếp núc hoặc chất lượng bát mì đơm đặt chưa khéo, chưa đẹp. Có khi tiếng gõ ấy báo hiệu cho những đứa gái hầu khách chưa thật chu đáo thì giờ hồn. Ông ta kiếm tiền rất mẹo mực, coi khách là thượng đế. Câu ấy đối với ông mới thực nghĩa.
Theo sau họ Kì lúc nào cũng có bước đi dịu nhẹ của A Cứu. Nó xinh lắm, hai má đỏ như đào Quý Châu. Lúc nhận tiền từ tay thực khách thì nghiêng đầu, mắt hơi chớp làm duyên, không quên thưởng cho khách nụ cười.
Phải kể đến một u già luôn biết giữ lửa bếp. Ngọn lửa là quyền lực của u. U luôn thập thò đứng ngay cửa ra vào. Mắt hấp háy đảo nhìn nồi nước dùng, lo ngọn lửa cháy sao cho đủ độ. Tóc u già gặp gió từ sông Trà rót vào hành lang thổi bạc mái buồn như mưa đông.
Ba con người đó luôn giữ cho giá trị của bát mì vằn thắn không thay đổi, không đánh mất cái ngon, vẻ đẹp trong miếng ăn trên đất Việt. Nó là cái thang mây dẫn khách vào “tửu lầu”.
Hôm lão đứng ở đầu bàn, Đức Phúc hỏi lão họ Kì:
- Ông bán hàng này đã bao lâu rồi?
- Không ai nhớ mấy năm, chỉ nhớ mấy đời thôi. Cố nội “ngổ” bán mì vằn thắn. Đời bố “ngổ” cũng đốt lửa bán mì. Lúc loạn lạc “ngổ” chạy sang đây mang nghề bố truyền lại bưng bát mì cho khách ăn. Thằng con lớn “ngổ” cho ở riêng cũng gánh hàng lên Hà Nội theo nghề “ngổ” bán mì vằn thắn.
- Sao không làm nghề khác mà cứ bán mì vằn thắn?
- Nghề gì “ngổ” thấy thích, thấy mình thạo việc “ngổ” làm. “Ngổ” thích làm cho cái miệng của khách ăn ngon, cái bụng của khách no. Miếng ngon làm cái đầu khách luôn nhớ tới “ngổ”, không ai quên cửa hàng của “ngổ”.
- Cửa hàng ông đông người ăn chắc lãi nhiều lắm?
- Cái hầu bao “ngổ” “lóp lép” lắm. Muốn lấy được nhiều tiền của khách phải “làm điêu”, “nói dối”, “ngổ” không làm được. Bát mì của khách mình thu ba hào, phải trả cho người ăn hai hào chín, ăn lãi một xu nuôi cánh gia nhân thôi. Thật thà, tử tế hôm sau họ lại đến với “ngổ”, điêu toa họ ghét “ngổ”, bỏ cửa hàng “ngổ” mà đi. Không có người đến ăn lấy gì nuôi nhau?
- Cửa hàng to nhất phố, sao tôi cứ thấy ông ăn cháo trắng với củ cải muối?
- “Ngổ” ăn quen rồi. Ăn ngon hơn khách, dễ mất cả vốn lẫn lãi. Lúc ấy “ngổ” chắc chỉ có nhảy vào bếp để cánh gia nhân thui như thui con chuột.
Đức Phúc cười nhìn lão một cách hóm hỉnh rồi hỏi thêm:
- Ông bảo sống tử tế, sao hôm nọ tôi thấy ông lấy tẩu thuốc đánh con đầu bếp?
- Cái con đầu bếp này cũng hư quá. Bát mì của người ta phải đủ mười viên mọc, nó đặt có tám viên thôi. “Ngổ” biết nó ăn vụng của khách, “ngổ” phải đánh. Đánh nó là để giữ bát cơm hàng ngày cho nó. Quán “ngổ” to thế này, không mắt trước mắt sau, mỗi đứa ăn cắp một tí, khách bỏ “ngổ” mà đi…
- Quán đông, ông trông làm sao hết việc?
