Thứ 3, 26/11/2024, 11:03[GMT+7]

Người phụ nữ bắn rơi máy bay Mỹ

Thứ 2, 19/03/2018 | 09:03:15
5,656 lượt xem
Gắn với trận địa pháo và đồng đội 11 năm, Đại đội trưởng Trần Thị Tựa đã chỉ huy đơn vị chiến đấu trên 270 trận, đã bắn rơi 2 máy bay Mỹ, phối hợp với Đại đội 4 nam pháo cao xạ 37 ly bảo vệ vững chắc cống Lân cùng các mục tiêu quan trọng.

Ảnh minh họa.

Gần 80 tuổi mắt không còn tinh, chân bước không còn nhanh nhưng khi tôi gợi chuyện về những năm tháng áo gụ, quần túm, chân trần đứng trên trận địa phòng không chỉ huy đồng đội bắn máy bay Mỹ, thần thái bà Trần Thị Tựa rạng rỡ và tươi tắn hẳn lên. 

Bà Tựa bảo: Quên gì thì quên chứ không thể quên được ngày Đại đội nữ dân quân pháo cao xạ 37 ly huyện Tiền Hải bắn rơi máy bay giặc Mỹ. 

Đăm chiêu nghĩ suy điều gì đó một hồi khá lâu bà Tựa lần giở về những ngày hào hùng của “cả nước là chiến trường, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương”.

Ảnh tư liệu.

Đầu năm 1971, khi đang là Đảng ủy viên, Bí thư Đoàn xã Vũ Lăng (Tiền Hải) bà Tựa được cấp trên điều động tăng cường cho Đại đội nữ dân quân pháo cao xạ 37 ly trực chiến bảo vệ cống Lân và các mục tiêu quan trọng. Sau 4 tháng tăng cường bà Tựa được giao trọng trách Đại đội trưởng. Đơn vị ở tập trung, lại toàn là nữ, vũ khí không phải là khẩu súng CKC hay khẩu súng trường K44 mà là bốn khẩu pháo 37 ly và một khẩu pháo 40 ly, chị em vừa huấn luyện kỹ thuật, kỹ năng sử dụng pháo vừa trực sẵn sàng chiến đấu bắn máy bay địch. Hàng tuần mọi người phải thay nhau về lấy gạo mang ra trận địa, kết hợp cấy lúa, nuôi thêm gà, lợn để bù phụ cho bữa ăn. Những ngày tháng đó với bà Tựa và các đồng đội gian khó không nản, đói bữa không kêu, tất cả với quyết tâm “đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Các chị đã bó bện bên nhau ngày đêm ứng trực sẵn sàng cùng với đơn vị bạn giăng lưới lửa phòng không khi máy bay giặc Mỹ xâm phạm vùng trời. Những ngày tháng đó, đế quốc Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân. Ngày nào máy bay Mỹ cũng mò qua trận địa vào ném bom thị xã Thái Bình và các mục tiêu cầu, cống, cơ sở kinh tế, quốc phòng của ta. Cống Lân là mục tiêu bảo vệ quan trọng, nếu không bảo vệ an toàn cống Lân để máy bay địch ném bom phá hoại thì cả tỉnh sẽ mất mùa bởi nước mặn xâm thực, do vậy ngày nào trận địa phòng không các nữ dân quân cũng nhả đạn bủa vây máy bay địch. 

Ngày 28/5/1972, phát hiện một tốp máy bay địch xâm phạm vùng trời, Trần Thị Tựa vào vị trí chỉ huy, cả 4 khẩu pháo đồng loạt giăng lưới xé toang đội hình bay của địch. Một chiếc AD7 của địch trúng đạn bốc cháy và cũng chỉ ít phút sau bọn giặc trời Mỹ bu lại, chúng điên cuồng trút xuống trận địa đạn rốc két và bom xuyên, trận địa pháo trùm đen trong khói bom đạn, không nao núng và không ai rời vị trí, hơn 50 nữ dân quân vẫn trụ vững động viên nhau chiến đấu, sức ép của bom Mỹ làm hơn 10 chị bị ngất xỉu, chị Mai người xã Nam Hà bị mảnh bom găm vào đầu gối, Đại đội trưởng Tựa bị mảnh bom găm trên đỉnh đầu.

Đó là trận chỉ huy chiến đấu bắn máy bay Mỹ sâu sắc nhất của Đại đội trưởng Trần Thị Tựa từ 50 năm về trước, nhắc lại kỷ niệm này bà Tựa ngậm ngùi. Sau trận chiến đấu chị Mai được bố trí đi dưỡng thương, sau này được giám định và xác nhận là thương binh còn bà Tựa ngày đó là đảng viên, Đại đội trưởng ở lại chỉ huy đơn vị, vết thương sau đó không có điều kiện đi giám định nên giờ chỉ là vết sẹo trên đỉnh đầu. 

Gắn với trận địa pháo và đồng đội 11 năm, Đại đội trưởng Trần Thị Tựa đã chỉ huy đơn vị chiến đấu trên 270 trận, đã bắn rơi 2 máy bay Mỹ, phối hợp với Đại đội 4 nam pháo cao xạ 37 ly bảo vệ vững chắc cống Lân cùng các mục tiêu quan trọng. 

Ngày 31/12/1973, Đại đội nữ dân quân pháo phòng không huyện Tiền Hải được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 

Năm 1982, Trần Thị Tựa chia tay đồng đội, chia tay mâm pháo về nhận công tác ở Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tiền Hải. Tám năm sau đó bà Tựa được nghỉ chế độ và nhận trợ cấp một lần 620.000 đồng. 

Trở lại quê hương Vũ Lăng, tuổi trẻ và nhiệt huyết đã gửi cùng hơn 4.000 ngày bên mâm pháo cùng đồng đội đi qua bom rơi, đạn nổ và lập chiến công bắn rơi máy bay Mỹ, cùng tập thể Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tiền Hải xây dựng các phong trào. Trở về quê khi tuổi đã cao bà Tựa không kể công đòi hỏi, bà dành 100.000 đồng mua ruộng để sản xuất và sống vui cùng vợ chồng người cháu họ và bà con xóm ngõ. 

Năm 2002 bà Tựa được hỗ trợ 9 triệu đồng xây dựng nhà tình nghĩa và mới đây thôi được nhà nước hỗ trợ thêm 20 triệu đồng, bà Tựa góp cùng vợ chồng người cháu nâng cấp ngôi nhà mái bằng khang trang. 

Tuổi trẻ của bà Tựa là những ngày tháng của phong trào “thanh niên ba sẵn sàng, phụ nữ ba đảm đang” thật đáng được ghi nhận và kể lại cho thế hệ trẻ hôm nay, dù chuyện về bà Trần Thị Tựa tôi ghi lại mới chỉ là một lát cắt rất nhỏ.

Nguyễn Công Liêm

Thành phố Thái Bình