Thứ 3, 23/07/2024, 03:20[GMT+7]

Vang mãi bài ca mở đất (Kỳ 3)

Thứ 6, 03/11/2017 | 08:31:16
1,239 lượt xem
Quá trình lấn biển lập nên những vùng đất mới, bảo vệ đê biển và các vùng ven biển luôn là vấn đề cấp thiết đối với Tiền Hải. Những năm qua, Tiền Hải luôn chú trọng trồng và bảo vệ rừng ngập mặn - một biện pháp kỹ thuật có giá thành rẻ mà lại rất hiệu quả.

Người dân xã Đông Long (Tiền Hải) vận chuyển cây giống chuẩn bị trồng rừng.

Kỳ 3: Rừng ngập mặn - “dải đê mềm” chắn sóng

Những năm qua, Tiền Hải luôn chú trọng trồng và bảo vệ rừng ngập mặn - một biện pháp kỹ thuật có giá thành rẻ mà lại rất hiệu quả. Những khu rừng xanh mướt được người dân nơi đây ví như những “dải đê mềm” đang ngày đêm chắn sóng, chắn gió bảo vệ cho những con đê, cho cộng đồng trước thiên tai.

Bên cạnh những lợi thế trong phát triển kinh tế biển, Tiền Hải cũng thường chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai như bão lụt, xâm nhập mặn… đang ngày càng tăng về cường độ, tần suất và tính bất thường. Chính vì thế, ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của huyện. 

Trong những năm qua, nhiều dự án trồng, bảo vệ rừng ngập mặn ở Tiền Hải đã được triển khai có hiệu quả như dự án phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển tỉnh Thái Bình giai đoạn 2011 - 2015; dự án trồng cây chắn sóng bảo vệ đê biển số 5 từ K14+125 - K14+800; dự án trồng cây chắn sóng ven biển huyện Tiền Hải… góp phần hình thành những bức tường xanh chắn sóng, gió, bảo vệ đê biển, giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ gây ra, bảo đảm đời sống và sản xuất của nhân dân vùng ven biển. Giai đoạn 2015 - 2020, nhiều dự án có quy mô tiếp tục được triển khai thực hiện tại các xã Nam Thịnh, Đông Hoàng, Đông Long như dự án phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển tỉnh Thái Bình nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; dự án giảm sóng ổn định bãi và trồng rừng ngập mặn bảo vệ đê biển 5 và 6 tỉnh Thái Bình… Dự án phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển tỉnh Thái Bình do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ được triển khai tại hai xã Đông Long và Đông Hoàng. Từ năm 2016 đến nay người dân hai xã được tập huấn kỹ thuật trồng, bảo vệ rừng và đã trồng mới được 17ha, bảo vệ 350ha rừng. 

Theo số liệu kiểm kê rừng năm 2015, huyện Tiền Hải có 1.254,6ha rừng ngập mặn, trong đó 100% là rừng trồng, độ che phủ 5,5%. Diện tích rừng đặc dụng là 847,6ha, tại các xã Nam Thịnh, Nam Hưng, Nam Phú, còn lại là rừng phòng hộ ở các xã Đông Long, Đông Hoàng, Đông Minh và Đông Hải. 211,4ha rừng trồng nhưng chưa thành rừng đang được các địa phương tích cực chăm sóc, bảo vệ. Hệ thống rừng ngập mặn trên địa bàn có đa dạng các loại cây như bần, vẹt, trang, mắm, sú… không chỉ là bức tường xanh chắn sóng, mở rộng diện tích đất bồi, hạn chế xói lở, rừng ngập mặn còn là “ngôi nhà sinh thái” cho nhiều loài thủy hải sản, góp phần duy trì bền vững năng suất khai thác thủy sản ven bờ, giúp người dân các xã ven biển của Tiền Hải phát huy tốt lợi thế về nuôi trồng thủy sản.

Về xã Đông Hoàng hôm nay, đi trên con đường đê, trải dài tầm mắt là màu xanh mướt của cánh rừng bần, vẹt, nơi trú ngụ của những đàn cò và các loài hải sản. Tham gia đội bảo vệ rừng của xã ngay từ những ngày đầu thành lập, ông Vũ Văn Tưởng nhiều lần chứng kiến cảnh thiên tai đe dọa, tàn phá tài sản, con người ven biển. Cảnh di dời dân, ao đầm tan hoang sau bão càng làm cho quyết tâm giữ rừng của ông thêm mạnh mẽ. 