- “Ngổ” chỉ quản cái bát mì đưa lên, u già quản mấy đứa ở bếp, A Cứu quản tiền bạc. Mỗi người một việc, ai làm hỏng đâu người ấy chịu đòn, kể cả u già của “ngổ” cũng chung luật.
- Vì sao ông coi trọng khách thế?
- Vì họ là thượng đế, vì họ nuôi sống “ngổ” và gia nhân. Và thượng đế lại sinh ra thượng đế. Mỗi người mỗi ngày dẫn đến cho “ngổ” thêm một khách, cái lãi của “ngổ” nó ở khách ăn chứ đâu ở mình.
Đức Phúc cười lớn: Không trách người ta bảo cửa hàng Kì Xưng Cư có ông chủ tốt.
Anh Hồng Kí thấy Kì Xưng Cư làm ăn được, nổi đóa từ Nam Định chạy sang phố Đệ Nhất mở quán tranh khách. Vốn liếng ít, miếng viên thịt nhão, thiếu cả vị “Bắc”, dở ẹc. Người mang phận bạc y (áo mỏng) lại đi choạnh chọe với đời. Chết là phải! Họ Kì đang chiếm thế, ra tay vài “chưởng” trong cách làm ăn, quán Hồng Kì đổ chạy về Nam Định với món nợ kếch sù. Người phố thị bảo nhau: Anh Hồng Kì hóc xương cá rô của nhà hàng Kì Xưng Cư, thổ ra không được, nuốt vào không xong.
Chỗ cửa hàng Phúc Kiến (tiệm rượu) mở gần đó, hai ông chủ nhịp nhàng tương hỗ nhau theo nhịp điệu trầm bổng Bắc Kinh, khách hai tiệm đều đông. Lúc chiều tà, người đứng trên cầu Bo thường bắt gặp những đám mây màu bạc dạt vào, bao phủ lấy phố cổ Đệ Nhất như một miền cổ tích bơi trong sương.
Tiếng Phúc Kiến thật khó nghe. Họ nói chỉ người trong nhà hiểu với nhau. Trong khi cái mạnh ẩm thực của Phúc Kiến là chế biến hải sản, Thái Bình đâu nhiều hải sản. Họ quay sang mở tiệm bán rượu vang đỏ và sâm panh để hốt bạc. Kiểu chơi này cũng “độc chiêu” đấy. Gia đình Phúc Kiến thuê ông Bè chở rượu vang từ Nam Định về. Ông có người con trai tên là Tiệc. Dân phố gọi là “Tiệc Tàu”.
Lạ nhất là sau gáy ông Bè có một bướu thịt to bằng nắm tay tóc trườm lên không hết. Cục thịt chứa đầy mỡ lùng nhùng, đỏ hon hỏn như quả cà dái dê. Nhiều lúc trông cục thịt thừa đập sau gáy khiến trẻ con khiếp vía. Ông nhận chân kéo xe. Trên xe lúc nào cũng lắc lư hai thùng rượu to “phình phường” ghép gỗ, phom hình tang trống, có đai tre bao quanh. Vai ông quàng hai sợi chão theo kiểu chéo cánh sẻ quấn rẻ rách xù như lông quạ. Bàn chân đạp đất, ống chân quấn vải bó như người Tàu. Đôi bàn chân to bè cáu bẩn được đút vào đôi giày ếch há mõm. Hai chiếc càng xe kẹp giữa con người gày nhom nhấp nhổm chạy từ phía Nam Định về. Qua phà Tân Đệ, lên dốc, cuộc kéo mệt đến đứt hơi…
Lên phà rồi, xe chạy nhẹ trên đường đá, lưng ông vẫn gò xuống một cách khổ hạnh. Ông như lão Ca mã phu cần mẫn chở rượu cho Vương Chí Sình (vua Mèo) Hà Giang. Khác lão Ca, tối về ông Bè không được lão già Phúc Kiến thưởng cho cốc rượu.
