Thứ 6, 18/07/2025, 04:50[GMT+7]

Học sinh sáng chế ra lò sấy thóc

Thứ 4, 17/01/2018 | 09:57:39
1,151 lượt xem
Không chỉ sấy thóc, hệ thống cảm biến nhiệt độ, độ ẩm được cài đặt chế độ phù hợp với từng loại nông sản cần sấy. Khi nông sản được sấy đủ đến nhiệt độ, độ ẩm tiêu chuẩn nguồn điện nối với quạt sưởi sẽ tự động ngắt. Hệ thống ben giúp cho việc lấy thóc đã sấy khô ra được dễ dàng. Lượng thóc mỗi lần sấy đạt 50kg trong thời gian 30 phút.

Hai học sinh sáng chế ra lò sấy thóc.

Năm vừa qua, mưa lớn trên diện rộng và liên tục trong thời gian dài, khối lượng thóc đã thu hoạch không được phơi khô nên dễ bị ẩm mốc, nảy mầm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm lúa gạo, thậm chí không thể sử dụng được. Từ thực trạng đó, hai học sinh của Trường THCS Lô Giang (Đông Hưng) đã nghiên cứu, sáng chế ra sản phẩm “Lò sấy thóc (nông sản) sau thu hoạch trong mùa mưa bão”.

Vũ Việt Anh, một trong hai học sinh tham gia sáng tạo sản phẩm chia sẻ: Theo quan sát của em, do thời tiết mưa lớn trên diện rộng và liên tục trong thời gian dài khiến khối lượng thóc đã thu hoạch không được phơi khô nên dễ bị ẩm mốc, nảy mầm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm lúa gạo, thậm chí không thể sử dụng. Người nông dân bị mất mùa ngay trong khi lúa đã được thu hoạch về nhà. Từ thực tế trên cùng với việc ngành Giáo dục phát động cuộc thi sáng tạo khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học, dưới sự hướng dẫn của cô giáo Lương Thị Lý, em và bạn Vũ Thị Mai Linh đã cùng quyết tâm sáng chế ra một sản phẩm sấy thóc giúp người nông dân bớt nỗi lo mỗi khi thời tiết bất lợi.

Cô giáo Lương Thị Lý, giáo viên hướng dẫn cho biết: Ngay từ khi các em tâm sự rằng rất trăn trở trước thực trạng khó khăn của gia đình mình cũng như của những người nông dân khi thành quả lao động chỉ trong ít ngày đã bị thiên tai cướp đi và mong muốn chế tạo lò sấy thóc, tôi đã động viên các em rất nhiều, cùng các em tìm kiếm những nguồn nguyên liệu tái chế để tạo ra từng bộ phận của sản phẩm. Dựa vào những sáng tạo khoa học, những thiết bị kỹ thuật cơ khí có sẵn trên thị trường, cô và trò Trường THCS Lô Giang đã hoàn thành dự án “Lò sấy thóc (nông sản) sau thu hoạch trong mùa mưa bão”. Lò sấy thóc được cấu tạo gồm 7 bộ phận, đó là: khung đỡ, hệ thống đèn sấy, giá phơi, hệ thống đảo thóc, hệ thống ben đổ thóc, nắp chụp và quạt thông gió. Khi đặt bếp than vào hộp giá đỡ hệ thống đèn sấy, bật công tắc đèn và quạt thông gió; nhiệt của đèn sấy tỏa ra sẽ làm khô, nóng không khí trong hộp và hơi khô, nóng đó sẽ làm khô thóc phía trên giá phơi. Đồng thời, quạt thông gió sẽ hút và đẩy hơi ẩm, nóng bên trong lò sấy ra ngoài. Hệ thống đảo thóc hoạt động giúp cho thóc được khô đều. Không chỉ sấy thóc, hệ thống cảm biến nhiệt độ, độ ẩm được cài đặt chế độ phù hợp với từng loại nông sản cần sấy. Khi nông sản được sấy đủ đến nhiệt độ, độ ẩm tiêu chuẩn nguồn điện nối với quạt sưởi sẽ tự động ngắt. Hệ thống ben giúp cho việc lấy thóc đã sấy khô ra được dễ dàng. Lượng thóc mỗi lần sấy đạt 50kg trong thời gian 30 phút.

Với kết quả trên, lò sấy thóc của hai học sinh Trường THCS Lô Giang được đánh giá là một sản phẩm hoàn toàn chưa có trên thị trường với các bộ phận cấu thành đã có sẵn trong gia đình hoặc dễ mua ngoài thị trường. Sản phẩm có cấu tạo đơn giản, được lắp ráp hoàn toàn thủ công, hoạt động ổn định, dễ sử dụng, độ bền cao. Bên cạnh đó, khắc phục tối đa các tác động của thiên nhiên như thời tiết có mưa, bão hoặc độ ẩm không khí cao, trời không có nắng hệ thống vẫn có thể hoạt động thường xuyên, liên tục hoặc theo nhu cầu và thời gian của người sử dụng mang lại hiệu quả cao trong xử lý nông sản sau thu hoạch.

Đam mê và yêu thích những thí nghiệm thực hành trong các môn học cùng sự hướng dẫn của giáo viên đã mang về cho hai em Vũ Việt Anh và Vũ Thị Mai Linh giải nhất chung cuộc cuộc thi sáng tạo khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2017 - 2018.

 Đặng Anh