Ông Tưởng cho biết: Trồng được một cây sống và phát triển xanh tốt là biết bao công sức bỏ ra. Chính vì thế, để cánh rừng vươn xa ra biển, đội bảo vệ chúng tôi nhiều lần phải dùng cả tính mạng mình để đấu tranh với những đối tượng phá hoại rừng.

Trong khi thiết kế đê biển chỉ đáp ứng được bão cấp 10 khi có triều cường thì những “dải đê mềm” có ý nghĩa quan trọng để bảo vệ hệ thống đê biển, cơ sở hạ tầng, cộng đồng dân cư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh, quốc phòng vùng ven biển. Để huy động sự tham gia của cả cộng đồng, những năm qua, huyện Tiền Hải đã xây dựng những mô hình: giao cho người dân trực tiếp trồng, bảo vệ rừng; thành lập các tổ quản lý bảo vệ rừng với sự tham gia của công an xã, những người dân thường xuyên đi rừng để theo dõi, quản lý chặt chẽ rừng. 

Ông Đặng Văn một lão nông ở Tiền Hải chia sẻ với chúng tôi: Sự đoàn kết chống chọi với thiên tai của những người dân Tiền Hải cũng giống như những cái cây của rừng ngập mặn. Các cây ngập mặn mọc đan xen lẫn nhau, rễ cây phát triển cả trên và dưới mặt đất cộng với thân và tán lá cây cùng kết hợp để phân tán sức mạnh của sóng, gió. Rễ cây ngập mặn có khả năng phát triển mạnh mẽ cả về mức độ rậm rạp và sự dàn trải. Khi cây ngập mặn bị đổ xuống thì rễ cây dưới mặt đất tạo ra một hệ thống dày đặc ngăn cản dòng nước.



Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải

Những nghiên cứu khoa học đã khẳng định rừng ngập mặn có tác dụng rất lớn trong việc giảm thiểu tác hại của sóng thần, bảo vệ đê biển và bảo vệ đất bồi, chống xói lở, hạn chế xâm nhập mặn. Chính vì tầm quan trọng đó của rừng ngập mặn nên những năm qua UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã ven biển tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn; tranh thủ sự hỗ trợ các dự án, trồng mới và phục hồi được nhiều diện tích rừng, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức, vận động người dân tham gia trồng, bảo vệ rừng ngập mặn.

Ông Dương Văn Tuẩn, Bí thư Đảng ủy xã Đông Long (Tiền Hải)

400ha rừng phòng hộ có ý nghĩa to lớn đối với người dân xã Đông Long nói riêng. Không chỉ hạn chế những tác động tiêu cực của thiên tai, rừng ngập mặn còn che chắn cho 150 đầm nuôi trồng thủy sản của xã, đồng thời mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho hơn 1.000 hộ dân trong xã. Thời gian tới, bên cạnh việc duy trì tốt hoạt động của đội bảo vệ rừng, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn khảo sát, đánh giá hiện trạng rừng từ đó có kế hoạch trồng mới, trồng bổ sung để rừng ngày càng vươn xa hơn nữa ra biển.


Ông Phùng Văn Đề, thành viên Ban Quản trị HTX DVNN Nuôi trồng thủy sản Hải Châu, xã Đông Minh

Đê ngăn nước, rừng ngăn sóng. Nhờ có “tấm lá chắn” này nên mỗi mùa mưa, bão đến, bà con không còn nơm nớp lo sợ khi nước biển dâng cao. Điển hình như bão số 10 vừa qua, nếu không có rừng ngập mặn thì thiệt hại về hoa màu, vật nuôi và tài sản của người dân xã Đông Minh nói riêng, các xã ven biển Tiền Hải nói chung là không thể lường được. Cũng vì thế mà từ nhiều năm nay, ý thức người dân trong việc trồng và bảo vệ rừng ngập mặn được nâng lên rất nhiều, cả cộng đồng chung tay cùng chúng tôi bảo vệ những “dải đê mềm”.


(còn nữa)

Nhóm phóng viên

  • Từ khóa