Vào đầu phố Đệ Nhất, đám trẻ suốt ngày bêu nắng tinh nghịch chạy theo. Có lúc chúng đẩy xe hộ, ông Bè vui lắm. Lợi dụng lúc ông vui, một thằng quỷ đã nhảy lên đưa tay bóp cái u thịt thừa đỏ ối khiến ông kêu oai oái. Ông chửi: Tiên sư cái thằng mất dạy.
Đến lúc ông bỏ được tay xe xuống đường, quay mặt lại thì thằng mất dạy đã chạy ra giữa đường réo lên: Eo ôi! Nó như dái bò nóng hổi. Chiều muộn, nắng hắt vào làm gương mặt ông đỏ lên như đít gà trống.
Anh Tiệc con ông sau ngày giải phóng (1954) đã biết kéo đàn ắc-coóc giỏi lắm. Phố phường mở hội hoặc dinh quan tổng đốc, quan phủ huyện mở tiệc, thế nào cũng có rượu vang đỏ và tiếng đàn ắc-coóc. Mùi thơm của vang hòa vào tiếng đàn lại có gái nhảy, cuộc vui có thể thâu đêm suốt sáng. Hiệu Phúc Kiến hốt bạc theo cách đó. Dân phố bảo: Dân Tàu kiếm tiền bợm thật! Mặt anh Tiệc khác gì mặt con kì đà, hai má cháy nắng quắt lại như lưỡi cày gãy mũi. Hai chân khuỳnh khoàng, lúc kéo đàn khép chặt như dính lại rồi bỗng dưng khuỳnh ra. Tiếng đàn Tây thời ấy lạ tai, là mốt mới với người Việt khiến những cô gái đường phố đứng nghe không muốn về…
Phía tay phải nhà Phúc Kiến có hiệu ông Tô Lý người Việt đóng giày nổi tiếng. Rồi đến hiệu Hồng Kí cao lâu lầu, kế đến đền Mẫu, đêm đêm phố xá đông vui. Khách uống vang đỏ, mở sâm panh toàn người sang trọng. Mỗi cửa hàng có tới ba bốn chiếc đèn măng-xông ánh sáng xanh lè, thở phè phè như rắn mang bành thổi gió khi gặp đối phương. Thứ ánh sáng xanh hắt ra làm cho phố thị vui lên đôi chút.
Phố Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam lộn xộn khi lính Tàu sang. Người phố Khách bắt đầu lên mặt. “Tàu ô” bước vào làm gương mặt phố xá méo mó. Nó mặc vải thô, màu lá bàng cháy, đầu đội mũ vải trờm gáy, chân quấn xà cạp. Đứa nào cũng mắc bệnh phù thũng, nước vàng chảy rình. Chân lội trong bùn đất, đâu có giày dép. Gặp miếng sống, miếng chín đều cướp trên tay người Việt ấn vào mồm. Các bà, các chị đi chợ thấy vậy đều giơ đòn gánh đánh lại.
Bọn nó mở trại giám binh ngay đầu đường Lê Lợi giáp với nhà máy xay (khách sạn cầu Bo cũ), tường xây cao bao quanh trại lính, có cổng gác. Thế mà đêm đêm bọn “Tàu ô” vẫn trèo tường...
Cô gái nhà lành trong phố vừa dắt xe đạp ra ngõ Vọng Cung thì bị thằng lính Tàu “cướp” chạy mất hút vào bóng đêm. Thanh niên phố không chịu nổi, mấy anh kiếm đâu được khẩu súng Tàu Tưởng to tổ bố. Súng trong tay, chưa biết bắn chác thế nào. Anh Như con bà Tư Nhu giằng lấy đưa lên dọa mấy thằng lính ma cà bông. Đùa thành thật, anh ta bóp cò, đạn bay trúng vào anh Kim con bà Cả Lẫm dưới Đậu. Anh Kim người cao to, đẹp như tây lai, là con cầu tự của bà Cả Lẫm. Cuộc bắn nhầm đó vào đầu năm 1946.
Nghe tin con chết, bà Cả Lẫm xổ tóc, vất đôi guốc sơn đỏ đang đi ra giữa chợ Đậu, chạy bộ lên phố ôm lấy xác con mà gào. Bà than: Đời mẹ lỡ thì con gái, đời con lỡ thì con trai. Bảo mày lấy vợ mày không nghe. Nhiều lúc mẹ nói với con một cách cay đắng: Mày sắp sửa lên chức ông cụ “phòng không” rồi. Mẹ lỡ làng may kiếm được mày, chẳng hiểu duyên âm hay duyên dương, các cụ cho. Giờ gặp cảnh này đi toi rồi con ơi. Mày đi ăn cắp bị lính Tổng đốc Vi Văn Định bắt cho ngồi tù, khi ra tù mày đọc cho mẹ nghe hai câu cánh tù dạy: “Có ho cũng phải ngậm ho/Khoanh tay bó gối ngồi cho thẳng hàng”. Thoát tù, tưởng yên cửa nhà, mẹ đi hỏi vợ cho, ai ngờ vì mấy thằng “Tàu ô” mà con phải chết…”.
Đêm đó, cánh thanh niên khênh quan tài anh Kim dọc phố đi về bãi tha ma. Vầng cỏ xanh cuối cùng được đắp lên mộ, họ nhảy xuống con cừ gần đấy rửa chân tay la cà kéo nhau về vườn hoa chéo, đón những thằng Tàu đi ăn đêm, bụng bảo dạ: “Sẽ cho bọn phù thũng một trận”.
Ngồi tới gần sáng chẳng gặp đứa nào. Chỉ gặp ngọn đèn chai của anh hàng cháo lui khui đi trong gió. Xa xa vẳng lại tiếng tom chát từ phố Cô Đầu, trong nhà cụ Cử Côn hay nhà Lục Sự. Chẳng một ai còn thiết gì nghe tiếng hát mặn nhạt cuộc đời. Họ chỉ nhớ tới anh Kim và tiếng khóc của bà cả Lẫm văng vẳng bên tai. Anh Kim chết vào khoảng cuối tháng ba. Hai cây gạo đầu vườn hoa nở tưng bừng, trời xanh ngăn ngắt. Mới sáng ra mà nóng đến khó chịu. Bà cả Lẫm cứ đứng lừ đừ trước cửa buồng, mặt trắng bệch, hai tròng mắt hơi lồi. Một mớ tóc đen từ sau gáy chảy xuống. Bà bảo với người hàng xóm: “Tôi cũng sắp hết một kiếp người rồi! Chẳng qua ông trời đày tôi xuống miền đất này, tưởng làm lụng, chịu thương chịu khó. Nay gần đến tuổi an nhàn thì mấy thằng Tàu ô tìm cách gọi con tôi đi bằng chính khẩu súng của chúng nó chế ra. Thôi! Tôi đi nằm đây. Chẳng gì bằng một giấc ngủ trưa trong thanh vắng…”.
Đức Phúc, nhà sát nhà mấy người Tàu cùng tổ chức đoàn thể đi chôn anh Kim về. Đức Phúc có hỏi một u già, suốt ngày miệng “hảo lớ”… “hảo lớ”, tay u vừa ném chiếc gộc củi vào lửa kể: “Hồi này bên nước tôi đói khát tàn tạ lắm, cuộc sống người dân như cái bàn xập xệ, như mái bếp không có khói, trong nhà không có lửa. Họ nói tuyển lính sang Việt Nam là để lừa dân, thực sự đấy là bọn người đói rách ô hợp, hàng ngày tụ bạ đứng ăn xin ở cầu tàu, bến sông”. U nhớ, giữa dòng chảy ào ào như nước lụt muốn cuốn mọi thứ chìm vào trong lũ, một chiếc tàu thủy chạy than nổ ành ạch đậu dưới sông, họ căng một sợi chão, đầu dây trên bờ buộc vào gốc cây to, đầu dây bên kia buộc vào thành tàu, khoảng cách độ 50 mét. Trên bờ người đeo mặt nạ, kẻ đánh thanh la, đứa thổi kèn đồng, thằng múa gậy. Mấy đứa gái son phấn mặt đỏ như gấc hát í ơ… Thằng khỏe mạnh cầm loa chõ vào đám đông hét: “Thằng nào muốn sang Việt Nam làm lính để được ăn no mặc ấm bám vào dây đu ra. Bước lên sàn tàu, được phát quần áo mới, cấp lương thực. Đứa nào yếu rơi xuống sông, cho đi hầu Diêm Vương, Hà Bá, không ai rỗi hơi rỗi sức mà vớt”.
Những con người khốn cùng đều nghĩ mình phải sống nên hai chữ Việt Nam nó hấp dẫn với con ma đói. Nó không thẹn nhục nên cố chen lấn, xô đẩy, kéo bám nhau đu ra tàu. Những kẻ đói khát coi sợi dây chão là đường lên trời. Có thằng dặn mẹ: “Con sang Việt Nam sống sót sau về báo đáp phụng dưỡng “ma ma”. Trong lúc đó đầu nó luôn nghĩ đến con bé hàng xóm đứng sau vách đất dòm mặt trước lúc nó đi.
Đức Phúc cười nói thêm với u già: “Những lời nói của kẻ ngu là lời nói thật”.
Đức Phúc ngồi với u già hàng tiếng bên cái bếp củi nóng, mồ hôi nhễ nhại, cho tới lúc mặt trời sập xuống mới về. U già vừa đi vừa đấm vào lưng, có lúc vỗ mạnh vào đầu gối, lê từng bước chân vào trong cái buồng tối như hũ nút, rồi lạch cạch cài then cánh cửa gỗ lim. Trước nhà, u già trồng khóm hướng dương, hoa nở vàng chói nắng thu vừa đi qua. Mặt trời như lặn vào hoa tất cả.
Anh thanh niên Đức Phúc nghĩ: “Thường những ông vua Bắc Kinh tự nhận mình là con trời. Đã là con trời sao để dân đói khát, giờ tìm cách sang nhà hàng xóm quấy rầy”.
Người Tàu có điều kiện khi di dân họ thường cắp hài cốt cha mẹ đi theo. Dân phố Đệ Nhất vui vẻ tiếp nhận hoàn cảnh ấy. Cuối năm, sau đợt gió bấc xua tan mây đen, tiếp cơn mưa ào ào xứ nhiệt đới gần tối mới tạnh, chân trời đằng Đông phía biển Tiền Hải những cụm mây hồng còn lởn vởn lấp lánh dưới ánh mặt trời phía Tây hắt lại. Khoảng năm bảy người Tàu mới sang phố. Họ ngồi xổm trên miệng huyệt mới đào. Đất đỏ tươi như máu, họ vừa nghỉ tay ăn tối lặng lẽ bên huyệt mộ, vẻ mặt lo âu. Có người cúi gằm mặt ngồi xuống bốc đất dưới sâu mới quật lên ngửi rồi đặt la bàn xem hướng. Tiếng nhai tóp tép, trệu trạo. Cơm của họ để trong chiếc bát sứ mẻ, có đường viền bạc nham nhở. Họ đưa lên miệng với đôi đũa khéo léo và cơm trộn xì dầu màu sẫm. Thằng trẻ ăn xong trước, nó vươn người, rướn bụng lấy tích nước tu ừng ực. Mấy người khác gày gò hơn, quần áo tướp tã, hôi hám. Một người lớn tuổi đầu cạo nhẵn thín, đuôi mắt nhài quạt từ từ để chiếc bát ăn xuống, nói với mọi người: “Chính xác rồi đấy. Đặt các cụ nghỉ ở đất này là đẹp”. Người trẻ ngoái cổ lại định hỏi câu gì, người đầu cạo bảo: “Đất này có con rồng vàng ở. Ôi, lạy đức A La”.
Đấy là cảnh tượng đầu tiên người Tàu đặt “lọ cốt” của họ trên đường Lê Lợi. Họ để phần mộ người thân ngay sát nhà mình để tiện chăm sóc phần hồn cho kẻ xấu số. Họ làm đất thật tỉ mỉ, chu đáo, không để một sai sót. Những nấm mộ hình tròn, hình chữ nhật cứ theo năm tháng mọc dày lên. Trên mặt mộ bao giờ cũng trồng một khóm hoa. Sau ngày làm việc, họ thường ra nghĩa địa ngắm lúc mặt trời chìm trong đám mây màu bạc. Có khi mây chuyển màu từ trắng sáng sang màu hồng, rồi từ màu hồng chuyển sang màu mỡ gà. Họ bảo đấy là con rồng vàng đã xuất hiện nhưng chưa một ai nhìn thấy con rồng dưới mộ.
Trong số người sang nước Việt, khi gặp khó khăn gì thường nghĩ đến động mồ, động mả. Tại sao đến nay cũng chẳng ai biết. Cánh Hồng Kí - Kì Xưng Cư - Tống Sáng túm năm tụm ba sau ba năm chuyển nghĩa địa của họ ra đầu vườn hoa chéo (nay đặt Khách sạn Dầu khí). Được năm ba bữa đùng đùng lại quật mộ ông bà mình đưa vào đất Trường cấp III Lê Quý Đôn.
Rồi một ngày dân thị xã kéo đến xem người Tàu chuyển mộ ra Cống Trắng. Khu mộ Trường cấp III khai quật lên người ta đã bắt gặp xác người con gái mặc áo sa tanh, quần lụa, đeo khuyên vàng, dây chuyền vàng. Trông người đẹp đẽ, người Tàu bảo: “Đó là công chúa… của họ”.
Họ đưa huyệt mộ ra khu Cống Trắng nằm chung với dân Việt. Người đi Thanh minh vào tiết tháng ba thường bắt gặp hai dãy mộ trắng toát, một bên người Việt, một bên người Tàu, phần hồn phần xác nương tựa vào nhau.
Vài năm sau, họ bảo “Đây đâu phải là nghĩa địa” nhưng có ai tranh cãi với họ làm gì? Cánh gia nhân hiệu Phúc Kiến đứng bên ông chủ, mặt mày tái mét, thở hổn hển trông coi mấy người đào huyệt chuyển ra cây số 4 nơi xí nghiệp xe tải ông Chanh Hòa đóng. Có thằng nổi cơn thịnh nộ, gào lên: “Đồ nhát gan, mới trông thấy tí xương người đã bủn rủn chân tay à? Hãy nhúc nhắc, nhanh chân nhanh tay lên chúng mày. Mưa xuống bây giờ”. Lúc ấy, tiếng cuốc, tiếng xẻng nhanh phầm phập. Chiều tối, chỗ nghĩa trang Cống Trắng phía mộ người Tàu đã chuyển đi hết. Họ đốt vàng mã hình nộm, nhang khói mù mịt cho đến sáng hôm sau.
Rồi một lần nữa họ kêu động long mạch. Tiếng rì rầm, đồn thổi nổi lên khắp phố Khách. Sau cái vụ con Tống Sáng bị đũa xọc vào họng chết, họ quyết định đưa huyệt mộ ra cây số 6 bên cạnh những hồ nước đen. Chỗ ấy chắc được đất. Từ đấy thôi không chạy nữa để tổ tiên mình được yên trong khu nghĩa trang dân tộc Việt.
Nghĩa trang thị xã chốn này cũng cỏ xanh, gạch thắm in dấu chân hai dân tộc Việt - Hoa. Người nằm dưới mộ chắc cũng nhớ tuyết giá Bắc Kinh, nhớ chặng đường mười mấy tháng con cháu đi bộ, đùm dúm nhau sang Việt Nam ở với người Việt lễ nghĩa, nặng tình thâm hậu, hòa hiếu lân bang.
Những năm tháng các ông chủ Tàu được tắm nước sông Trà Lý, đón nắng Đồng Lôi, đội mưa đồng Thượng Lạc - Hạ Lạc - Nấm Bo nói với người Việt (Thái Bình): “Mấy chục năm ròng, chúng tôi thấm hương vị ổi Bo vùng Sa Cát. Quả ổi chín, hội tụ đủ đức tính con người vùng Sơn Nam Hạ, ngọt mà thanh, rắn nhưng giòn, thơm mà dịu. Quả ổi xanh tròn đem lòng nhân ái đến với mọi nhà vào ngày tết. Ổi làm quà cho nhau, như lời nói khiêm tốn, biết cất giấu hương vị của cây lá vào lòng quả chín. Nó như một sứ thần đi đến từng nhà vào ngày tết, giấu mình vào túi con trẻ lúc đi chơi”.
Hàng ngày, những ông chủ tiệm phố Khách bắc ghế ra ngoài cửa ngồi chơi với người Việt. Họ học nói tiếng Việt, học cách ăn ở của người Việt, phố Đệ Nhất lúc nào cũng sống trong không khí yên vui, lá lành lá rách bọc bịn lấy nhau. Cánh nhà buôn thuốc bắc Đức Mỹ - Đức Xương - Đức Hợp có lần được ông chủ Di Hưng Long - Hiền Kí mời uống rượu Thiệu Hưng. Thiệu Hưng có nền văn hóa lâu đời, phần lớn người có học làm nghề “gia sư” giúp nước. Từ những cuộc rượu giữa hai nhà, cậu con trai Đức Phúc con cụ Đức Mỹ tự hiểu, người Tàu sang ta đâu phải chỉ có người đi kiếm ăn, có thể còn những “sư gia”, trong lúc “cờ loạn thế” đi ẩn thân. Họ đâu phải là khách “Biên Đình” rong chơi mà đi tìm số phận may rủi của cõi người. Có lúc họ tự nhận mình là “con chó xấu xí”, miệng ngậm giẻ rách nhà mình, con chó xấu xí vẫn trung thành với chủ, nó chẳng bao giờ bán chủ, cũng chẳng cướp của chủ. Họ biết giữ đất đai, của cải cho chủ mình, cho đất nước mình. Đâu một ngày sa cơ lỡ vận mà bán rẻ chủ cho người khác. Nên cái gì họ cũng giữ “bí mật” riêng cho họ.
Cụ Đức Phúc kể: “Bây giờ nhiều lúc tôi nói lại chuyện phố Khách với bọn trẻ. Chúng nó bảo chuyện cụ nghe “hủ” lắm. Tôi bảo chúng chuyện đời cũng như chuyện phở. Lúc anh bảo phở anh Gù bán rong nổi tiếng, lúc các anh lại bảo phở chú Xừ ngon, có lúc các anh khen phở Phớn, bởi có mùi hành tây, cần tây. Còn cái tảng thịt bò đỏ ối khênh ở bến ca nô (phố Nứa) quẳng vào xe ba gác chờ vào phố ngày xưa các anh kêu mất vệ sinh, chúng tôi ăn có mắc bệnh ung thư đâu?”.
Chuyện tôi nói “hủ” phải không? Nếu giờ vớ được bát phở xưa sao quên được? Phở hôm nay mang tên phở Lý Quốc Sư đặt giữa thành phố Thái Bình, các anh mượn cái tên cũ người xưa, để kiếm chác phần lời nuôi vợ nuôi con, ăn trơn mặc trắng, có hay ho gì? Phở thời nay động đũa vào “hôi xì”, mỡ nhày miệng. Chuyện “đời” cũng vậy, giờ cứ chê lớp người “muôn năm cũ” đi, có lúc hối không kịp. Chuyện cụ Phúc nói ngon như chén rượu gạn đáy vò, càng nghĩ càng hay…
Nhà tôi xưa ở đầu phố, đất mặt đường Lê Lợi, chỗ Ủy ban nhân dân tỉnh đóng bây giờ, chạy dài 150 mét, sâu mấy chục mét đến sát mép đường Trần Hưng Đạo. Nhà có sân trước vườn sau, năm gian nhà gỗ, hai sân gạch lát. Có vườn ổi găng, mùa hoa gọi chim về, mùa hè quả chín vàng thơm, chào mào kéo đến ăn nhả hạt xuống trắng cả mặt đất. Bên cạnh gốc ổi mấy bờ rau muống sà xuống nước. Một cái ao nhỏ, cầu ao hàng ngày người hàng xóm Việt - Hoa gặp nhau ở đó. Lúc rửa chân tay, khi vo gạo, lúc mổ lợn hoặc giết gà, người hai nước gọi nhau, nhờ vả lẫn nhau. Nước ao bao giờ cũng đùng đục lờ lờ, cá lên quẫy um ủm. Cánh thanh niên người Việt gọi người Tàu cứ tối đến ra sông Trà gánh nước về ăn. Người nhà Hồng Kí - Kì Xưng Cư cho nước đựng vào thùng gỗ lấy xe bò, hoặc xe ngựa kéo vào phố, có lúc kéo cả cho người Việt. Có lần tôi hỏi bố:
- Bố cho con vườn ổi này nhé?
- Mày xin làm gì?
- Để trẩy quả bán lấy tiền làm vốn mua giấy bút.
- Mày thích thì bố cho. Tài sản trong nhà, đất đai vườn tược là của con tất cả. Đức Phúc cười.
- Con chỉ xin mấy cây ổi thôi.
Thế là từ hôm đó mấy thằng bé bên phố Khách kéo đến đây vặt ổi ăn đến no, trong đó có Nguyễn Tài Khoái, con cụ Nguyễn Công Hoan. Năm gian nhà bố con tôi ở xưa là của cụ Thượng Phạm. Sau cụ chuyển đi Bắc Ninh để lại cho ông Cả Thảo con trai lớn của cụ trông nom. Gia đình ông Thảo làm ăn sa sút lên tiếng bán. Mẹ Đức Phúc biết đánh tiếng mua rồi cơi thêm đất bốn chung quanh cho mở tiệm thuốc.
Làm nhà to mở rộng cửa. Gia đình ông Hào Thùy, nhà buôn bán gạo giàu nhất thị xã muốn mở thêm cửa hàng bia, thuê gian ngoài nhà cụ Đức Mỹ treo biển. Hào Thùy người Cống Vực, phì nộn, ục ịch, đi lại khó khăn. Trái lại, hai ông anh ruột Hào Thùy (Chánh Đài, Tổng Chữ) vóc người thanh mảnh, hoạt bát, hoạt khẩu, nói nhẹ như chim, mặc áo tứ thân, quần ống sớ, thi thoảng lên chơi với anh đem ghế ngồi ăn kem ngoài cửa hiệu, trông cảnh mấy anh em ngồi bên nhau thật tức cười.
Làm nhà
Tin cùng chuyên mục
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
Phạm Tú - 4 năm trước